Những chiến sĩ Công an xung phong trên tuyến đầu chống dịch

Thứ Bảy, 30/10/2021, 17:29

Cuộc chiến với làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư thực sự là một thử thách gian nan. Theo tiếng gọi của trái tim, hàng vạn CBCS Công an đã xung phong tiếp sức cho những tỉnh, thành phố đang là tâm điểm của dịch bệnh, đe dọa tính mạng của nhân dân…

Trong cuộc chiến không có tiếng súng nhưng khốc liệt, ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh hơn bao giờ hết, đã có chiến sĩ Công an hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, đã có những đêm trắng ở các bệnh viện dã chiến, dầm mưa dãi nắng ở các chốt trực… nhưng họ không nao núng , gác lại hạnh phúc riêng để cùng cả nước vượt qua những ngày giông bão.

Nhiệm vụ chưa từng có ở bệnh viện dã chiến

Cuộc điện thoại của chúng tôi được nối sóng giữa giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi của chàng trai 9X, Trung úy Lê Việt Hà, kỹ thuật viên Khoa Hóa - Sinh, Bệnh viện 19-8 Bộ Công an, khi anh vừa kết thúc chuyến vận chuyển người bệnh tử vong vì COVID-19. Đã 4 lần xung phong vào vùng tâm dịch tại Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh nhưng Trung úy Hà giọng vẫn run run khi nhắc đến nhiệm vụ đặc biệt, lần đầu tiên trong cuộc đời quân ngũ của mình.

Đó là một buổi trưa, anh nhận được cuộc gọi gấp gáp của Thượng tá Đinh Tạ Hiển, Phó Giám đốc bệnh viện dã chiến Phước Lộc Bộ Công an (đóng tại TP Hồ Chí Minh) giao nhiệm vụ cùng đồng đội chuyển 2 tử thi đến đơn vị Quân đội. Đây là nỗi đau lớn nhất mà các lực lượng tuyến đầu chống dịch phải chứng kiến từng ngày, thật buồn và đầy ám ảnh.

Trang 10: Những chiến sĩ Công an xung phong trên tuyến đầu chống dịch -0
Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an gặp mặt, động viên đoàn cán bộ y tế Công an xuất quân lên đường vào các địa phương phía Nam chống dịch COVID-19.

“Suốt quãng đường đi khoảng 40km, đưa thi thể họ vào kho lạnh, bàn giao cho đơn vị chức năng làm thủ tục an táng, cứ nghĩ, đây là chuyến đi cuối cùng đưa họ rời cõi nhân gian, chúng em đều cố gắng làm những việc tốt nhất trong điều kiện có thể, để những người thân của bệnh nhân cũng phần nào an tâm, đỡ day dứt, bởi giờ phút cuối cùng vẫn còn có các y, bác sỹ thay họ bên cạnh người thân...” -Trung úy Hà chia sẻ.

Thượng tá Đinh Tạ Hiển, Phó Giám đốc bệnh viện dã chiến Phước Lộc Bộ Công an, bác sỹ tăng cường từ Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an cho biết thêm, ở bệnh viện dã chiến, có ngày cao điểm, bệnh viện tiếp nhận từ 30-50 bệnh nhân, có lúc bệnh nhân nặng (thở máy xâm nhập, thở HFNC, thở oxy) chiếm hơn 1/2 số lượng bệnh nhân trong bệnh viện.

Ngoài đảm bảo công việc xét nghiệm mẫu nhanh chóng, khẩn trương, chính xác cho bệnh nhân thì công việc của Trung úy Lê Việt Hà và đồng đội ở phòng xét nghiệm cứ vài ngày/lần lại lấy mẫu, phân tích mẫu xét nghiệm cho gần 200 cán bộ, y, bác sỹ. Cùng tham gia với anh còn có Thiếu úy Lê Minh Điền được tăng cường từ Bệnh viện 199 Bộ Công an (đóng tại TP Đà Nẵng) và 2 nữ chiến sĩ Công an là bác sĩ Đại úy Phạm Nguyệt Minh, Khoa Hóa - Sinh, Bệnh viện 19-8 và Trung úy Hoàng Minh Hảo, Khoa xét nghiệm Bệnh viện Y học cổ truyền. Chị Minh và chị Hảo đều có con nhỏ nhưng vẫn tình nguyện xung phong lên đường chống dịch.

Với Trung úy Hảo, chị chỉ có vỏn vẹn 2 ngày trước khi lên đường để cùng chồng sắp xếp gửi con nhỏ 28 tháng tuổi cho ông bà ngoại. “Trước em cũng xung phong đi Bắc Giang nhưng đến lần này mới được gọi. Em đã mang theo một va li đồ ăn khô vì biết trong này đang rất khó khăn, mình chủ động để toàn tâm, toàn ý cho công việc”- Trung úy Hảo nói và nghẹn giọng “Mong rằng, với những nỗ lực từ các lực lượng, dịch bệnh sẽ được khống chế, để những đứa trẻ bé bỏng như con mình sẽ không phải xa rời vòng tay chăm sóc của bố, mẹ nữa”. Khi công việc tạm lắng, nhớ con quay quắt, hai mẹ con chị chỉ gặp nhau qua facetime, nhưng có lúc đi làm về thì con đã ngủ.

Những đóng góp thầm lặng

Một bếp ăn đặc biệt được dựng lên khẩn cấp ở bệnh viện dã chiến Phước Lộc phục vụ các y, bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân. “Có chỗ kê tạm bếp là ổn rồi, đứng nấu bếp giữa trời sao, giữa thiên nhiên…”, Thượng tá Lê Thị Quỳnh Giang, Trưởng phòng 8 Cục Hậu cần, Bộ Công an nhớ lại ngày đầu khó khăn bộn bề cùng Trung tá Nguyễn Thị Hải Linh, Phó trưởng Phòng 8 kiêm Giám đốc Nhà khách Bộ Công an đưa hơn 30 cán bộ, công nhân viên xuống bệnh viện dã chiến đảm nhận nhiệm vụ mới.

Bếp ăn mỗi ngày phải phục vụ hàng trăm y, bác sĩ và bệnh nhân, chế độ ăn của bệnh nhân khác nhau, trong điều kiện lương thực, thực phẩm khan hiếm, đòi hỏi đội ngũ nấu bếp phải thật chuyên nghiệp, lành nghề, tận tâm với công việc. “Sau này, thành phố được nới lỏng hơn, lại được sự trợ giúp thường xuyên rau, củ quả từ Công an tỉnh Đồng Nai, Công an tỉnh Lâm Đồng và các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện nên bữa ăn ngày càng cải thiện. Chúng tôi không chỉ nấu những bữa ăn đủ dinh dưỡng mà còn chứa đựng cả nghĩa tình, mong cho các y, bác sỹ khỏe, mong cho bệnh nhân hồi phục được ra viện”- chị Giang chia sẻ thêm.

Có những ngày dịch bệnh căng thẳng, áp lực không chỉ đè nặng lên vai các y, bác sĩ CAND - những người đang từng ngày, từng giờ giành giật với tử thần để cứu chữa bệnh nhân, mà ở căn bếp dã chiến, những người đầu bếp chuyên nấu cháo, súp như anh Nguyễn Kiên Cường, cán bộ Cục Hậu cần cũng thường đứng lặng ngoài cửa bếp, hết ca trực vẫn chưa muốn về, khi hay tin một bệnh nhân vừa qua đời. Với người đầu bếp, khi dành tâm huyết cho bữa ăn nhưng đó lại là bữa ăn cuối cùng của bệnh nhân, xót xa vô cùng. Tâm trạng đó của họ rồi cũng nguôi ngoai, khi sau đó, bệnh nhân đã ăn hết khẩu phần, nhiều người bệnh trở nặng được các y, bác sĩ Công an cứu chữa tận tình đã xuất viện.

Bằng những việc làm thầm lặng, trên tuyến đầu chống dịch, lực lượng CAND đã xuất hiện hình ảnh đẹp, lan tỏa tấm gương sáng của nhiều CBCS hi sinh hạnh phúc riêng vì việc nước, vì cuộc sống bình yên cho nhân dân. Điển hình như trường hợp chị Đặng Thị Thu Hiền, điều dưỡng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện 30-4 Bộ Công an, khắc phục khó khăn của bà mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ nhưng vẫn tận tâm với công việc. Ngay cả khi biết tin ba mẹ và 2 con cùng dương tính với virus SARS-CoV-2, chị vẫn nén lại tình riêng để bám trụ lại Bệnh viện dã chiến, tiếp tục điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 T30 tại huyện Củ Chi. Như một sự thôi thúc, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến, chị lại tình nguyện thực hiện nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân nặng, nguy kịch do nhiễm COVID-19, tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện 30-4. Và còn rất nhiều tấm gương khác của CBCS Công an trên mọi miền Tổ quốc mà trong một bài báo chúng tôi không thể nói hết được.

  • Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an là cơ quan đầu tiên thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương do một đồng chí Thứ trưởng làm Chỉ huy trưởng chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại phía Nam; đồng thời, là thành viên Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tại phía Nam. Hiện nay, Bộ đã tăng cường các lực lượng bảo đảm ANTT, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch và tham gia đảm bảo an sinh xã hội, nhất là sau khi TP. Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố nới lỏng giãn cách.
  • Từ đợt dịch thứ 4 đến nay, lực lượng CAND đã huy động hơn 100.000 lượt CBCS tăng cường, chi viện đảm bảo ANTT, hỗ trợ lực lượng cơ sở phòng, chống dịch COVID-19. Riêng tại phía Nam, ngoài lực lượng tại chỗ, Bộ đã điều động 8.864 CBCS tăng cường bảo đảm ANTT trên địa bàn, đảm bảo hoạt động luồng xanh giao thông, phục vụ an sinh xã hội. Đến nay, có hơn 4.000 CBCS Công an bị nhiễm và nghi nhiễm bệnh; đã điều trị khỏi bệnh cho hơn 3.000 CBCS; đã có 4 CBCS hy sinh khi đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch; 11 CBCS tử vong do nhiễm COVID-19…
Anh Hiếu
.
.