Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022)

Hy sinh xương máu để giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân

Thứ Hai, 25/07/2022, 10:45

Như thường lệ, vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an)cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi sức khỏe,  tặng quà các đồng chí thương binh, thân nhân liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc với sự cống hiến, hy sinh của các liệt sỹ trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

1.Tại nhà của Đại tá Phạm Mạnh Thường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, tiếng cười nói, hỏi thăm không dứt, mỗi lần gặp lại đồng đội, ký ức về một thời chiến đấu, chiến công vang dội đấu tranh với tội phạm hình sự lại hiện về như những đoạn phim quay chậm được ông kể lại từng chi tiết.

2ca7a39d308af2d4ab9b.jpg -0
Thiếu tướng Hoàng Văn Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự trao sổ tiết kiệm tặng thân nhân Liệt sĩ Nguyễn Đình Dũng.

Đó là vụ xóa sổ băng cướp tiệm vàng Thịnh Vượng (TP Nam Định, tỉnh Nam Định). Lúc bấy giờ, Đại tá Phạm Mạnh Thường đang công tác tại Đội Cảnh sát điều tra Công an TP Nam Định. Đầu năm 1991, qua công tác nắm tình hình, Đại tá Phạm Mạnh Thường và đồng đội nắm được thông tin một nhóm cướp sẽ dùng súng và lựu đạn từ Thái Bình sang Nam Định cướp tiệm vàng. Nhóm này gồm các đối tượng Phạm Thanh Quang, Nguyễn Mạnh Cường, Trương Văn Bình, Trần Sỹ Chương. Ngày 10/3/1991, nhóm cướp đã sang Nam Định thám thính để gây án. Chúng dự kiến 21h ngày 13/3/1991 sẽ tiến hành cướp tiệm vàng Thịnh Vượng. Với quyết tâm bắt giữ bọn cướp manh động, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, tổ công tác của Công an TP Nam Định đã tổ chức mật phục ngay trong tiệm vàng.

Khoảng 21h, nhóm cướp áp sát cửa tiệm vàng. Khi tên Quang vào nhà, hắn đã bị đồng chí Bùi Quang Đài đánh văng khẩu súng. Bị bất ngờ, Quang ngã ngửa rồi vùng dậy bỏ chạy ra cửa; các đối tượng Chương, Bình, Cường thấy vậy cũng bỏ chạy tán loạn. Tổ công tác đồng loạt đuổi theo. Khi các trinh sát khống chế được Quang thì bất ngờ đồng bọn của hắn là Cường đã tung quả lựu đạn ngược lại để sát hại tổ công tác và cả đồng bọn. Lựu đạn nổ, Đại tá Phạm Mạnh Thường và các đồng đội đều bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu. Tên Quang ngay sau đó đã bị tiêu diệt, còn các đối tượng Cường, Chương, Bình bị bắt 2 ngày sau. Qua sự chăm sóc tận tình của các y, bác sỹ và nghị lực phi thường đã giúp các chiến sĩ bình phục nhưng sức khỏe bị giảm sút rất nhiều, nhất là mỗi khi trái gió trở trời.

Riêng với Đại tá Phạm Mạnh Thường bị mất ngón út bên chân phải, mất một mảng thịt ở bắp chân trái giờ đã trở thành vết sẹo to. Hiện còn có khoảng 200 mảnh nhỏ của quả lựu đạn vẫn găm trên người Đại tá Phạm Mạnh Thường… Vượt lên nỗi đau, cùng với những người anh em của trận đánh tiệm vàng năm xưa, người thương binh Phạm Mạnh Thường quyết tâm rèn luyện sức khỏe, tiếp tục tận tâm tận lực với công việc của người lính hình sự. Khi là Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam và Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, ông đã cùng đồng đội khám phá rất nhiều chuyên án lớn.

Tháng 11/2014, Đại tá Phạm Mạnh Thường được lãnh đạo Bộ Công an bổ nhiệm làm Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang; năm 2018, anh được trở lại “căn nhà xưa”, với cương vị Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự phụ trách mảng trọng án, phòng chống mua bán người cho đến khi nghỉ công tác.

2. Bên bàn thờ của người cha đã khuất - liệt sĩ, Đại úy Nguyễn Đình Dũng, SN 1965, quê ở Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội), hy sinh năm 2001; Thượng úy Nguyễn Thu Trang, cán bộ Cục Cảnh sát hình sự tất bật sửa lễ hoa quả, mâm cơm cúng thắp hương nhân dịp 27/7. Trong không gian ấm cúng, thoang thoảng mùi thơm của hương trầm  từ bàn thờ của liệt sĩ, Đại úy Nguyễn Đình Dũng, bà Vũ Thị Thuận (vợ của liệt sĩ) không kìm được nước mắt, nhớ lại thời khắc người chồng hy sinh trên đường làm nhiệm vụ. Đó là ngày 30/3/2001, Đại úy Nguyễn Đình Dũng đi làm sớm hơn mọi ngày. Trước khi đi còn dặn vợ  “Chiều nay em về sớm đón con, anh có chút việc bận”.

8cc7d292169ad4c48d8b.jpg -0
Thượng úy Nguyễn Thu Trang được đồng đội hướng dẫn trong công tác.

Trước đấy, Đại úy Nguyễn Đình Dũng báo cáo lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự về việc một đối tượng truy nã đặc biệt - được liệt vào danh sách những đối tượng nguy hiểm do đoàn cán bộ hình sự Việt Nam sang Nga truy nã, nhưng thấy đang xuất hiện ở địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội. Lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự đã cử Trung tá Lê Quốc Hữu, Phó Trưởng phòng; Đại úy Nguyễn Đình Dũng thực thi nhiệm vụ. Khoảng 15h30 ngày 30/3/2001, Đại úy Nguyễn Đình Dũng đang làm nhiệm vụ ở khu vực Bồ Đề (Gia Lâm), đột nhiên một chiếc xe ôtô ở phía sau lao lên đâm vào tổ công tác làm Đại úy Nguyễn Đình Dũng tử vong, còn Trung tá Lê Quốc Hữu bị thương nặng. Nhận được tin dữ về chồng, bà Vũ Thị Thuận bủn rủn chân tay, cùng người thân và đồng đội của Đại úy Nguyễn Đình Dũng đến hiện trường. Ai cũng bàng hoàng, xót thương.

Liệt sĩ, Đại úy Nguyễn Đình Dũng ra đi khi mới 36 tuổi, sự nghiệp đang có nhiều triển vọng. Khi đó, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát nhân dân thống nhất đề nghị các cấp phong tặng danh hiệu liệt sĩ cho Đại úy Nguyễn Đình Dũng, đã hy sinh trong đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự. Ngày 20/2/2002, liệt sĩ, Đại úy Nguyễn Đình Dũng đã được Thủ tướng Chính phủ trao Bằng Tổ quốc ghi công.

Ngày bố ra đi mãi mãi, Thu Trang cũng vừa tròn 7 tuổi, không còn quá nhỏ nên đã cảm nhận được sự mất mát lớn lao không có gì bù đắp được. 21 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh về người cha năm nào luôn hiện về những lúc Thu Trang gặp khó khăn hay đón nhận tin vui trong cuộc sống. “Mỗi lần đứng trước sự lựa chọn nào đấy, tôi luôn chắp tay cầu nguyện gọi tên cha, nó như phép màu vậy cảm nhận cha tôi luôn ở bên, giúp sức tinh thần khiến tôi thêm lạc quan”- Trang tâm sự.

Tiếp nối truyền thống của cha, sau khi học xong Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trang có nguyện vọng được đứng trong hàng ngũ của ngành, được sự giúp đỡ của lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự, năm 2016, chị được nhận vào công tác tại Cục Cảnh sát hình sự cho đến bây giờ. Vừa đảm nhiệm công việc ở Phòng tham mưu, Trang còn là Phó Bí thư đoàn năng nổ, cùng các đoàn viên tham gia các phòng trào hiến máu tình nguyện, quyên góp, ủng hộ chia sẻ những phần quà nhỏ trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật.

Thiếu tướng Hoàng Văn Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết, lực lượng Cảnh sát hình sự đã có nhiều liệt sĩ hy sinh, nhiều đồng chí là thương binh khi đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đơn cử như liệt sĩ CAND Dương Như Thực, hy sinh năm 1991, khi cùng đồng đội truy đuổi nhóm cướp dùng súng, lựu đạn uy hiếp, cướp tài sản của người đi xe khách; liệt sĩ CAND Nguyễn Văn Nhất, hy sinh ngày 24/11/1992 trong quá trình bắt giữ hai đối tượng dùng súng uy hiếp, cướp tiền, vàng của người dân; liệt sĩ CAND Nguyễn Văn Tiền, hy sinh ngày 28/9/1990 trong quá trình truy bắt hai đối tượng có lệnh truy nã về tội trộm cắp tài sản và phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. Năm 1998, cả ba liệt sỹ được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Riêng Cục Cảnh sát hình sự đến nay đã có 8 đồng chí là liệt sỹ; 5 đồng chí là thương binh.

Minh Hiền
.
.