Đẩy mạnh nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”

Thứ Ba, 13/09/2022, 07:51

Mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC)” kỳ vọng khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (SXKD); đồng thời kiềm chế, làm giảm vụ cháy và thiệt hại về người, tài sản do cháy gây ra. Mô hình được xây dựng theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng, phương tiện và hậu cần tại chỗ), trong đó lực lượng chữa cháy tại chỗ chủ yếu là người dân. Công an các tỉnh, thành vùng châu thổ Cửu Long đang nhân rộng mô hình này.

Được chọn thí điểm ra mắt mô hình, Tổ dân phố 1A (khóm Tây Khánh 4, phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) huy động 54 thành viên tham gia, được trang bị 20 bình chữa cháy, dụng cụ chữa cháy.

daymanh 2.jpg -0
Huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu vừa ra mắt mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” trên địa bàn thị trấn Phước Long.

Trung tá Võ Viết Hùng, Trưởng Công an phường Mỹ Hòa cho biết: “Năm 2022, trên địa bàn phường xảy ra 2 vụ cháy (cháy kho chứa hàng hóa và cháy nhà bếp căn hộ), tuy không thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về tài sản khoảng 90 triệu đồng. Chúng tôi đã khảo sát trước rồi tuyên truyền đến hộ dân, triển khai ra mắt mô hình, hướng dẫn thêm cho thành viên kỹ năng cơ bản về PCCC. Thời gian tới, UBND phường Mỹ Hòa sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình”.

Theo Thượng tá Đặng Văn Thinh, Phó trưởng Công an TP Long Xuyên, chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ” rất quan trọng. Đám cháy mới xảy ra sẽ dễ dàng dập tắt. Việc thành lập tổ liên gia (mỗi tổ từ 5-15 gia đình) giúp người dân biết cách phòng ngừa cháy nổ, thông báo đến các thành viên trong khu vực thoát ra ngoài an toàn khi xảy ra cháy. Ngoài ra, mô hình còn giúp mọi người nâng cao nhận thức, PCCC không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng chức năng, mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn dân.

Công an TP Long Xuyên tăng cường nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện quy định về PCCC; đổi mới hình thức, cách thức, phương pháp, nội dung tuyên truyền theo hướng thực chất, hiệu quả, nhất là tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, báo cháy, chữa cháy, thoát hiểm...

Công an phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tuyên truyền về PCCC và CNCH cho học sinh, sinh viên. TP Long Xuyên phấn đấu hướng dẫn 100% nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp SXKD mở lối thoát nạn thứ 2 (qua ban công, lối lên mái, thang dây, ống tụt...); trang bị bình chữa cháy xách tay; dụng cụ phá dỡ thô sơ; có phương án xử lý tình huống cháy nổ, thoát nạn an toàn; thường xuyên thực tập phương án chữa cháy, CNCH; cài đặt, sử dụng thành thạo ứng dụng “Báo cháy 114” (Zalo) của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH. 100% khu dân cư thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động của đội dân phòng bảo đảm thực chất, hiệu quả; kiểm tra an toàn về PCCC đối với 100% hộ gia đình, nhà để ở kết hợp SXKD, cơ sở được phân cấp quản lý trong khu dân cư theo quy định; xử lý nghiêm hành vi vi phạm về PCCC&CNCH phát hiện trong quá trình kiểm tra; duy trì điều kiện an toàn về PCCC đối với dân cư; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy của khu dân cư dân phòng...

Huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức ra mắt mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” trên địa bàn ấp Nội Ô, thị trấn Phước Long. Là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Phước Long, thị trấn Phước Long có 11 ấp, 5.345 hộ, 23.868 khẩu. Trên địa bàn có 23 cơ sở cầm đồ, 10 cơ sở kinh doanh gas, 16 nhà nghỉ, 6 quán karaoke… là những địa điểm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Công an thị Phước Long tham mưu UBND thị trấn ra mắt 2 mô hình PCCC, gồm: “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”trên địa bàn ấp Nội Ô.

Mô hình“Tổ liên gia an toàn PCCC” gồm 10 hộ gia đình liền kề nhau, mỗi hộ được trang bị bình chữa cháy cầm tay, một hệ thống báo cháy được bố trí phù hợp, bảo đảm khi ấn nút báo cháy thì hệ thống ở tất cả gia đình trong tổ đều hoạt động. Mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” được bố trí tại các hẻm, khu vực chợ, nhà ở kết hợp SXKD mà xe chữa cháy chuyên dụng không vào được. Mỗi điểm có ít nhất 2 bình chữa cháy, 1 máy bơm di động và một số dụng cụ chữa cháy tại chỗ.

Sau khi ra mắt các mô hình, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Bạc Liêu, Công an huyện Phước Long trực tiếp kiểm tra việc vận hành hệ thống chữa cháy di động, đồng thời nhắc nhở bà con tiểu thương các điểm chợ nâng cao ý thức phòng ngừa cháy nổ trong mua bán, sinh hoạt hằng ngày. Tại TP Cần Thơ, Công an quận Ninh Kiều phối hợp UBND phường Xuân Khánh cũng ra mắt mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC” và “Ðiểm chữa cháy công cộng”.

“Tổ liên gia an toàn về PCCC” gồm 8 hộ dân liên kết, trang bị hệ thống chuông báo cháy, nút ấn báo cháy trong và ngoài nhà được liên kết với nhau; mỗi hộ có 1 bình chữa cháy xách tay, 1 xà beng, 1 kìm cộng lực, 1 rìu để sử dụng phá dỡ thông thường khi có sự cố xảy ra.

Mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC” được xác định là lực lượng PCCC tại chỗ, được hướng dẫn các kỹ năng chữa cháy, có trách nhiệm phối hợp với nhau và hỗ trợ cơ quan chức năng kịp thời chữa cháy khi có cháy nổ xảy ra, hạn chế tối đa thiệt hại. Tại buổi ra mắt, Ðội Cảnh sát PCCC quận Ninh Kiều tổ chức tuyên truyền kiến thức về PCCC và hướng dẫn cài ứng dụng “Báo cháy 114” đến từng gia đình, giúp mọi người nắm những kiến thức cơ bản nhất về PCCC…

UBND phường 3, TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh, Công an TP Trà Vinh ra mắt mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” đầu tiên tại khóm 2, phường 3. Đây cũng là một giải pháp hiệu quả, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân trong công tác PCCC.

Văn Đức
.
.