Công an xã Tây Nguyên kể chuyện làng

Thứ Sáu, 25/08/2023, 09:00

Trụ sở Công an xã Ia Le nằm dưới tán cây cổ thụ hàng trăm tuổi của vùng đất Chư Pưh, tỉnh Gia Lai vẫn còn thơm mùi vôi vữa. Tận dụng khoảng đất trống xung quanh, những người lính Công an trồng các loại hoa, trong đó nhiều nhất là hoa hồng phố núi, màu hoa khoe sắc quanh năm tạo nên một không gian bình yên và gần gũi như cuộc sống của các buôn làng hiền hòa giữa đại ngàn xanh thẳm.

Khi bản làng có các anh

Về Công an xã vùng có nhiều người dân tộc thiểu số mới hiểu được nỗi vất vả của những người lính Công an cơ sở. Những đầu việc không tên của làng, của thôn nhiều không kể xiết. Đại úy Lê Trí Dũng tất bật như con thoi. Anh là người về buôn làng Ia Le vào năm 2019 để nhận nhiệm vụ Trưởng Công an xã và không thể nào quên được những kỷ niệm vui buồn trong buổi ban đầu chỉ có một mình, ở một địa bàn trọng điểm.

Công an xã Tây Nguyên kể chuyện làng -0
Công an xã Ia Le trong một lần về làng nói chuyện với bà con.

May mắn thời điểm này có anh em Công an bán chuyên trách hỗ trợ, giúp đỡ và tạo nhiều thuận cho Đại úy Dũng hòa nhập nhanh với buôn làng. Vài tháng sau có thêm Đại úy KPă Luân về làm Phó trưởng Công an xã. Hai anh em chia việc ra làm, chia địa bàn ra phụ trách và cùng nhau nấu những bữa cơm ấm cúng sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc.

Những chuyện buôn làng lực lượng Công an phải giải quyết diễn ra hàng ngày, liên tục như cơm bữa. Đại úy Lê Trí Dũng cho biết, ban đầu ở một số thôn buôn tình hình ANTT còn phức tạp, từ chuyện xích mích vợ chồng, chuyện thanh thiếu niên người đồng bào dân tộc thiểu số đua đòi ăn chơi, sử dụng ma túy. Đầu tiên, Công an xã xuống tận nhà vận động tuyên truyền gia đình, sau đó răn đe đối tượng và quyết liệt xử lý đưa đi cai nghiện.

Từ ngày có Công an chính quy về xã, bà con đặt trọn niềm tin vào các anh. Trong nhà bị trộm lúa gạo, trộm con gà, con vịt đều gọi Công an xã đến giải quyết. Thậm chí nhà có con cái hư hỏng, ăn chơi cũng tìm đến các anh nhờ giải quyết. Địa bàn xã Ia Le đa số là dân tộc Jrai với truyến thống mẫu hệ, người phụ nữ có quyền lực cao nhất trong gia đình. Con cái lớn lên, đòi mua xe, mua điện thoại để chạy theo thời thượng, nếu không được mua thì chúng sẽ dọa đi chết khiến người mẹ chịu sức ép phải làm theo, kể cả trong nhà không có tiền cũng phải đi vay mượn, cầm cắm tài sản sắm cho bằng được thứ con cần. Có xe mới, thanh niên chạy ra đường lạng lách, đánh võng hoặc chưa sử dụng quen nên gây tai nạn, ảnh hưởng đến ANTT, làm liên lụy đến bao nhiêu người. Những việc như vậy, vô hình trung làm cho cuộc sống buôn làng đảo lộn, kinh tế khó khăn dẫn đến mâu thuẫn âm ỉ trong gia đình. Lực lượng Công an xã phân công anh em xuống tận nhà nói chuyện với những người làm cha làm mẹ, đồng thời kết hợp với già làng, người có uy tín trong thôn buôn cùng vận động, tuyên truyền để bà con nhận thức đầy đủ việc mình làm.

Mùa giáp hạt, người trong làng kéo nhau vào sâu trong rừng làm lán rồi ở lại sinh sống trồng tỉa. Những đứa trẻ theo cha mẹ lên nương, tuổi 14 -15 bập vào yêu trên những mái chòi xa thăm thẳm, sinh con đẻ cái tại đó, hình thành cặp vợ chồng “trẻ con”. Các bậc cha mẹ với tâm lý rất đơn giản cho con trẻ lấy nhau để có thêm người làm rẫy, “trời sinh voi sẽ sinh cỏ” mà thôi. Khi mùa màng kết thúc, họ trở về làng thì “sự việc đã rồi” khiến cho cán bộ làm chính sách văn hóa loay hoay không biết xử lý thế nào. Theo Đại úy KPă Luân, những trường hợp tảo hôn thì hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Ban mặt trận đoàn kết của làng sẽ tới tận nhà tuyên truyền nhắc nhở, riêng lực lượng Công an sẽ giải thích cho bà con hiểu đây là “vi phạm luật hôn nhân gia đình” sẽ gây ra rất nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến giấy tờ pháp lý, giấy khai sinh cho con. Đại úy Luân cho biết, mấu chốt vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp đỡ, tạo sinh kế cho bà con làm ăn. Nhờ kiên trì vận động, bà con cũng thấy được cái nghèo đói của việc dựng vợ gả chồng sớm, việc sinh con khi người mẹ còn quá trẻ, những năm trở lại đây tình trạng tảo hôn đã giảm đáng kể tại các buôn làng xã Ia Le.

Thời điểm thực hiện Đề án 06 của Bộ Công an, lực lượng Công an xã hầu như không ai trở về nhà suốt mấy tháng trời. Đại úy Lê Trí Dũng tâm sự: “Anh em phân công nhau đi vào tận trong rẫy tìm người dân. Đường vào rẫy sâu hun hút, lội qua mấy con suối, leo lên vài ngọn đồi. Vào tới nơi, không phải ai cũng vui vẻ đi theo anh Công an về làng làm CCCD, chúng tôi phải thuyết phục, phải năn nỉ rồi chở bà con về tận nơi. Nhiều người không có tiền nộp lệ phí, anh em chúng tôi sẵn sàng hoàn tất thủ tục đó giúp bà con”.

Đậm đà cái nghĩa đồng bào

Kết thúc một ngày giải quyết thủ tục hành chính, anh em Công an xã lại xuống làng chuyện trò cùng bà con để nắm bắt thông tin. Nói về chuyện làng, Đại úy Lê Trí Dũng và Đại úy KPă Luân rất hồ hởi, bởi trong những ngày tháng về cơ sở, nhờ bà con trong làng hỗ trợ giúp đỡ nhiệt tình mà các anh đã hòa nhịp với đời sống cùng nhân dân. Những dịp lễ lớn của làng, các anh luôn được mời về uống rượu cần và ăn cơm lam. Những bữa cơm như thế luôn ấm tình quân dân, đậm đà cái nghĩa đồng bào.

Để tạo được niềm tin yêu của đồng bào như vậy, theo Trung tá Bùi Mạnh Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện Chư Pưh, anh em khi được điều động về công tác tại cơ sở phải nắm vững pháp luật, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào, phải gần dân, sát dân, dựa vào dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết trong mọi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, lực lượng an ninh cơ sở phải tạo được mối quan hệ tốt đẹp, gần gũi với các già làng, người có uy tín trong cộng đồng, phải trực tiếp tuyên truyền và cảm hóa được tình cảm của bà con, phải xông pha, lăn xả, không quản ngại khó khăn gian khổ trong việc làng việc xóm, thậm chí việc gia đình để nhân dân thấy được hình ảnh của người lính Công an không chỉ đẹp trong nhiệm vụ mà còn gần gũi, thân thiện trong đời sống hàng ngày. 

Đúng như lời Trung tá Bùi Mạnh Tuấn chia sẻ, khi Đại úy Lê Trí Dũng dẫn chúng tôi đi về làng Kênh Săn, nơi hầu hết là đồng bào Jrai sinh sống, gặp trưởng thôn Siu Biong (54 tuổi) rất hồ hởi. Ông Siu Biong tham gia công tác xã hội trong làng được gần 20 năm, giữ nhiều trọng trách quan trọng của làng, trong đó phải kể đến công tác hòa giải. Không kể ngày đêm, hễ làng có chuyện gì báo đến ông Siu Biong đều lên đường ngay. Việc nào phức tạp thì ông báo với Công an xã để cùng giải quyết. Trưởng thôn Siu Biong nói rằng, từ khi có Công an chính quy về xã, an ninh buôn làng được cải thiện rõ rệt, thanh niên không còn dám quậy phá nhiều như xưa nữa, đã biết tu chí làm ăn, biết tích góp tiền của lo cho tương lai.

Còn với già làng KXương, làng Puối Lốp, ông vốn xuất thân từ người lính cụ Hồ nên cách giải quyết việc làng mang đậm chất lính. Gặp các anh Công an xã, già làng rất mực tin yêu. Già chia sẻ: “Cuộc sống của làng bây giờ bình yên và đi vào nề nếp hơn xưa. Ở đây, chúng tôi giải quyết theo lệ làng những việc liên quan đến thuần phong mỹ tục, chuyện gia đình con cái, còn việc đảm bảo an ninh trật tự vẫn phải nhờ các anh Công an”.

Trước khi ra về, già KXương kéo chúng tôi nán lại để ông xúc gạo biếu làm quà. “Đây là gạo lúa mới, nó ngon lắm. Với đồng bào Jrai của già, hạt gạo được xem như bầu sữa mát lành của mẹ thiên nhiên, là phúc lộc trời ban cho con dân no ấm. Nếu yêu quý ai thì sẽ tặng gạo”, già KXương giải thích. Chúng tôi hiểu rằng, những hạt gạo buôn làng chính là tình cảm chân thành hơn mọi lời nói, mọi cử chỉ mà già KXương dành tặng những người lính Công an.

Ngọc Hoa
.
.