Việc bình dị nơi “khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”

Thứ Bảy, 20/05/2017, 11:21
Thực hiện 4 cùng với nhân dân, mỗi cán bộ Công an cắm bản phải đặt mình vào đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần, phong tục tập quán, cách nghĩ, cách sinh hoạt với nhân dân... Sự giản dị, thân thiện, gần gũi, sẵn sàng giúp đỡ mọi người như lời dạy của Bác Hồ kính yêu, đó chính là bí quyết của sự thành công.


Lúc chia tay với các cán bộ Công an cắm bản, Bí thư Đảng ủy xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đôi mắt đỏ hoe… Những cái bắt tay bịn rịn, tình cảm lưu luyến của bà con cũng khiến những cán bộ Công an cắm bản dùng dằng chẳng muốn rời bước. 

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất bỗng hoá tâm hồn” trong giây phút ấy, họ cảm nhận ý nghĩa sâu sắc trong những câu thơ của Chế Lan Viên. Bốn cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc” đã được Công an tỉnh Yên Bái thực hiện hiệu quả trong nhiều năm qua.

1. “Dịp đó đang là mùa xuân nhưng tiết trời còn buốt giá. Từ trung tâm của huyện Mù Cang Chải đến xã Chế Tạo phải vượt qua nhiều dốc cua tay áo, một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là tả luy dựng đứng, chỉ cần sơ sểnh có thể rơi xuống vực... Rồi kế đó là quãng đường 10km xuyên qua rừng nguyên sinh, cây cối rậm rạp um tùm, giữa mùa hè đi qua vẫn cảm thấy gai người” - Trung tá Phạm Văn Thái, Phó trưởng Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Yên Bái, cán bộ đoàn Công an tăng cường nhớ lại. 

Tổ công tác tăng cường của Công an huyện Văn Yên mắc đường dây điện cho người dân.

Trụ sở UBND xã Chế Tạo ngày đó là căn nhà dựng bằng gỗ, mái lợp proxi măng, nền đất, đồ đạc hầu hết đều do người dân tự làm mộc mạc, thô ráp... đã nhuốm màu thời gian. Sau khi tiếp xúc với chủ tịch và bí thư xã nắm tình hình địa bàn, tổ công tác phát hiện có những bất cập trong công tác của Công an xã, đặc biệt là hệ thống hồ sơ, sổ sách. 

Nhiều vụ việc xảy ra ở địa bàn có dấu hiệu của việc vi phạm pháp luật hình sự nhưng chỉ được giải quyết theo phong tục tập quán của người địa phương. Về phía lực lượng Công an xã, tuy đã bố trí ở mỗi bản một Công an viên nhưng có một số cán bộ vẫn không biết chữ. 

Trung tá Phạm Văn Thái nhớ lại: Những ngày đầu, chúng tôi mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, giảng giải cho Công an viên về pháp luật hình sự cũng như tuyên truyền về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước... Ròng rã 3 ngày liền, các Công an viên đều có mặt đầy đủ và chăm chú lắng nghe nhưng khi hỏi lại thì đều trả lời “chi pâu”(không biết). Vì thế, đoàn công tác phải thay đổi hình thức, cho các cán bộ Công an xã thực hành ngay tại chỗ, hướng dẫn từ cách lập một biên bản phạm pháp quả tang đến việc ghi lời khai ban đầu đối với một số vụ việc cụ thể, xảy ra trên địa bàn… 

Anh chia sẻ: “Có đi thực tế mới hiểu hết những khó khăn ở cơ sở. Một số Công an viên do trình độ hạn chế, anh em kiến nghị đề xuất chọn người thay thế nhưng UBND xã trả lời rằng không tìm được ai bởi người biết chữ thì không đủ uy tín để nói với dân”. 

Những ngày bốn cùng ở cơ sở, tổ công tác của Trung tá Phạm Văn Thái được UBND xã Chế Tạo bố trí ở tại một gian phòng rộng chừng 12m, liền sát trụ sở UBND xã. Anh em hỳ hục đóng cọc xuống nền đất, kê ván nằm ngủ, hàng ngày thay phiên nhau nấu cơm… 

Nhắc lại kỷ niệm cũ, anh bồi hồi: Thời điểm chúng tôi có mặt tại bản cũng là lúc dịch cúm gà vừa quét qua nên thức ăn hầu như không có. Bà con trong bản cũng không có thói quen trồng rau nên chủ yếu ăn bằng rau rừng, điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt. Khoảng một tuần ở bản, anh em trong đoàn bắt đầu nghĩ đến chuyện làm đất để tự trồng rau… 

Khi thấy đoàn cán bộ Công an tỉnh hì hục cuốc đất, bà con trong bản ngạc nhiên lắm, nhiều người còn bảo các chú trồng rau không được ăn đâu. Thì ra, trước đó bà con thả hạt rau đều bị kiến tha đi hết. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, anh Thái nhờ người về TP Yên Bái mua gói thuốc diệt kiến trộn lẫn với cây rau trước khi gieo trồng... Những vườn rau xanh mướt vào vụ thu hoạch, sau này không chỉ phục vụ đủ cho nhu cầu của các thành viên trong đoàn công tác mà còn cung cấp một phần cho UBND xã. Bà con khi ấy ngạc nhiên lắm, sau đó họ cũng học cách trồng rau của cán bộ… 

Ở vùng cao khó khăn nhất là việc bảo quản thức ăn. Dăm bữa đến nửa tháng, mới có một đồng chí ra ngoài UBND huyện họp rồi tranh thủ mua thức ăn và các vật dụng thiết yếu khác nên mọi sinh hoạt đều phải rất tiết kiệm. Để bảo quản được thực phẩm, các loại thịt đều phải rán lên, sau đó ngâm vào trong mỡ.

Bốn tháng tăng cường ở cơ sở, đoàn công tác của anh đã giúp UBND xã Chế Tạo giải quyết nhiều vấn đề còn tồn đọng như tình trạng đàn ông thường xuyên say xỉn, rồi việc bạo hành gia đình… Nhiều vụ án hình sự được giải quyết góp phần trả lại sự bình yên cho địa bàn. Một trong số đó phải kể đến vụ mất trộm 8 triệu đồng. 

Sau khi nhận tin, anh em vào cuộc điều tra đã làm rõ thủ phạm gây án là cháu ruột của nạn nhân. Do túng tiền tiêu xài, lại biết ông chú ruột vừa được nhận tiền trồng rừng, đối tượng liền nảy sinh ý định chiếm đoạt. Ngày thì xuống địa bàn, tối đến trong căn nhà nhỏ nhưng chứa chan tình cảm, các thành viên của đoàn công tác dạy chữ cho các em nhỏ. Giữa đêm khuya thanh vắng nơi núi rừng heo hút, bên bếp lửa bập bùng, tiếng giảng bài của “thầy” Lò Văn Linh, một thành viên của tổ công tác như làm cả khu rừng đang chìm trong giấc ngủ bỗng sống lại.

2. Đến Đông An, Văn Yên (Yên Bái) những ngày này, tôi cảm nhận một vùng quê đang từng ngày thay da đổi thịt. Trụ sở nhà văn hóa xã được chỉnh đốn khang trang làm nơi sinh hoạt chung của cộng đồng. Vào các buổi tối, từ đầu làng đến cuối thôn, ánh đèn sáng như sao xa... Trung tá Lê Đức Thọ, Phó Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái, thành viên trong đoàn tăng cường cơ sở đón chúng tôi bằng nụ cười rạng ngời. Thực hiện kế hoạch của Ban giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, tổ công tác của anh đã hơn 2 tháng lăn lộn ở địa bàn. Văn Yên là địa bàn nơi anh từng công tác, đó là thuận lợi song cũng lại là áp lực đối với người chỉ huy...

Trung tá Lê Đức Thọ giãi bầy: “Người dân Đông An bao đời hồn hậu là vậy bỗng chốc có số tiền lớn trong tay vì được nhận tiền đền bù từ dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai. “Nhàn cư, vi bất thiện”, nhiều người đã mắc vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy”. 

Anh cùng các thành viên trong tổ tăng cường tìm hiểu những điều kiêng kị trong sinh hoạt của đông bào để tránh phạm phải. Rồi kế đó là phong tục, tập quán, lối sống, sinh hoạt làm việc tại địa phương, làm sao để trong thời gian sinh sống, nghỉ ngơi không được xáo trộn, thay đổi đột ngột đời sống riêng của những gia đình thực hiện 4 cùng. 

Qua những buổi họp dân, anh cùng đồng đội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ... Sự gần gũi, hòa nhập ngay từ cách ăn mặc, nói chuyện, giao tiếp, chia sẻ với đồng bào, khiến bản thân mỗi thành viên hòa nhập và lấy được sự cảm phục của người dân. 

Thực hiện 4 cùng với nhân dân, mỗi cán bộ Công an cắm bản phải đặt mình vào đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần, phong tục tập quán, cách nghĩ, cách sinh hoạt với nhân dân... Sự giản dị, thân thiện, gần gũi, sẵn sàng giúp đỡ mọi người như lời dạy của Bác Hồ kính yêu, đó chính là bí quyết của sự thành công.

Xuân Mai
.
.