Vận động, thu hồi hơn 1 nghìn khẩu súng tại điểm nóng ma túy
- Tàng trữ 4 khẩu súng và 230 viên đạn để bán kiếm lời
- Nhân dân giao nộp trên 98.000 khẩu súng các loại
Với sự nỗ lực quyết tâm cao, qua công tác tuyên truyền, vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Công an huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên lĩnh vực công tác này.
Chúng tôi có mặt tại Công an huyện Vân Hồ gần ngày Tết Độc lập (Quốc khánh 2-9). Thời điểm này, các tổ công tác của Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Vân Hồ đang làm việc rất khẩn trương tiếp tục xuống xã, vào bản, đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ đang tàng trữ, sử dụng trái phép.
Ngoài ra, tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không tàng trữ, sử dụng, sản xuất và mua bán các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK-VLN-CCHT) trên tất cả các bản… 6 tháng đầu năm 2018, Công an huyện đã phối hợp với các xã tổ chức vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ đến các cá nhân, hộ gia đình; chỉ đạo các bản, các Công an viên, những người có uy tín đến vận động các gia đình và tuyên tuyền các tác hại, hậu quả xảy ra khi sử dụng vũ khí vật liệu nổ công cụ hỗ trợ đối với người dân và đối với tính mạng con người… Sau 11 hội nghị “điểm” cấp xã trên địa bàn huyện Vân Hồ, Công an huyện đã thu hồi được 1.230 khẩu súng, 1 quả lựu đạn, 10 nòng súng tự chế, 10 bộ kích điện…
Chia sẻ với chúng tôi về công tác quản lý, vận động giao nộp VK-VLN-CCHT, Trung tá Dương Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Vân Hồ cho biết: Với đặc điểm địa bàn vùng cao, khu vực biên giới, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, hiểu biết và ý thức chấp hành chính sách, pháp luật còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác quản lý VK-VLN-CCHT trên địa bàn huyện vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự.
Công an huyện Vân Hồ kiểm tra các tang vật là súng tự chế. |
Tại một số xã, bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn tái diễn, điều này là do một bộ phận nhân dân vẫn còn chịu ảnh hưởng của những phong tục tập quán lạc hậu, sử dụng súng săn, súng tự chế để săn bắn thú rừng phục vụ nhu cầu của bản thân, gia đình, sử dụng trong nghi lễ ma chay truyền thống…
Trước tình hình đó, Công an huyện đã tổ chức nhiều tổ công tác xuống cơ sở, cùng với Công an các xã tới tuyên truyền, vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Nhiều thôn, bản xa, đường sá đi lại rất khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa khiến việc tuyên truyền cho người dân về tác hại của việc tàng trữ và sử dụng súng tự chế trái phép gặp nhiều khó khăn. Chưa kể bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở đây, ban ngày lên rẫy, tối mịt mới về nhà nên các tổ công tác phải tổ chức tuyên truyền vận động vào buổi tối…
Huyện Vân Hồ có 2,15km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn, lại là một trong những địa bàn trung chuyển, thẩm lậu ma túy từ bên ngoài vào Việt Nam. Kèm với đó là số đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy từ bên kia biên giới vào địa bàn huyện cũng như số đối tượng có lệnh truy nã hiện đang lẩn trốn đã tự trang bị vũ khí quân dụng, súng ngắn bắn đạn ghém, lựu đạn, quả nổ tự tạo để phục vụ cho việc vận chuyển, buôn bán ma túy, sẵn sàng chống trả lại các lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Vậy nên công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn là vậy nhưng các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Vân Hồ không hề nản chí, trong công tác tuyên truyền, các anh kiên trì lồng ghép với những buổi họp dân, giúp bà con hiểu tác hại của việc sử dụng súng và công cụ hỗ trợ trái phép.
Bên cạnh đó, các anh thông qua sự giúp đỡ, hỗ trợ của những người có uy tín như già làng, trưởng thôn đến từng nhà để thuyết phục bà con. Những nỗ lực của các chiến sĩ Công an và chính quyền các địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động trong nhiều tháng qua đã thu được những kết quả đáng kể, góp phần giữ bình yên địa bàn.