Tuyên bố chung Hội nghị cấp Bộ trưởng về hợp tác đấu tranh phòng, chống ma tuý

Thứ Ba, 10/09/2019, 20:02
Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia do Bộ Công an tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp với việc thông qua Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng, trong đó kêu gọi nỗ lực quốc tế trong đấu tranh phòng, chống ma túy.

Dưới sự điều hành của Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, trưởng đoàn các nước/đối tác dự Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia ngày 10-9 đã ra Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng trong đó kêu gọi nỗ lực quốc tế trong đấu tranh phòng, chống ma túy. CAND Online trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung: 

HỘI NGHỊ CẤP BỘ TRƯỞNG VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HỢP TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM MA TÚY XUYÊN QUỐC GIA

Hà Nội, Việt Nam, ngày 10 tháng 9 năm 2019

TUYÊN BỐ CHUNG

Chúng tôi, Bộ trưởng và đại diện đoàn đại biểu các quốc gia, tổ chức đến từ: Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng hòa Liên bang Myanmar, Cộng hòa Philippines, Vương quốc Thái Lan, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Cơ quan phòng, chống Ma túy Hoa Kỳ, Cảnh sát Liên bang Australia và Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia, được tổ chức vào ngày 10 tháng 9 năm 2019 tại Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Bộ trưởng Tô Lâm cùng các trưởng đoàn, Bộ trưởng các nước, đối tác dự Hội nghị.

NHẬN THẤY tội phạm và tệ nạn ma túy thách thức nghiêm trọng tinh thần thượng tôn pháp luật và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, tiếp tục là một mối nguy hại cho cộng đồng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân trên toàn thế giới, đe dọa nghiêm trọng vấn đề an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội của cộng đồng quốc tế;

NHẬN THỨC được sự gia tăng đáng báo động của tình hình sản xuất, vận chuyển và mua bán ma túy bất hợp pháp trên toàn cầu trong thời gian gần đây, các loại ma túy và thị trường ma túy đang ngày càng đa dạng và mở rộng; thực trạng lạm dụng nhu cầu sử dụng bất hợp pháp và tình trạng thất thoát tiền chất ở mỗi quốc gia đang có chiều hướng gia tăng, tình hình gieo trồng, sản xuất và mua bán ma túy bất hợp pháp đã đạt đến mức cao kỷ lục;

QUAN NGẠI trước tình trạng gia tăng sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) và các chất hướng thần mới-NPS, thất thoát tiền chất ma túy và sự xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp, đặt ra những thách mới, thêm khó khăn phức tạp cho nỗ lực kiểm soát ma túy của cộng đồng quốc tế;

VÔ CÙNG QUAN NGẠI trước việc khu vực Đông Nam Á đã trở thành một trong những nơi sản xuất và thị trường ma túy tổng hợp lớn nhất trên thế giới; theo ghi nhận từ các vụ thu giữ ma tuý với số lượng lớn kỷ lục ở các quốc gia trong khu vực cho thấy quy mô sản xuất ma túy tổng hợp đang gia tăng đáng kể, chủng loại đa dạng, giá thành ngày càng rẻ ở khu vực Tam Giác Vàng, tình trạng các đối tượng lợi dụng tuyến đường biển để vận chuyển ma túy giữa các nước với số lượng lớn cũng có chiều hướng gia tăng. Theo đó, tình hình mua bán, vận chuyển ma tuý bất hợp pháp từ khu vực Tam Giác Vàng sẽ tác động dây chuyền lan đến tất cả các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới;

HOAN NGHÊNH những nỗ lực không ngừng của các nước và tổ chức quốc tế có liên quan trong việc tăng cường hợp tác đấu tranh phòng, chống và kiểm soát sản xuất, mua bán, vận chuyển ma tuý bất hợp pháp, cũng như những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống ma tuý trên toàn cầu;

NHẬN THỨC ĐẦY ĐỦ rằng mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong thời gian qua, song tình trạng gieo trồng bất hợp pháp và vấn nạn sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép ma tuý vẫn đang ngày càng gia tăng, trở thành một ngành công nghiệp tội phạm có tổ chức và hoạt động xuyên quốc gia. Bên cạnh những thách thức vốn có của vấn đề ma tuý toàn cầu, đã bắt đầu xuất hiện những thách thức mới ở một số khu vực trên thế giới; vì vậy, chúng ta cần cam kết nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma tuý;

KHẲNG ĐỊNH nghiêm túc thực thi ba Công ước quốc tế về kiểm soát ma tuý các năm 1961, 1971 và 1988, Tuyên bố Chính trị 2009, Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng 2014, Văn kiện phiên họp đặc biệt Đại hội đồng Liên hợp quốc về vấn đề ma túy thế giới và Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng 2019 về tăng cường hoạt động ở trong nước, khu vực và quốc tế nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các cam kết chung trong giải quyết và đối phó với vấn nạn ma tuý toàn cầu.

MỘT LẦN NỮA KHẲNG ĐỊNH vấn đề phòng, chống ma túy là trách nhiệm chung của toàn thế giới và cần được giải quyết thông qua hợp tác đa phương và nâng cao hiệu quả hợp tác;

NHẤN MẠNH sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp hành động để chặn đứng các thách thức của vấn nạn ma túy đang đe dọa toàn cầu, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững nhằm đảm bảo cuộc sống lành mạnh và thúc đẩy hòa bình, công lý;

NHẬN THỨC được tầm quan trọng của việc tăng cường liên kết thể chế giữa các cơ chế hiện có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm ma túy bất hợp pháp xuyên quốc gia trong khu vực và toàn thế giới;

KHUYẾN KHÍCH các sáng kiến, xây dựng các cơ chế hợp tác mới giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế để ngăn chặn hiệu quả tội phạm ma túy xuyên quốc gia;

TÁI KHẲNG ĐỊNH sự ủng hộ và ghi nhận nỗ lực của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) với tư cách là Cơ quan chuyên trách của Liên Hợp Quốc trong giải quyết và đấu tranh với vấn đề ma túy toàn cầu. Hoan nghênh những nguồn lực và nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đóng góp vào công tác phòng, chống tội phạm ma túy ở khu vực Đông Nam Á.

DO VẬY, chúng tôi tuyên bố:

1.  Thúc đẩy hợp tác song phương, khu vực và quốc tế, thông qua hoạt động phối hợp tác chiến, như chia sẻ thông tin, hợp tác qua biên giới, duy trì và mở rộng các dự án / chương trình, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực, nhằm đối phó với vấn đề ma túy thế giới và khu vực một cách hiệu quả hơn, đặc biệt là khuyến khích và hỗ trợ tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hoạt động gieo trồng và sản xuất trái phép, điều chế, vận chuyển, mua bán, phân phối và lạm dụng bất hợp pháp ma túy, chất hướng thần và tiền chất; phương thức thủ đoạn mới của tội phạm ma túy.

2.  Tăng cường trao đổi thông tin một cách cụ thể, chính xác và kịp thời giữa các quốc gia, tổ chức, trong đó trọng tâm là:

- Nguồn gốc, tuyến đường, đích đến của ma túy bị thu giữ, gồm: bao bì, quy cách đóng gói, nhãn hiệu, số lượng, chủng loại cũng như những đối tượng có liên quan để xác định nguồn gốc, phương thức thủ đoạn và các tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia;

- Hồ sơ liên quan của các tổ chức tội phạm ma túy cũng như danh sách theo dõi các hoạt động phạm tội về ma túy và thông tin của các tổ chức tội phạm ma túy mà các bên cùng quan tâm;

- Thông tin về tội phạm ma túy bỏ trốn, đối tượng truy nã về ma túy lẩn trốn ở các nước để hỗ trợ xác minh truy bắt; thiết lập các đầu mối liên lạc cụ thể để trao đổi thông tin liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia tại các quốc gia và tổ chức có liên quan.

3.  Xem xét triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên phạm vi lãnh thổ mỗi nước và phối hợp đấu tranh với các đường dây tội phạm ma túy hoạt động xuyên quốc gia có liên quan đến các nước, nhằm mục tiêu chung là ngăn chặn tội phạm ma túy ở khu vực Đông Nam Á, không để hình thành phát triển thị trường ma túy lớn của thế giới.

4.  Tiến hành điều tra chung đối với các vụ án liên quan đến tội phạm ma túy xuyên quốc gia, thống nhất quy trình trước khi triển khai, trong đó có việc cử cán bộ đến nước sở tại, với sự đồng ý của nước đó để phối hợp và thực hiện hoạt động điều tra, phù hợp luật pháp của nước sở tại, nhằm triệt phá toàn bộ mạng lưới ma túy bất hợp pháp.

5.  Triển khai các giải pháp kiểm soát tiền hóa chất thông qua các cơ chế hợp tác đa phương và chiến lược kiểm soát các cơ sở điều chế ma túy bí mật; từ đó phòng, chống thất thoát tiền hóa chất, triệt phá các cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp; kiểm soát chặt chẽ các tổ chức hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, đồng thời giải quyết hiệu quả các xu hướng và tuyến vận chuyển mới nổi trong khu vực và thế giới nói chung;

6.  Chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật trong việc xem xét thiết lập, vận hành các chốt kiểm soát ma túy công khai tại những khu vực gần Tam giác vàng hoặc/và các tuyến mà tội phạm ma túy thường lợi dụng để vận chuyển trái phép ma túy và tiền chất, nhằm phối hợp với các cơ quan hữu quan để kiểm soát ma túy và tiền chất; củng cố các cơ chế hợp tác quản lý qua biên giới ở tiểu vùng sông Mê Công, đặc biệt là khu vực Tam giác Vàng, thông qua việc tăng cường và mở rộng phạm vi hoạt động của Văn phòng liên lạc qua biên giới-BLO.

7.  Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác quốc tế hiện có về kiểm soát ma túy, như: Ủy ban kiểm soát ma túy Liên Hợp Quốc-CND, Bản Thỏa thuận về hợp tác phòng, chống ma túy tiểu vùng sông Mê Công-MOU. Hội nghị thường niên những người đứng đầu cơ quan phòng, chống ma túy khu vực Châu Á-Thái Bình Dương-HONLEA, Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy-AMMD, Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về vấn đề ma túy-ASOD, Hội nghị thực thi pháp luật phòng, chống ma túy khu vực châu Á-Thái Bình Dương-IDEC, Hội nghị quốc tế về hành pháp phòng, chống ma túy-IDEC, Trung tâm thông tin hợp tác phòng, chống ma túy của ASEAN, Trung tâm điều phối vì một sông Mê Công an toàn,v.v. hoặc xem xét xây dựng các cơ chế hợp tác khác để đạt được hiệu quả hơn nữa.

8.  Các nước châu Á tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia thống nhất sẽ chia sẻ kinh nghiệm của châu Á trong công tác phòng, chống ma túy với các nước khác trên thế giới; một lần nữa khẳng định là các nước khu vực sẽ giữ vai trò hợp tác một cách hữu hiệu và tích cực hơn trong xử lý và đấu tranh với vấn đề ma túy toàn cầu, đặc biệt là các vấn đề có liên quan tới khu vực Tam giác Vàng.

TIN TƯỞNG rằng Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia sẽ thúc đẩy và tăng cường hơn nữa quan hệ  hợp tác giữa các quốc gia / đối tác tham dự, đóng góp quan trọng vào hoạt động hợp tác phòng, chống ma túy trong khu vực và trên toàn thế giới. /.

CAND Online
.
.