Trong "thế giới phẳng", tại sao càng phải "Nhân văn - Tin cậy - Kịp thời"
Trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin như hiện nay, "cuộc chiến" cạnh tranh thông tin giữa các tờ báo, đặc biệt là báo mạng điện tử ngày càng khốc liệt. Ai cũng muốn giành được độc giả, là người đi trước, đưa tin sớm nhất, độc nhất. Giải bài toán "Nhân văn -Tin cậy - Kịp thời" của Báo CAND, nói nôm na là "nhanh, mới nhưng phải sạch" giữa "một thế giới phẳng" thật không đơn giản.
Phóng viên Báo Điện tử CAND tác nghiệp trong một chương trình giao lưu trực tuyến. |
Tôi vẫn nhớ tháng 7-2015, khi vụ án Bình Phước xảy ra, Báo CAND là một trong những tờ báo "hút" độc giả với lượng truy cập tăng vọt. Bạn đọc tìm đến Báo CAND bởi những nguồn tin tin cậy, chính thống, bên cạnh đó, thông tin được mổ xẻ dưới con mắt nghiệp vụ của người viết trong ngành nên hấp dẫn và khá ly kì. Có thể do "say máu" nghề nghiệp nên ban đầu chúng tôi tổ chức khai thác nhiều tin bài có "mùi vị" câu view.
Ngay lập tức, Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND gọi điện chỉnh ngay: "Từ bao năm nay, "Nhân văn -Tin cậy - Kịp thời" là tiêu chí tối thượng của Báo CAND, không phải ngẫu nhiên mà yếu tố Nhân văn lại được Đảng ủy, Ban Biên tập nhấn mạnh đầu tiên. Các cậu đưa thế này thì còn gì là Báo CAND nữa!".
Chúng tôi biết, Thiếu tướng Phạm Văn Miên từ lâu đã rất nghiêm khắc và rèn giũa phóng viên về đạo đức người làm báo và cực kỳ khắt khe trong việc tuân thủ tiêu chí nghề nghiệp. Ông sẵn sàng thẳng tay gạch chéo những bài viết mang tính giật gân, câu khách, miêu tả tội ác, hình ảnh mang tính bạo lực, phản cảm... mặc dù biết rằng nếu để bài báo đó, tiara báo giấy có thể tăng thêm, còn lượng truy cập điện tử có thể sẽ tăng vọt gấp nhiều lần!
Cuộc thi ảnh "Vì bình yên cuộc sống năm 2016" trên Báo điện tử CAND đã thành công rực rỡ. |
Sau cú vấp ban đầu, những người làm biên tập Báo điện tử CAND đã ngồi lại họp bàn, thống nhất cách đưa tin để làm sao vẫn kịp thời, nhanh chóng, đáp ứng được nhu cầu của độc giả nhưng không lệch chuẩn, không sa đà vào các chi tiết giật gân, câu khách, làm dư luận hoang mang đồng thời phản ánh toàn diện, sâu sắc chiến công của lực lượng tham gia phá án.
Trong tất cả các bài viết, phóng viên và biên tập viên đều được quán triệt rõ việc không mô tả chi tiết hành vi tội ác của hung thủ, tuyệt đối không soi mói đời tư của các nạn nhân.
"Đưa hình ảnh những người đã mất rồi lên mạng là bất nhẫn. Mặc dù ngay sau khi vụ án Bình Phước xảy ra, bắt giữ được nghi can Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến, chúng tôi có nhiều thông tin rất "độc" từ chính cơ quan điều tra, nhưng CAND đã rất cân nhắc khi đưa lên báo" - Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng biên tập Báo CAND chia sẻ.
Cũng như trước đây, trong các vụ án kinh hoàng như vụ sát hại người tình trên xe Luxs, vụ Nguyễn Đức Nghĩa, vụ Lê Văn Luyện… các PV Báo CAND đều có cơ may «3 cùng» với các trinh sát, điều tra viên, kịp thời cập nhật thông tin nóng hổi đến bạn đọc, đúng với tiêu chí Nhân văn – Tin cậy – Kịp thời.
Vụ án sát hại 6 người ở Bình Phước đã thực sự làm cho bạn đọc bội thực thông tin khiến Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông phải vào cuộc. Rất nhiều tờ báo và các trang mạng xã hội đã quá sa đà vào việc đưa tin về vụ án, săm soi đời tư cá nhân, đưa tin, thậm chí đăng ảnh tràn lan về hiện trường, nạn nhân… gây tâm lý bất an, ghê sợ đối với người đọc.
Trong một thế giới ngổn ngang, hỗn tạp tin tức hư hư thực thực, Báo điện tử CAND lại "ghi điểm", được độc giả tin yêu bởi quán triệt sâu sắc quan điểm "Nhân văn – Tin cậy – Kịp thời".
Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND thăm và tặng quà đồng chí Đậu Thị Huyền Trâm. |
Trong năm 2015 - 2016, Báo điện tử CAND có 6 lần "sập mạng" khi lượng độc giả truy cập tăng đột biến, trong đó kỷ lục nhất là lần đưa tin về trường hợp Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm, Công an tỉnh Nghệ An – người từ chối điều trị ung thư để cứu con (tháng 7-2016); hay lần đưa tin về tài xế Phan Văn Bắc dũng cảm cứu xe khách bị mất phanh trên đèo Bảo Lộc. Những câu chuyện nhân văn đã thực sự lay động và chạm đến trái tim độc giả.
Câu chuyện về nữ Thiếu úy Công an từ chối điều trị ung thư để dành sự sống cho con đã làm cả triệu người rơi lệ. Tôi vẫn nhớ khi đó, đồng chí Tổng biên tập hằng ngày vẫn nhắc nhở chú ý đưa tin phản ánh về nữ đồng chí đồng đội dũng cảm, giàu nghị lực trên Báo điện tử và các ấn phẩm khác của Báo CAND. Qua Báo điện tử CAND, hàng chục ngàn bạn đọc đã bình luận (comment) cầu chúc cho nữ Thiếu úy Huyền Trâm và con trai vượt qua cơn hoạn nạn.
Hình ảnh phóng viên Việt Hà mắt đẫm lệ chạy xuống Ban báo điện tử CAND để bổ sung thêm mấy tấm hình chị vừa chụp Huyền Trâm tại Bệnh viện K trung ương cùng với bài viết nhói tim của chị đã gửi trước đó khiến chúng tôi xúc động đến nghẹn lòng. Và ngay sau khi bài báo của chị được "đẩy" lên mạng, hàng triệu độc giả đã đọc, hàng chục ngàn người chia sẻ bài viết và bình luận...
Đúng là cái gì từ trái tim sẽ đến được trái tim, câu chuyện về Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm và lần đưa tin đến ngạt thở đó mãi mãi là kỷ niệm không bao giờ quên đối với những người làm báo điện tử CAND.
Phóng viên CAND đã theo chân các trinh sát trong vụ truy lùng nghi can gây ra vụ thảm án ở Lào Cai: Tẩn Láo Lở |
Có những bài viết về Huyền Trâm khi đó đã có hơn 8 triệu người đọc, hơn 500 ngàn like và lượt chia sẻ trên fanpage của Báo CAND. Thời điểm CAND đưa tin và ảnh bắt được đối tượng Vi Văn Hàn - kẻ sát hại 4 người ở Tương Dương, Nghệ An; Đặng Văn Hùng - hung thủ sát hại 4 người ở Văn Yên, Yên Bái và lần gần đây nhất, khi các đơn vị chức năng bắt giữ nghi can Doãn Trung Dũng (trong vụ sát hại 4 bà cháu ở Quảng Ninh), lượng truy cập Báo điện tử CAND tăng cực "khủng", cùng với hàng chục ngàn người chia sẻ trên các trang mạng xã hội đã khiến trang chủ cand.com.vn "đơ" hàng mấy chục phút!
Tổng Biên tập vẫn nhắc nhở chúng tôi, tin cậy không chỉ với độc giả mà phải tin cậy cả với chính anh em trong nghề báo, trong lực lượng CAND. Một trong những nguyên tắc của những người làm báo CAND là tuyệt đối không để lộ nghiệp vụ. Do là người nhà nên các trinh sát, điều tra viên đều tin tưởng và không ngần ngại tiết lộ những chi tiết liên quan đến vụ án, kể cả chuyện "bếp núc" quá trình điều tra, khám phá vụ án.
Phóng viên Xuân Mai được Thiếu tướng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái mời ngồi cùng xe trên đường chỉ đạo án và vào hiện trường; cũng chính Xuân Mai đã có những hình ảnh, thước phim đầu tiên về Đặng Văn Hùng, kẻ sát hại 4 người trong vụ án ở Văn Yên. Xuân Mai vừa lên xe đã được Thiếu tướng tiết lộ nhiều "thâm cung bí sử" về công tác điều tra khám phá vụ án.
Và đúng như những gì ông tin cậy, PV Xuân Mai đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình; thông tin nóng hổi về tòa soạn nhưng vẫn đảm bảo yếu tố nghiệp vụ mà Ban chuyên án yêu cầu.
Làm kinh doanh nên tôi ít có điều kiện để ngồi đọc sách báo. Tuy nhiên, để cập nhật, nắm bắt thông tin nên tôi thường tranh thủ thời gian lúc uống nước, ăn sáng hay thời gian nghỉ trưa để đọc báo qua điện thoại. Báo Công an nhân dân online được tôi đọc thường xuyên bởi những chuyên mục, thông tin về các vụ việc trong đó giúp tôi nhận biết được các phương thức, thủ đoạn mới của các loại tội phạm. Từ đó, có cách phòng ngừa cũng như lưu ý cho các con. Nhiều bài viết về lực lượng Công an giúp người đọc hiểu hơn về những chiến công cũng như những đóng góp của ngành Công an giúp ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ông Đào Trọng Thắng (trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội) |