Triển khai dự án, mô hình quản lý khai thác Khu Di tích lịch sử Hòn Đá Bạc

Thứ Năm, 05/11/2015, 10:32
“Phát triển Khu di tích lịch sử Hòn Đá Bạc trở thành “địa chỉ đỏ”, biểu tượng ghi dấu chiến công oanh liệt của lực lượng Công an nhân dân” – là nội dung của buổi làm việc của Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an với lãnh đạo các Tổng cục, đơn vị chức năng về triển khai dự án, mô hình quản lý khai thác Khu Di tích lịch sử Hòn Đá Bạc, tổ chức tại Hà Nội, sáng 5/11.

Hòn Đá Bạc có diện tích khoảng 6,34 ha, thuộc xóm Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau là cụm đảo gồm ba hòn nhỏ nằm liền nhau. Di tích lịch sử Hòn Đá Bạc ngoài vẻ đẹp huyền bí, hoang sơ còn có giá trị lịch sử văn hóa quan trọng. Nơi đây, ghi đậm dấu tích tự hào của quân và dân tỉnh Cà Mau nói chung và huyện Trần Văn Thời nói riêng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sau Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, bọn phản cách mạng và các thế lực thù địch từ bên ngoài vẫn tìm cách chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Trong nhiều chiến công của lực lượng Công an nhân dân trong cuộc chiến tranh thầm lặng ấy có một chiến công lẫy lừng diễn ra tại Hòn Đá Bạc này.

Thứ trưởng Bùi Văn Thành cùng các đại biểu tại buổi làm việc.

Những năm 1981 - 1984, các thế lực thù địch và bọn phản động lưu vong dựng lên tổ chức phản động mang tên “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Tuý và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Chúng đã đưa bọn phản động từ bên ngoài xâm nhập vào nội địa Việt Nam để thực hiện âm mưu phá hoại lật đổ.

Với thế trận an ninh rộng khắp, ngay từ khi toán biệt kích đầu tiên xâm nhập đã bị lực lượng Công an nhân dân phát hiện, khống chế. Đấu tranh với địch, Bộ Công an đã lập Chuyên án mang bí số Kế hoạch CM12. Trong quá trình đấu tranh ta đã câu nhử địch đưa 18 chuyến xâm nhập vào Cà Mau. Hòn Đá Bạc trở thành Trung tâm chỉ huy của ta để đón bắt nhiều toán gián điệp biệt kích và cũng là nơi diễn ra  trận đánh cuối cùng kết thúc thắng lợi Chuyên án CM12 vào ngày 9/9/1984.

Trong 3 năm đấu tranh, lực lượng Công an đã lập nên kỳ tích: đón bắt 18 chuyến xâm nhập, bắt và tiêu diệt 183 tên tịch thu hơn 300 tấn vũ khí, 14 tấn tiền giả, phát hiện và phá vỡ được 10 tổ chức phản động trong nước; góp phần giữ gìn sự bình yên và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Với những ý nghĩa lịch sử đó, ngày 22/6/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2245/QĐ-BVHTTDL công nhận di tích: Hòn Đá Bạc - Trung tâm chỉ huy Kế hoạch phản gián CM12 (9/9/1981- 9/9/1984) là Di tích lịch sử cấp Quốc gia…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bùi Văn Thành khẳng định để ghi nhớ và tôn vinh chiến công hiển hách, Bộ Công an đã quyết định tôn tạo Di tích Hòn Đá Bạc. Các công trình quần thể tượng đài chiến thắng CM12, Tượng đài Bảo vệ An ninh Tổ quốc, Đền Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Công an nhân dân và Nhà trưng bày bổ sung di tích đã thực sự đã trở thành những “địa chỉ đỏ” biểu tượng ghi dấu chiến công oanh liệt của lực lượng Công an; điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với Cà Mau.

Việc triển khai dự án, mô hình quản lý khai thác Khu Di tích lịch sử Hòn Đá Bạc là chủ trương lớn của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an. Thời gian tới các đơn vị chức năng cùng Công an tỉnh Cà Mau cần phải làm tốt công tác bảo tồn, quản lý, duy tu, phát triển khu di tích lịch sử này trong việc giáo dục truyền thống đối với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân và với nhân dân, để khu di tích thật sự phát huy ý nghĩa, hiệu quả…

Việt Hưng – Cao Thủy.
.
.