Trại giam A2 tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân năm 2017

Thứ Sáu, 14/07/2017, 17:03
Ngày 14-7, Trại giam A2 thuộc Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp – Bộ Công an ở xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân năm 2017.

Trung tá Đỗ Ngọc Trọng – Giám thị Trại giam A2 cho biết, trong thời gian qua Đảng ủy, Ban giám thị và cán bộ - chiến sĩ Trại giam A2 thường xuyên chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục cải tạo phạm nhân (GDCTPN), tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật, phổ biến các chế độ chính sách đối với phạm nhân theo quy định tại Luật thi hành án hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan, thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ trong trại giam;

Xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp một số cơ quan tư pháp, tổ chức đoàn thể ở Khánh Hòa; dạy văn hóa cho phạm nhân mù chữ, dạy nghề để phạm nhân có điều kiện mưu sinh lương thiện sau khi tái hòa nhập cộng đồng; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp…

Trung tá Đỗ Ngọc Trọng – Giám thị Trại giam A2 trao đổi với gia đình phạm nhân.

Đặc biệt với chủ đề “Gửi lời xin lỗi” theo hướng dẫn của Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, từ năm 2016 đến nay đã có hơn 1.000 bức thư của phạm nhân ở Trại giam A2 gửi lời xin lỗi đến người bị hại và gia đình với nội dung bày tỏ sự hối hận, cam kết sửa chữa lỗi lầm để sớm hoàn lương hướng thiện.

Phạm nhân Trại giam A2 biễu diễn văn nghệ tại hội nghị.

Từ hiệu quả GDCTPN theo quy định pháp luật kết hợp những biện pháp giáo dục đậm tính nhân văn, từ năm 2016 đến nay đã có 328 phạm nhân ở Trại giam A2 được xét giảm án, tha tù trước thời hạn; 45 phạm nhân được đặc xá.

Đại diện gia đình phạm nhân và phạm nhân bày tỏ cảm nghĩ.
Thượng úy Phạm Thị Kim Thư, cán bộ Đội giáo dục – hồ sơ Trại giam A2 trao đổi với phạm nhân và đại diện gia đình phạm nhân.

Ngoài việc thông tin về kết quả giáo dục cải tạo phạm nhân (GDCTPN), Hội nghị gia đình phạm nhân còn là cơ hội đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của phạm nhân, gia đình và cán bộ - chiến sĩ (CBCS) để khắc phục tồn tại, thiếu sót; xây dựng chương trình kế hoạch, phương pháp giáo dục phạm nhân phù hợp với thực tế… góp phần nâng cao hiệu quả quản lý GDCTPN để họ sớm tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích trong xã hội…

Hữu Toàn
.
.