Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống cháy nổ

Thứ Ba, 30/05/2017, 20:06
Ngày 30-5, tại Hà Nội, Trường Đại học phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã tổ chức Hội thảo khoa học về công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát PCCC. Thiếu tướng, PGS.TS Đỗ Ngọc Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND đã tới dự.

Cùng dự hội thảo còn có lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Công an, các Học viện, trường CAND và công an các địa phương. Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Hiệu trưởng trường Đại học PCCC và Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC& CNCH đồng chủ trì hội thảo.

Theo báo cáo của Cục cảnh sát PCCC&CNCH, tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng cả về số vụ và thiệt hại, tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng. Trong 5 năm qua, cả nước đã xảy ra gần 12.000 vụ cháy, làm chết hơn 300 người, bị thương hơn 900 người, thiệt hại về tài sản hơn 6.500 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, mỗi năm cả nước xảy ra 2.724 vụ cháy, làm chết 64 người và bị thương 194 người, gây thiệt hại về tài sản 1.3485 tỷ đồng.

Các đại biểu dự Hội thảo khoa học về công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát PCCC.

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao vai trò của nghiệp vụ điều tra cơ bản trong công tác phòng chống cháy nổ. Bởi lẽ, điều tra cơ bản là chủ động nắm tình hình có liên quan đến công tác PCCC, làm cơ sở quan trọng để xác định đối tượng, địa bàn, khu vực trọng điểm, phức tạp về PCCC, từ đó có cơ sở đề ra chủ trương, kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn cháy, nỏ xảy ra.

Tuy vậy, các đại biểu cũng đã chỉ ra những vướng mắc, khó khăn trong công tác điều tra cơ bản hiện nay như việc phân công điều tra cơ bản đối với địa bàn, khu vực trọng điểm về PCCC, các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC chủ yếu dựa trên địa dưới hành chính dẫn đến sự phối hợp giữa các đơn vị chưa cao.

Để công tác phòng chống cháy nổ đáp ứng được yêu cầu phức tạp trong tình hình mới, các đại biểu đề xuất, các lực lượng PCCC từ Trung ương đến địa phương cần tích cực và thường xuyên làm tốt công tác điều tra cơ bản để nắm chắc tình hình, nhất là tình hình liên quan đến phát sinh cháy nổ. Chủ động rà soát các địa bàn, khu vực trọng điểm về cháy nổ, từ đó, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để hướng dẫn kiểm tra, phát hiện, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, ngăn chặn không để xảy ra cháy nổ.

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Hiệu trưởng trường Đại học PCCC phát biểu tại Hội thảo.

Thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cơ bản cho cán bộ, chiến sỹ gắn với địa bàn, cơ sở được giao quản lý. Tăng cường nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin phục vụ công tác điều tra cơ bản về  PCCC. Đồng thời kiến nghị, Bộ Công an cần có văn bản quy định cụ thể về bộ máy tổ chức và biên chế cán bộ làm công tác điều tra cơ bản.

Trường Đại học PCCC sớm nghiên cứu, xây dựng bổ sung vào chương trình đào tạo môn học công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát PCCC và sớm tổ chức giảng dạy môn học này trong nhà trường nhằm kịp thời đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ công tác điều tra cơ bản cho lực lượng cảnh sát PCCC trong thời gian tới.

Huyền Thanh
.
.