Tăng cường điều trị Methadone tại các trại giam

Thứ Năm, 22/09/2016, 08:12
Đây là thực tế được các cơ quan chức năng đưa ra tại Hội thảo sơ kết 1 năm triển khai điều trị thí điểm nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại trại giam được tổ chức sáng 21-9 tại Thái Nguyên do Tổng cục Hậu cần kỹ thuật CAND và Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp chủ trì.

Theo báo cáo của Cục Y tế (Bộ Công an), kế hoạch điều trị thí điểm Methadone tại các trại giam do Bộ Công an quản lý đã được Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt ngày 16-6-2015 căn cứ theo Nghị định 96/2012/NĐ-CP và Nghị quyết 04/NQ-CP ngày 4-2-2015 của Chính phủ. Theo kế hoạch, việc điều trị thí điểm được thực hiện tại 2 trại giam là Trại giam Phú Sơn 4 và Trại giam Thanh Xuân.

Sau hơn 1 năm triển khai, tại Trại giam Phú Sơn 4 tính đến ngày 12-9, tổng số phạm nhân được điều trị Methadone là 28 phạm nhân, trong đó có 9 phạm nhân đã hết án và đã được Trại giam Phú Sơn 4 làm thủ tục chuyển tiếp về cơ sở điều trị mới tại cộng đồng, 2 phạm nhân bỏ điều trị vì lý do sức khỏe.

Hiện tại còn 17 phạm nhân đang điều trị Methadone. Riêng Trại giam Thanh Xuân vẫn chưa triển khai được vì không có phạm nhân nào đăng ký tham gia.

Tư vấn điều trị Methadone cho phạm nhân tại Trại giam Phú Sơn 4.

Đại tá Nguyễn Xuân Trường, Giám thị Trại giam Phú Sơn 4 cho biết, qua quá trình điều trị, phạm nhân đã có những biểu hiện tư tưởng yên tâm cải tạo, ý thức chấp hành nội quy, quy chế trại giam, không còn nhu cầu dùng các chất ma túy khác, không ốm vật vờ và có những biểu hiện chống đối, tiêu cực khác ở trong trại, từ đó có tác dụng lôi kéo các phạm nhân khác, chấp hành tốt nội quy, quy định trong trại.

Đại tá Nguyễn Xuân Trường cũng cho biết, trại đã cho tất cả phạm nhân đang điều trị thí điểm bằng Methadone viết thu hoạch báo cáo đánh giá chất lượng rất cao.

Tại hội thảo, vướng mắc lớn nhất được các đại biểu nhắc đến là việc quan điểm điều trị Methadone chỉ là dùng chất gây nghiện này thay thế chất gây nghiện khác. Thiếu tướng Nguyễn Tiến Dẫn, Cục trưởng Cục Y tế, cho rằng đây là quan niệm sai lầm. Thực tế triển khai thí điểm tại Trại giam Phú Sơn 4 cho thấy hiệu quả rất tích cực.

“Triển khai điều trị Methadone sẽ góp phần giải quyết cả tình trạng thẩm lậu ma túy vào các trại giam. Rất nhiều nước trên thế giới đã triển khai nhiều năm nay và rất hiệu quả. Do đó cần thiết phải đưa vào triển khai rộng rãi trong các trại giam”, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Dẫn nói.

Cũng đồng quan điểm này, đại diện Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) cho biết, hiện nay có ít nhất 40 quốc gia trên thế giới đã thực hiện việc này từ nhiều năm qua và mang lại kết quả tích cực cho phạm nhân. TS Phạm Văn Mạnh, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV-AIDS (Bộ Y tế) khẳng định, kết quả tại Trại giam Phú Sơn 4 là căn cứ khoa học và thực tiễn để tổ chức triển khai rộng rãi mô hình này.

Hiện cả nước có 61 tỉnh, thành với 260 điểm điều trị Methadone, bên cạnh đó còn có rất nhiều điểm cấp phát thuốc tại các xã phường, do đó khi phạm nhân trở về tái hòa nhập cộng đồng sẽ dễ dàng có điều kiện để tiếp tục điều trị.

Theo Trung tướng Phạm Quang Cử, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần kỹ thuật CAND thì đây là một vấn đề nhân đạo liên quan đến một loại bệnh là nghiện ma túy trong trại giam, nhưng còn rất nhiều vướng mắc trong khâu triển khai như: cơ sở vật chất, đội ngũ y, bác sĩ, kinh phí... Trung trướng Phạm Quang Cử cho rằng, theo Nghị định 90/2016 của Chính phủ thì vẫn phải triển khai, tuy vậy cách làm là sẽ từng bước.

Tổng cục Hậu cần kỹ thuật CAND và Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp sẽ báo cáo Bộ Công an về lộ trình triển khai. Trại nào đủ điều kiện sẽ triển khai trước.

Tuy vậy, theo Trung tướng Phạm Quang Cử, để triển khai rộng thì công tác tuyên truyền cần tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn. Mặc dù thời gian qua đã tuyên truyền rồi nhưng vẫn còn đôi chỗ chưa thông từ cán bộ, bác sĩ cho đến phạm nhân.

Phan Hoạt
.
.