Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống cháy rừng

Thứ Tư, 17/07/2019, 08:38
Một trong những nguy cơ dẫn đến cháy rừng là do người dân bất cẩn, chủ quan trong công tác đốt, dọn thực bì hay đốt lửa khi đi dã ngoại, ném tàn thuốc tại khu vực rừng nên việc nâng cao ý thức cho người dân trong công tác phòng chống cháy rừng luôn được lực lượng PCCC quan tâm, chú trọng...

Chủ động phòng cháy chữa cháy rừng mùa nắng nóng

Hiện nay, tình hình nắng nóng trên cả nước đang diễn biến bất thường. Điều này khiến cho những cánh rừng trên địa bàn TP Đà Nẵng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy cao. Trước tình hình đó, lực lượng Cảnh sát PCCC CATP Đà Nẵng đã chủ động các phương án phòng chống, ứng phó nhằm hạn chế mức thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn.

Từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã xảy ra 4 vụ cháy rừng, diện tích khoảng 4,4ha. Mới đây nhất, ngày 10-7, một vụ cháy rừng xảy ra tại khu vực Bãi Bụt (sườn taluy âm) thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Từ khi phát hiện đến 5h15' ngày 10-7, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH quận Sơn Trà đã phải điều động nhiều đợt xe chữa cháy cùng hàng chục chiến sĩ Cảnh sát PCCC, đồng thời huy động thêm lực lượng chi viện từ Công an quận Ngũ Hành Sơn, lực lượng Kiểm lâm, người dân địa phương để phối hợp dập lửa, cứu rừng Sơn Trà.

Thượng úy Nguyễn Đăng Hùng, cán bộ Đội Công tác phòng cháy CATP Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân của các vụ cháy rừng, về khách quan được xác định là do nắng nóng cao độ kéo dài, có ngày lên đến 40 – 41 độ C, thảm thực bì khô, đặc biệt là đối với rừng trồng thông nhựa và bạch đàn có tinh dầu dễ bắt cháy; tầng thực bì phía dưới dày, chưa tiến hành vệ sinh thu gom nên dễ bắt lửa, khi cháy thì tốc độ lan tràn lửa nhanh, khó dập tắt và khống chế, người dân vào rừng đốt ong, ý thức của người dân trong việc bảo vệ, khai thác còn hạn chế và còn xem nhẹ trong công tác PCCC.

Xã Hòa Bắc có gần 20.000ha diện tích rừng trồng, lại nằm ở vị trí địa lý khá khắc nghiệt, mùa khô kéo dài. Theo quy định của của lực lượng kiểm lâm và chính quyền nơi đây, người dân muốn đốt rừng thực bì sau khi khai thác thì phải có văn bản, được sự đồng ý mới được đốt và có phương án phòng cháy. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn trong công tác quản lý vấn đề này khiến chính quyền, cơ quan chức năng, chủ rừng bất an, vất vả tìm biện pháp ngăn chặn.

Một trong những nguy cơ dẫn đến cháy rừng là do người dân bất cẩn, chủ quan trong công tác đốt, dọn thực bì hay đốt lửa khi đi dã ngoại, ném tàn thuốc tại khu vực rừng nên việc nâng cao ý thức cho người dân trong công tác phòng chống cháy rừng luôn được lực lượng PCCC quan tâm, chú trọng.

Thiếu tá Trần Thanh Hải, Phó Đội trưởng Đội Công tác phòng cháy - CATP Đà Nẵng, cho biết: Qua một số vụ cháy rừng diễn ra thời gian qua, CATP Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu Phòng Cảnh sát PCCC tăng cường kiểm tra công tác PCCC tại một số địa phương có rừng trên địa bàn TP như Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Hiệp Bắc, Thọ Quang…

Nội dung kiểm tra bao gồm kiểm tra hồ sơ quản lý, theo dõi dự báo cháy rừng, trang thiết bị phục vụ công tác PCCC rừng, lực lượng bảo vệ rừng và PCCC rừng, công tác quản lý và sử dụng lửa trong rừng… qua đó phát hiện các tồn tại trong công tác phòng cháy rừng tại các địa phương và đề xuất các hướng khắc phục. Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Đà Nẵng đề nghị chủ rừng, UBND các phường tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân không tự ý đốt thực bì trong thời tiết nắng nóng hiện nay, có biện pháp quản lý những người lạ vào rừng sử dụng nguồn lửa gây cháy, tiếp tục tăng cường phối hợp với lực lượng Kiểm lâm TP Đà Nẵng tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các chủ rừng và nhân dân địa phương về công tác PCCC rừng, kiểm tra hệ thống giao thông, nguồn nước, lực lượng, phương tiện tại chỗ.

Rà soát lại phương án chữa cháy cho từng loại rừng cụ thể, phù hợp với điều kiện phương tiện, nguồn nước chữa cháy. Yêu cầu chủ rừng kiểm tra, phát dọn thực bì làm đường băng lửa theo hướng dẫn kỹ thuật hiện hành đối với các khu rừng có nguy cơ cháy cao, kiểm tra, sửa chữa, đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện dụng cụ PCCC rừng phù hợp với địa hình, loại rừng.

Công an huyện Trà Bồng phối hợp với lực lượng Kiểm lâm về cơ sở tuyên truyền đến người dân công tác phòng, chống cháy rừng.

Phát huy vai trò tổ an ninh tự quản

Trưa 15-7, tại núi Gia Tây, thuộc địa phận thôn Phú Vinh, xã Tịnh Thiện, TP Quảng Ngãi xảy ra vụ cháy rừng lớn. Sau khi nhận tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Quảng Ngãi đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và phương tiện chữa cháy chuyên dụng đến hiện trường phối hợp cùng lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương và người dân tập trung dập lửa. Tuy nhiên do nắng nóng kéo dài, lớp thực bì dày, kèm theo gió mạnh nên đám cháy nhanh chóng lan rộng ra nhiều khu vực.

Cùng với đó, địa hình núi cao nên xe chữa cháy không tiếp cận được đám cháy, lực lượng chữa cháy phải sử dụng biện pháp tạo đường băng ngăn đám cháy lan rộng, dùng cành cây dập lửa… Đến khoảng 13h cùng ngày, đám cháy đã được khống chế và dập tắt. Vụ cháy gây thiệt hại ước 5ha rừng bạch đàn 4 năm tuổi.

Theo ông Nguyễn Đại, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra hơn 30 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 100ha rừng. Chỉ tính từ đầu tháng 7-2019 đến nay, tại Quảng Ngãi đã có trên 40ha rừng bị thiệt hại do cháy. Đa phần các vụ cháy rừng nguyên nhân là do sự chủ quan, bất cẩn của người dân khi đốt thực bì, hoặc đốt ong lấy mật trong rừng. Đây thật sự trở thành vấn đề đáng cảnh báo trong thời điểm mà nắng nóng vẫn đang kéo dài.

Cụ thể như vụ cháy hơn 25ha rừng phòng hộ Diên Trường và rừng sản xuất của người dân 2 xã Phổ Cường và Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, xảy ra vào đầu tháng 7-2019. Nguyên nhân vụ cháy là do người dân đốt thực bì trong khu vực rừng sản xuất, nhưng thiếu đi các biện pháp ngừa lửa dẫn tới vụ cháy rừng trên diện rộng.

Trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, cháy rừng diễn ra trên diện rộng, Công an các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi đã tăng cường phối hợp với lực lượng Kiểm lâm địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở, nâng cao ý thức cho người dân trong việc phòng ngừa cháy rừng. Bên cạnh công tác tuyên truyền, Công an các huyện Trà Bồng còn phát huy vai trò của các tổ an ninh nhân dân tự quản tham gia công tác bảo vệ, phòng ngừa cháy rừng. Các tổ thanh niên tự phòng, tự quản về ANTT trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ cũng đã ngăn chặn hiệu quả tình trạng đốt ong, không để dẫn đến cháy rừng…

Với cách tuyên truyền cụ thể, thiết thực ở từng hộ dân và phát huy sức mạnh của các tổ tự quản ở huyện Trà Bồng đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa cháy rừng. Chính vì vậy, địa phương này chưa để xảy ra cháy rừng.

Chủ động cứu nạn, cứu hộ, phòng ngừa thiên tai

Công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Lực lượng Công an với vai trò nòng cốt, luôn là lực lượng đầu tiên có mặt tại các điểm nóng về thiên tai, lụt, bão… để chủ động ứng phó, phòng tránh và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Từ những bài học kinh nghiệm thực tiễn công tác PCLB và CNCH do cơn bão số 3 năm 2018 gây ra, ngay từ đầu năm 2019, Công an huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường kiểm tra, rà soát, khoanh vùng những khu vực có nguy cơ sụt lún, sạt lở bờ sông... kịp thời cảnh báo, đề xuất tu bổ, đặt mới cọc tiêu, biển báo ở các khu vực cần thiết, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Trong đó xác định cần thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ trong tình huống xảy ra thiên tai, bão lũ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra.

Thượng tá Nguyễn Đức Thắng, Trưởng Công an huyện Tam Nông cho biết: "Công an huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch bám sát với tình hình thực tiễn trong đó tập trung thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, lụt bão trong năm 2019".

Là cơ quan thường trực trong hoạt động cứu nạn cứu hộ, ngay từ đầu năm 2019, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả mọi tình huống. Việc luyện tập các tình huống cứu nạn cứu hộ của các chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Phú Thọ được duy trì thực hiện thường xuyên.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã cứu được 3 người bị thương, tìm được 3 thi thể nạn nhân bị đuối nước. Do chủ động bố trí lực lượng, phương tiện và các loại vật tư nên đã góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai bão lũ gây ra.

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, trong mùa mưa bão năm nay, Công an tỉnh Phú Thọ đã kiện toàn Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời xây dựng, triển khai kế hoạch, phương án đảm bảo ANTT, ATGT, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có mưa bão xảy ra. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã chủ động về lực lượng và phương tiện cứu nạn, cứu hộ với phương châm sẵn sàng ứng phó với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra; thường xuyên nắm diễn biến tình hình thời tiết, theo dõi mực nước trên các tuyến sông để có kế hoạch phòng chống lụt bão đạt hiệu quả cao nhất.

Việt Thành - Nam Thành Sự - Quang Hưng
.
.