Những chặng đường 70 năm vẻ vang của lực lượng Tham mưu CAND

Sự hình thành và thống nhất các cơ quan Tham mưu CAND

Thứ Bảy, 16/04/2016, 07:59
LTS: Hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, lực lượng CAND đã không ngừng trưởng thành vững mạnh, cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, non sông thu về một mối, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.


Trong những tổ chức đầu tiên của CAND Việt Nam, tổ chức lực lượng Tham mưu CAND được hình thành. Qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Tham mưu CAND đã làm tốt chức năng tham mưu cho lãnh đạo Công an các cấp về công tác bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND.

Trong khí thế của những ngày Tổng khởi nghĩa năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào cả nước đã vùng lên lật đổ chế độ đế quốc, phong kiến, lập nên chính quyền cách mạng. Tại Hà Nội, chiều 19-8, lực lượng Tự vệ thành, Trinh sát Việt Minh cùng nhân dân đã chiếm lĩnh Phủ khâm sai, Sở Liêm phóng, Trại Bảo an binh và các quận cảnh sát của địch. 

Lực lượng Tự vệ thành, Trinh sát Việt Minh cùng nhân dân đã tham gia giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám. Ảnh: TL

Sau khi chiếm lĩnh và đập tan các cơ quan đàn áp của địch, Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc kỳ quyết định thành lập Sở Liêm phóng Bắc bộ. Sở Liêm phóng có nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị ở Hà Nội và các tỉnh, thành thuộc khu vực Bắc bộ. 

Thắng lợi ở Hà Nội đã thúc đẩy các tỉnh, thành khác thuộc Bắc bộ khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Khởi nghĩa thắng lợi đến đâu, chính quyền cách mạng được thành lập luôn đến đó, Ty Liêm phóng tỉnh cũng kịp thời được thành lập để trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ Đảng và chính quyền dân chủ nhân dân.

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương, Xứ uỷ Trung kỳ và Xứ uỷ Nam kỳ cũng khẩn trương lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền. Ngay từ khi ra đời, các tổ chức Công an đầu tiên ở ba miền đã củng cố tổ chức, tăng cường lực lượng để đấu tranh chống phản cách mạng và tội phạm. 

Cùng với sự ra đời của các cơ quan Công an đầu tiên, tổ chức bộ máy Công an gồm các phòng, ban chuyên môn được hình thành, trong đó có Văn phòng. Văn phòng là đơn vị quản lý hành chính và cán bộ, làm tham mưu cho các đồng chí lãnh đạo Sở về công tác Công an…

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong 3 tổ chức Công an đầu tiên ở 3 miền và Công an các tỉnh đều hình thành bộ phận Văn phòng, thực hiện chức năng quản trị cơ quan, quản lý cán bộ, làm tham mưu cho lãnh đạo về công tác đấu tranh chống phản cách mạng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân. Ngày 21-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 23/SL hợp nhất các cơ quan Công an trong toàn quốc thành Việt Nam Công an vụ.

Ngày 18-4-1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng ra Nghị định số 121-NgĐ “Về tổ chức Việt Nam Công an vụ”. Nghị định xác định rõ tổ chức Việt Nam Công an vụ gồm 3 cấp: Công an Việt Nam, Công an kỳ và Công an tỉnh. 

Nha Công an Trung ương do Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc điều hành; tổ chức gồm Văn phòng và các phòng sự vụ, mỗi phòng do một Chủ sự điều hành. Tổ chức Công an kỳ và các tỉnh đều có Văn phòng giúp việc cho lãnh đạo Công an kỳ và lãnh đạo Công an tỉnh; phụ trách Văn phòng Công an tỉnh do Bí thư điều hành.

Từ đây, tổ chức trong lực lượng CAND Việt Nam được củng cố một bước; cơ quan Văn phòng trong lực lượng CAND Việt Nam chính thức được thành lập, thống nhất từ Nha đến các kỳ, tỉnh trong toàn quốc, có quan hệ mật thiết với các đơn vị nghiệp vụ trong lực lượng Công an và Văn phòng các cơ quan ngoài ngành. 

Ngày 18-4-1946 đánh dấu mốc son lịch sử trong tiến trình phát triển của cơ quan Tham mưu, lực lượng và công tác tham mưu trong CAND. Sau này, ngày 18-4 trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Tham mưu CAND. 

(còn nữa)

CAND
.
.