“Rái cá” sông Sài Gòn

Thứ Ba, 03/01/2017, 08:37
Họ là những người chuyên mò tìm kiếm thi thể của người gặp nạn và tang vật vụ án trên sông Sài Gòn. Từng nhiều lần đối diện với hiểm nguy, cận kề sinh tử nhưng mỗi thành viên thuộc Đội Cứu hộ, cứu nạn dưới nước, Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh đều không nản lòng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thượng tá Nguyễn Văn Công, Phó trưởng Phòng Cứu hộ, cứu nạn, cho hay công tác cứu nạn, cứu hộ bao gồm các đội trên cạn và dưới nước. Đội dưới nước mới được thành lập vào năm 2011. Thành viên đội chủ yếu tuyển mộ những người trẻ tuổi, có kinh nghiệm bơi lội.

Việc phân công rõ ràng tạo thuận lợi để cán bộ, chiến sỹ tập trung chuyên môn. Những năm 80 của thế kỷ trước, đội cứu nạn làm công việc như nhóm... thợ đụng. Nghe người dân gọi điện báo là có mặt giúp đỡ. Từ việc lặt vặt như bắt tổ ong trong khu dân cư, bắt người tâm thần lang thang đến lặn tìm thi thể người trên sông...

“Người nhái”  lặn tìm người nhảy sông Sài Gòn.  

“Thời điểm đó, người lính cứu hộ không được trang bị đầy đủ phương tiện, áo quần như bây giờ. Chỉ mặc mỗi chiếc quần cộc là lặn ngụp suốt nhiều tiếng đồng hồ trên sông tìm kiếm thi thể người gặp nạn. Với kinh nghiệm đoán biết con nước nông sâu, cách xử trí dưới nước khi bị chuột rút, vũng nước xoáy, chúng tôi truyền đạt lại kinh nghiệm cho những người lính trẻ tuổi hơn mình”, Thượng tá Công, nhớ lại.

Trụ sở đội được đặt tại phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2, TP Hồ Chí Minh). Khi nhận được tin báo của Trung tâm chỉ huy 114, các thành viên trực chiến sẽ tức tốc lên xe chạy đến mọi địa điểm trong thành phố một cách nhanh nhất. Đến tận bây giờ, Thượng úy Huỳnh Nguyên Thuận, cán bộ Đội Cứu hộ, cứu nạn dưới nướcvẫn còn nhớ như in vụ lặn suốt 10 tiếng đồng hồ để mò tìm thi thể hai mẹ con nhảy cầu ở sông Giồng Ông Tố 2 vào ngày 22-11-2016 vừa qua.

Đêm khuya, nước lạnh buốt, Thuận và đồng đội bám chặt sợi dây tín hiệu, lặn càn quét dưới đáy sông.Thi thoảng, vài thành viên không chịu được áp lực nước phải giật dây xin chỉ huy nổi lên bờ. “Chuyện bị ù tai, tim đập mạnh lúc lặn diễn ra thường ngày như cơm bữa. Khi ở dưới nước, thủy triều lên đã cuốn phăng các thành viên đội ra xa. Từng bàn tay phải xiết chặt lại với nhau, quờ quạng trên từng phiến đất, lật lên từng hòn đá để tìm kiếm nạn nhân”, anh Thuận chia sẻ.

Các quãng sông nhiều hiểm trở, bất trắc nhất là dưới chân cầu Phú Mỹ, cầu Tân Thuận và cầu Bình Lợi (TP Hồ Chí Minh). Nước chảy xiết, thay đổi chiều liên tục khiến đội “rái cá” phải chống chọi vất vả. Chiến sĩ Nguyễn Văn Lai, Đội Cứu hộ, cứu nạn dưới nước kể: “Đây đó dưới đáy sông vẫn còn bom mìn còn sót lại từ thời chiến tranh. Do chủ yếu dùng đôi bàn tay để mò tìm nên nhiều chiến sỹ thường bảo nhau, nếu trúng bom thì cứ để cho nó nằm yên đấy. Lôi lên khỏi mặt nước, gặp áp suất khác, bom sẽ phát nổ”.

Nhưng nỗi sợ khó quên nhất đối với anh Lai là khi dùng hai chân kẹp chặt thi thể nạn nhân, còn đôi tay thì bám chặt sợi dây tín hiệu đợi chờ dưới nước. Đến khi tàu thuyền chạy ngang qua hiện trường thì chỉ huy trên bờ mới đồng ý giật dây kéo lên. Những vụ chân vịt của tàu chém trúng “rái cá” khiến người chỉ huy phải đề phòng cẩn thận.

Theo Thượng tá Công, không chỉ cứu nạn, đội còn thường xuyên hỗ trợ cơ quan Cảnh sát điều tra lặn tìm kiếm tang vật dưới sông. Đó có thể là khẩu súng cùng lựu đạn của kẻ giết người vứt xuống sông nhằm phi tang, đầu máy chạy ghe của bọn “cát tặc” thả chìm hay chỉ là dao Thái Lan dùng để gây án mạng. Nhiều vụ trọng án cần triệt phá sớm, thành viên đội nhận lệnh phải lên đường bất kể ngày lẫn đêm. Và trong ba lô áo quần, họ luôn mang theo nước suối, mì tôm để giải quyết cơn đói lúc trời về sáng…

Nguyễn Tuấn
.
.