“Quả đấm thép” chống tội phạm buôn lậu xuyên quốc gia

Thứ Tư, 08/06/2016, 07:55
Hơn một năm kể từ ngày thành lập, những chiến sĩ Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) đã  đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn và thử thách, mưu trí, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm buôn lậu, lập nên những chiến công, thành tích vô cùng xuất sắc.



Hàng trăm vụ án cùng nhiều đường dây tội phạm buôn lậu xuyên quốc gia đã được các chiến sĩ Cục C74 xác lập, khám phá được dư luận, nhân dân ghi nhận đánh giá cao, thu hồi về cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng; góp phần làm giảm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Gần cả cuộc đời mình gắn bó với lực lượng Cảnh sát đấu tranh phòng chống tội phạm về kinh tế, buôn lậu; đã từng trải qua hàng trăm trận đánh lớn trong những vụ án đấu tranh với tội phạm buôn lậu; Thiếu tướng Ngô Kiên, Cục trưởng Cục C74 chia sẻ: Những năm gần đây, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép, trốn lậu thuế có diễn biến phức tạp nhất là trên các tuyến biên giới từ miền Bắc, miền Trung đến miền Nam với nhiều hình thức cả tuyến đường bộ, đường sắt, đường biển và đường không.

Thiếu tướng Ngô Kiên, Cục trưởng Cục C74: Một năm thành lập, CBCS Cục C74 đã phát hiện, bắt giữ 123 vụ buôn lậu, tăng 30,8% so với cùng kỳ; tổng giá trị hàng hóa vi phạm khoảng 568 tỷ đồng.

Các đối tượng buôn lậu hoạt động tinh vi, xảo quyệt, có đường dây, tổ chức hoạt động xuyên quốc gia, sẵn sàng liều lĩnh chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện.

Nhằm tránh sự phát hiện của các lực lượng chức năng, các đầu nậu, đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng tại các kho hàng sát biên giới sau đó tìm cách xé lẻ, ngụy trang và vận chuyển lén lút về Việt Nam tiêu thụ qua các đường mòn, lối mở, sông biên giới bằng xe gắn máy, ghe, xuồng các loại.

Lật lại những trang hồ sơ vụ án, với chất giọng hào sảng, Thiếu tướng Ngô Kiên kể lại với chúng tôi một chuyên án góp phần làm nên thương hiệu của những chiến sĩ Cảnh sát C74 và cũng được coi là thành công, lớn nhất từ trước đến nay trong đấu tranh với tội phạm buôn lậu ngà voi, sừng tê giác; bắt giữ số lượng “khủng” ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê với số lượng gần chục tấn, trị giá hàng trăm tỷ đồng nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam qua cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).

Cán bộ, chiến sĩ Cục C74 trong lễ công bố quyết định thành lập đơn vị.

Sau khi bị lực lượng chức năng tập trung đánh mạnh trên tuyến đường bộ, hàng không, bọn tội phạm buôn lậu động vật hoang dã, quý hiếm chuyển sang hoạt động trên tuyến đường biển, đường thủy nội địa.

Qua công tác nắm tình hình trên tuyến địa bàn miền Trung, các trinh sát C74 phát hiện một đường dây buôn lậu lớn ngà voi, sừng tê giác từ châu Phi về Việt Nam bằng đường biển với số lượng lớn hàng chục tấn sau đó cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng.

Lãnh đạo Cục C74 tiến hành xác lập chuyên án để đấu tranh. Tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, qua một thời gian theo dõi, các chiến sĩ C74 đã nắm được toàn bộ thủ đoạn, cách thức hoạt động của các đối tượng. Công ty TNHH có biểu hiện buôn lậu trên tuyến đường biển quốc tế từ nước Cộng hòa Mozambique về Việt Nam tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng mang tên Vạn An, có địa chỉ tại Lô 2-A10.2, đường 2-9, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.

Giám đốc Công ty TNHH Vạn An là ông Nguyễn Văn Sáu, SN 1956, trú tại tổ 78, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Ngày 13-8-2015, Công ty TNHH Vạn An nhập 2 lô hàng trong 2 container số CMAU1291440 và IPXU3222588 thuộc vận đơn số MZ30255362 từ châu Phi về cảng Tiên Sa.

Vụ vận chuyển ngà voi ngụy trang trong 2 lô hàng đá cẩm thạch...

Để qua mắt lực lượng chức năng, chủ hàng khai báo Hải quan toàn bộ 2 lô hàng là đá cẩm thạch dạng khối, chưa đánh bóng, hàng mới 100% nhập khẩu từ Mozambique có trọng lượng 40 tấn, trị giá chỉ có khoảng 480 triệu đồng, đã nộp thuế. Các trinh sát của C74 phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan và Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu thuộc Chi cục Hải quan Sân bay Quốc tế Nội Bài tiến hành kiểm tra toàn bộ lô hàng của Công ty Vạn An.

Tất cả những khối đá trong 2 container lần lượt được các trinh sát và lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra. Những chiếc máy soi chuyên dụng, hiện đại nhất của lực lượng Hải quan được điều động đến để soi chiếu, dò xét kỹ lưỡng nhằm phát hiện trong những khối đá có chứa đựng hàng lậu gì bên trong.

Quá trình khám xét diễn ra vô cùng khó khăn vì số hàng cấm được cất giấu vô cùng tinh vi: được bao bọc bằng các lớp giấy bạc để trong những khối đá nhân tạo và chèn lẫn vào khối đá tự nhiên khác nên máy soi dù rất hiện đại cũng không phát hiện được.

Thiếu tướng Ngô Kiên chỉ đạo công tác điều tra phá án.

Mặt khác, đối tượng nhập khẩu, vận chuyển hàng lậu đã cố tình trốn tránh, không hợp tác, tìm mọi cách che giấu tội phạm. Kết quả kiểm tra của Đoàn công tác không phát hiện trong lô hàng của Công ty Vạn An chứa hàng cấm. Trước tình thế đó, các trinh sát xin ý kiến chỉ đạo của Thiếu tướng Ngô Kiên.

Từ nguồn tin của các trinh sát trước đó, Thiếu tướng Ngô Kiên suy nghĩ và quyết định cho tiến hành phá dỡ các khối đá. Khi các khối đá bị đập vỡ, lần lượt lộ ra những chiếc ngà voi, sừng tê giác. Mỗi khối giả đá chứa từ 10 đến 25 ngà voi và sừng tê giác, tổng cộng thu giữ được 593kg ngà voi và 142kg sừng tê giác.

Trên thị trường, ngà voi có giá từ 30-35 triệu đồng/kg, sừng tê giác có giá từ 30-40 triệu đồng/lạng. Theo tính toán thì tổng giá trị lô hàng trên gần 100 tỷ đồng...

Ngoài chiến công trên, hàng loạt chuyên án, chiến công xuất sắc khác đã được các chiến sĩ Cảnh sát C74 xác lập, khám phá như chuyên án trinh sát 615P chặt đứt đường dây vận chuyển, buôn lậu thuốc lá ngoại từ Campuchia về Việt Nam, thu giữ 20.800 bao thuốc lá ngoại các loại; vụ án bắt giữ 4.200 tấn than trị giá 5,5 tỷ đồng tại bến Đoan, tỉnh Quảng Ninh của tàu biển có số hiệu QN 5224; vụ phát hiện, thu giữ 95,54kg ngà voi và 4,74kg sừng tê giác của 2 đối tượng Phạm Văn Luật, Vũ Thanh Hưng vận chuyển từ nước Cộng hòa Congo đến Ethiopia qua Hàn Quốc rồi đến sân bay quốc tế Nội Bài trị giá hàng hóa trên 5 tỷ đồng…

Cán bộ chiến sĩ Cục C74 khám phá buôn lậu ngà voi cực "khủng" qua cảng Tiên Sa, Đà Nẵng.

Ngay sau lễ ra mắt thành lập đơn vị tại Hà Nội, chỉ trong hơn 1 năm qua, những chiến sĩ Cảnh sát C74 đã phát hiện, bắt giữ 123 vụ buôn lậu, tăng 30,8% so với cùng kỳ; tổng giá trị hàng hóa vi phạm khoảng 568 tỷ đồng. Trong đó chuyển cơ quan chức năng khởi tố hình sự 11 vụ, xử lý hành chính 100 vụ, đang tiếp tục xác minh, chờ xử lý 12 vụ.

Tâm sự với chúng tôi, Thiếu tướng Ngô Kiên phấn khởi cho biết: Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Tổ chức Cơ quan Điều tra Hình sự (hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016). Tại Khoản 1, Điều 18 quy định về tổ chức bộ máy của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an, trong đó có Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, xâm phạm sở hữu trí tuệ (gọi tắt là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu).

Kể từ ngày 1-7-2016, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm buôn lậu sẽ đổi tên thành Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu thuộc hệ thống Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an. Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn Cơ quan Điều tra của C74 được thực hiện theo Điều 19 Luật Tổ chức Cơ quan Điều tra Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. 

Thiếu tướng Ngô Kiên chia sẻ, khám phá những chuyên án trọng điểm, triệt phá các băng nhóm tội phạm buôn lậu có tổ chức lớn xuyên quốc gia, cán bộ, chiến sĩ C74 mong mỏi được góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bình yên hạnh phúc của nhân dân, xứng đáng với danh hiệu  “Quả đấm thép” chống tội phạm buôn lậu.

Việt Hưng
.
.