Tập trung phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn
- Lãnh đạo Bộ Công an kiểm tra công tác ứng trực tại Cục Cảnh sát PCCC và CNCH
- Thứ trưởng Lê Quốc Hùng làm việc với Cục Cảnh sát PCCC và CNCH
- Cục Cảnh sát PCCC tập huấn nâng cao nhận thức trách nhiệm trong công tác PCCC
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ; đại diện Ban giám đốc Công an các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành ở địa phương...
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng với các đại biểu dự hội nghị. |
Theo thống kê, trong 3 năm gần đây (2018-2020), cả nước đã xảy ra 10.930 vụ cháy (tăng 28,2%); làm chết 235 người, bị thương 508 người; gây thiệt hại về tài sản ước tính hơn 4.900 tỷ đồng và gần 31.000 ha rừng (tăng 3,9%)...
Cháy lớn chủ yếu xảy ra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy như cơ sở sản xuất, chế biến gỗ; cơ sở da giầy, dệt may; kho bãi hàng hóa, vật tư; cơ sở sản xuất bao bì, mút xốp; chợ; cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất… Ngoài ra, các vụ cháy lớn xảy ra thường cách xa trụ sở đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH quản lý (25 vụ), nên lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thường mất nhiều thời gian để di chuyển trên đường, dẫn đến đám cháy phát triển tự do gây cháy lan, cháy lớn.
Về nguyên nhân xảy ra cháy: Chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm 65,2%; do sự cố kỹ thuật thiết bị, máy móc chiếm 4,2%; do bất cẩn trong hàn cắt kim loại chiếm 2,5%; do tự cháy chiếm 1,7%; do vi phạm quy định về PCCC trong sử dụng điện chiếm 1,7%; do đốt chiếm 0,85% và 18,6% đang điều tra, chưa rõ nguyên nhân.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đề cập những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp trọng tâm phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng trong thời gian tới...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục đánh giá cụ thể, sâu sắc tình hình, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC.
Trước hết, tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác PCCC và CNCH. Rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực PCCC và CNCH; phối hợp đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến công tác PCCC...
Liên quan đến công tác truyền thông về PCCC, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị Công an các đơn vị, địa phương tham mưu UBND các cấp chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông trong và ngoài lực lượng CAND phối hợp lực lượng Công an, Cảnh sát PCCC và CNCH đẩy mạnh tuyên truyền an toàn PCCC.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng với các đại biểu tham dự hội nghị. |
"Nội dung tuyên truyền cần cô đọng, ngắn gọn, dễ hiểu, hết sức thiết thực, có clip minh họa. Tập trung vào các kiến thức an toàn trong sử dụng điện, gas, hóa chất, các giải pháp thoát hiểm, thoát nạn. Nghiên cứu khung giờ phát trên báo đài địa phương bảo đảm phù hợp, giúp người dân dễ nhớ, phổ biến các kỹ năng nhằm nâng cao khả năng sinh tồn của con người khi xảy ra các sự cố..." - đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cũng chỉ rõ việc tham mưu cho UBND các cấp thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về PCCC; bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ PCCC và CNCH cho Chủ tịch UBND cấp xã và lực lượng Công an xã. Đồng thời, thông qua hội nghị này chính thức phát động đợt cao điểm PCCC và CNCH về tận xã, lấy cấp xã làm đối tượng chính (từ 15/4 - 15/10/2021).
Trong đó, lực lượng Cảnh sát khu vực, Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp với ngành Điện lực, các tổ chức đoàn thể, khu dân cư, lực lượng dân phòng "đi từng ngõ, gõ từng nhà", vào từng nơi kiểm tra an toàn PCCC và CNCH, chỉ ra sai phạm, lập biên bản xử lý và đề nghị điều chỉnh; ưu tiên những nhà có nguy cơ cháy nổ, không có lối thoát nạn thứ hai.
Đồng chí Thứ trưởng đề nghị Văn phòng Cơ quan CSĐT phối hợp với Cục Cảnh sát PCCC và CNCH và các đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về khám nghiệm, điều tra xử lý các vụ cháy nổ. Đồng thời xem xét trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về PCCC để xảy ra cháy lớn, cháy đặc biệt nghiêm trọng.
Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương xây dựng các phương án PCCC, CNCH lớn, cần huy động nhiều lực lượng, phương tiện liên ngành, liên vùng, liên địa phương, liên tuyến tham gia. Đẩy mạnh các công tác nghiệp vụ chuyên ngành của lực lượng Cảnh sát PCCC; áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật trong phòng ngừa, cảnh báo sớm.