Phát triển an ninh cơ sở nhờ Công an chính quy về xã
- Khi Công an chính quy về xã
- Phát triển an ninh cơ sở nhờ Công an chính quy về xã
- Lào Cai hoàn thành đề án đưa Công an chính quy về xã trong quý 3/2020
Những chuyển biến tích cực
Nằm ở vùng miền núi Tây Bắc Bộ, Điện Biên là nơi trọng điểm về an ninh với vị thế ngã ba biên giới: Phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; phía Tây và Tây Nam giáp Lào. Tuy nhiên, từ khi triển khai Công an chính quy xuống xã, tình hình an ninh trật tự (ANTT) đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, Đại tá Tráng A Tủa cho hay, ngay trong quý 1-2020, Công an tỉnh Điện Biên đã thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an về bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã và sớm hoàn thành việc bố trí cán bộ Công an chính quy tại 100% các xã, bảo đảm cả số lượng và yêu cầu chất lượng.
Cụ thể, theo thống kê, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật được kiềm chế, làm giảm so với năm 2019 như: Tội phạm về trật tự xã hội (TTXH) giảm 14,7%; tai nạn giao thông giảm 46,7%. Riêng tội phạm về ma túy phát hiện, bắt giữ 383 vụ, 432 đối tượng (tăng 90 vụ so với cùng kỳ năm 2019), điển hình nhất là vụ Công an xã Hua Thanh, huyện Điện Biên trực tiếp phát hiện, bắt quả tang 2 đối tượng mua bán trái phép 20 bánh heroin; Công an xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ trực tiếp phát hiện, bắt quả tang 1 đối tượng, thu giữ 6kg thuốc phiện hồi tháng 8.
Địa hình tỉnh Điện Biên đi lại khó khăn nên ở nhiều bản, xã, CBCS Công an phải đi bộ nhiều cây số đến gặp dân. |
Đồng thời, lực lượng Công an xã chính quy cũng phát hiện, tham gia giải quyết ổn định 8/8 vụ tranh chấp, khiếu kiện, từ đó tham mưu cấp ủy, chính quyền cơ sở giải quyết dứt điểm không để phát sinh "điểm nóng" phức tạp về ANTT, làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, đấu tranh hiệu quả các loại tội phạm (tiếp nhận, xử lý 251 tin báo về ANTT trong đó có 16 vụ việc liên quan đến an ninh chính trị, 235 vụ việc về trật tự an toàn xã hội; đưa ra kiểm điểm trước dân 63 đối tượng; lập hồ sơ đưa 46 đối tượng đi cơ sở giáo dục bắt buộc, 30 người nghiện đi cơ sở cai nghiện bắt buộc, 5 trường hợp đi trường giáo dưỡng; giáo dục tại xã 143 người; bắt 18 đối tượng truy nã; vận động nhân dân giao nộp 456 khẩu súng các loại…).
Chưa hết, công tác quản lý cư trú, quản lý dân cư cũng tốt hơn, chặt chẽ hơn nhất là trong thời gian diễn ra dịch COVID-19. Công an xã chính quy chính là lực lượng tuyến đầu trực tiếp làm công tác rà soát, phát hiện hơn 10.000 người đến từ hoặc đi qua vùng dịch, người nhập cảnh trái phép về địa bàn để phối hợp với lực lượng y tế cùng cấp đưa đi cách ly theo quy định.
Ngoài ra, lực lượng Công an chính quy xã đã phát huy tốt, có chất lượng trong công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các xã về việc nâng cao ANTT; hỗ trợ xã đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án trọng điểm về phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: Đề án 79 về sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé; chương trình 30a, 135, Chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; kế hoạch triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an về hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo huyện Mường Nhé...
“Lực lượng Công an xã là chủ công trong việc rà soát các đối tượng nghèo phù hợp với những chương trình hỗ trợ trên và còn tham gia trong quá trình xây dựng 1.149 căn nhà theo chương trình làm nhà cho người nghèo của Bộ Công an. Đồng thời, Công an xã còn tham gia giúp bà con chuyển đổi kinh tế, phát triển chăn nuôi, tăng gia sản xuất”, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên chia sẻ.
Thiết thực với người dân
Tâm sự về cuộc sống của người dân trong thôn bản từ khi Công an chính quy được đưa về xã, chị Lý Thị Dủ, SN 1977, ở bản Huổi Khon 1, xã Nậm Kè - người từng bị lừa bán sang Trung Quốc năm 2015 nhưng may mắn được lực lượng Công an giải cứu trước khi qua biên giới cho biết, hiện tại, chị yên tâm lắm, không sợ bị bọn xấu dụ dỗ hoặc bắt đi nữa vì ở bản đã có Công an xã đảm bảo an ninh trật tự. Bản thân chị thì giờ chỉ chuyên tâm làm ăn cùng chồng và nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp, có gì không hiểu hoặc chưa biết, gia đình chị có thể tìm đến cán bộ Công an để xin lời khuyên đúng.
Còn ông Hù Văn Đào, người dân tộc Cống ở bản Nậm Kè và là Chủ tịch Hội nông dân xã Nậm Kè đánh giá: “Trước đây, khi chưa có Công an chính quy về xã thì trình độ của Công an bán chuyên trách ở xã còn hạn chế, chưa tuyên truyền được tốt và thường xuyên cho dân về chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Nhưng trong gần 6 tháng qua, khi Công an chính quy được đồng loạt đưa về xã, các Trưởng, Phó Công an xã và Công an xã viên đã tiếp xúc nhiều hơn với người dân, chịu khó đi cơ sở để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân, từ đó bà con cũng rất phấn khởi, yên tâm hơn trong lao động sản xuất. Như với bản Nậm Kè tôi đang ở, Công an xã đã tuyên truyền cho dân biết rõ hơn pháp luật và giúp dân có thêm nhiều hiểu biết về kinh tế xã hội. Cái được nhất, như tôi thấy đó là sự tin tưởng của người dân”.
Cũng theo lời ông Hù Văn Đào, Trưởng Công an xã Nậm Kè, Thiếu tá Lý A Tung là một người đã gắn bó với công tác công an xã hơn 14 năm nên thực sự hiểu dân và được người dân trong xã mến thương. Bất chấp mọi thời tiết, Thiếu tá Lý A Tung luôn có mặt khi dân cần và được coi là “nhà tư vấn” của người dân trong hầu hết mọi lĩnh vực từ tăng gia sản xuất đến chuyện tình cảm riêng hoặc mâu thuẫn gia đình.
Khi được hỏi về công việc đã gắn bó trong suốt quãng đời thanh niên, Thiếu tá Lý A Tung cười hiền bảo chúng tôi: “Tôi là trẻ mồ côi nên tôi thấu hiểu nỗi cô đơn và sự vất vả trong cuộc sống. Tôi chỉ mong người dân luôn có một cuộc sống yên bình, gia đình hoà thuận. Cái chính là mình phải sống thật với dân, thực sự hiểu và yêu thương họ thì dân cũng không phụ lòng mình. Với tôi, việc người dân tình nguyện tham gia đảm bảo ANTT và tích cực tố giác tội phạm, không di cư tự do và không nghe lời kẻ xấu lôi kéo, xúi giục tham gia hoạt động lập “Nhà nước HMông” như trước là điều hạnh phúc nhất”.
Trao đổi thêm với chúng tôi sau khi vừa có chuyến thực tế kiểm tra công tác của lực lượng Công an xã trên toàn tỉnh, Đại tá Vũ Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết: “Việc triển khai Công an chính quy về xã tại Điện Biên tuy gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã hoàn thành và thực hiện thêm được nhiều đầu việc khác như: Cung cấp phương tiện (xe máy), các trang thiết bị khác cho Công an xã như máy vi tính, máy in... Mỗi xã đều được trang bị 1 xe máy. Chúng tôi cũng ưu tiên bố trí cán bộ xã thuộc dân tộc nào thì bố trí làm việc tại vùng của dân tộc đó. Các cán bộ chiến sĩ Công an về xã đều biết tiếng dân tộc và hàng năm, Công an tỉnh cũng mở các lớp đào tạo, tăng cường tiếng dân tộc”.
Được biết, trong thời gian tới, Công an tỉnh Điện Biên cũng có kế hoạch tập huấn thêm cho lực lượng Công an xã về kinh nghiệm và cách thức làm việc với người dân. Các đợt tập huấn sau này theo chuyên đề, lĩnh vực, nghĩa là Công an tỉnh sẽ cử người xuống tận xã hỗ trợ Công an xã từng phần việc chuyên môn, tập huấn trên thực tế công việc chứ không chỉ là những bài học lý thuyết.