Ngày làm việc của đơn vị luôn đối mặt với dịch COVID-19

Thứ Sáu, 13/03/2020, 19:30
Sự lây lan, khó kiểm soát từ nhiều người nước ngoài ở các quốc gia có dịch nhập cảnh vào Việt Nam khiến trách nhiệm và việc kiểm soát của cán bộ làm nhiệm vụ nơi đây càng thêm vất vả.


Những ngày này, chuyến bay đến ít hơn, lượng hành khách nhập cảnh vào Việt Nam cũng giảm nhiều do hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải khai báo y tế bắt buộc nhưng không vì thế mà áp lực đối với cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Công an CKCHKQT Nội Bài) - đơn vị tuyến đầu đối mặt với dịch COVID-19 giảm đi... 

Từ ngày 7-3, tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải khai báo y tế bắt buộc. Vậy nên ngoài sự hỗ trợ của đội kiểm dịch y tế quốc tế, khối lượng công việc của CBCS Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài nhân lên gấp đôi, ngoài kiểm soát giấy tờ theo chức năng của lực lượng xuất, nhập cảnh, họ còn phải kiểm soát tờ khai y tế...

Tờ khai kiểm dịch y tế với đầy đủ ngôn ngữ các nước, thuận tiện cho hành khách khai báo.
Hành khách nước ngoài có người ý thức được mức độ nghiêm trọng sự lây lan COVID-19 song cũng có những người còn chủ quan, coi thường, chưa tự bảo vệ mình và những người xung quanh.

Máy đo thân nhiệt giám sát hiện đại là trang thiết bị không thể thiếu ở các sân bay vào thời điểm này.
Khu vực cách ly y tế riêng biệt được khử khuẩn thường xuyên dành cho du khách có dấu hiệu nhiễm dịch hoặc di chuyển từ vùng dịch đến…
Với lưu lượng hành khách vào ngày bình thường từ 18-20 nghìn người, áp lực của cán bộ đơn vị càng thêm nặng nề. Cho đến bây giờ, cán bộ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài vẫn còn nhớ lần cách ly đoàn khách đầu tiên từ vùng dịch về Việt Nam. Trong 2 ngày 25 và 26-2, các công dân Việt Nam và hành khách nước ngoài đều phải đưa đi cách ly tập trung. Chỉ tính riêng ngày 26-2, có tới hơn 1.000 hành khách...
Hộ chiếu, vé máy bay và tờ khai y tế là những thứ bắt buộc.
Bàn tay đeo găng, khuôn mặt được che kín bởi các tấm khẩu trang y tế, cán bộ Công an CKCHKQT Nội Bài tỉ mỉ lật từng trang hộ chiếu kiểm tra, nhằm xác định hành khách có đến từ vùng dịch hay không.
Trong khi đó, số CSCS tiếp xúc với hành khách dạng F2, F3 khá nhiều. Bởi thế, việc đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sỹ trong thời gian làm việc vẫn là nỗi lo lắng của lãnh đạo đơn vị.
Đến thời điểm này, dịch COVID-19 đến nay đã lan rộng ra hơn 100 quốc gia trên thế giới và sẽ tiếp tục lan rộng đến các quốc gia với mức độ nghiêm trọng..., thách thức và khó khăn cho Cục quản lý xuất, nhập cảnh trong việc rà soát, xét duyệt công tác quản lý cư trú xuất nhập còn nhiều...
Tờ khai y tế của hành khách phải có xác nhận đã kiểm tra của kiểm dịch y tế mới đúng quy định.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhập cảnh thuận tiện vào Việt Nam, tại mỗi bàn kiểm soát đều có biển hướng dẫn, nêu rõ các loại giấy tờ hành khách cần cầm theo xuất trình.
Trước đó, từ thời điểm 0h ngày 25-1, tức là vào đêm giao thừa, đơn vị đã phối hợp với lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch..., cùng với trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn, găng tay bắt buộc phải sử dụng còn tổ chức tuyên truyền để CBCS ý thức được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, từ đó chủ động phòng ngừa. 
Theo Đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, đơn vị không chỉ ở các cửa khẩu, cảng hàng không, tại bộ phận tiếp dân, nhiều cán bộ cũng đã và đang phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao.
Ngoài phát tờ rơi, các pano, áp phích phòng chống dịch ở khắp mọi nơi tại sân bay với nhiều ngôn ngữ đa dạng nhằm tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tới tất cả người dân trong và ngoài nước.

X.Mai - X.Trường
.
.