Nỗ lực đảm bảo an toàn giao thông đường thủy tại ĐBSCL trong mùa nước nổi

Thứ Năm, 23/08/2018, 08:48
Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong mùa nước nổi tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Công an các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long đã triển khai các phương án nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; ứng phó kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống, theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tại tỉnh An Giang, từ tháng 3-2018, Phòng CSGT đường thủy và Phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ Công an tỉnh đã triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động nhân dân tham gia ANTT, ATGT năm 2018. 

Trong đó, chú trọng vào ATGT đường thủy với hình thức tuyên truyền miệng, kết hợp sử dụng máy chiếu, phóng sự, hình ảnh liên quan. Theo kế hoạch tính đến hiện tại, Công an tỉnh An Giang đã thực hiện trên 100 cuộc tuyên truyền. Đồng thời, triển khai kế hoạch đến Công an các huyện, thị xã đầu nguồn cùng thực hiện.

Vào đầu tháng 8, do mực nước trên địa bàn huyện An Phú (An Giang) dâng cao bất ngờ, khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu của bà con vùng ngoài đê bao bị ngập sâu trong nước. Để giúp người dân giảm thiệt hại đến mức thấp nhất, Công an huyện đã cử 36 lượt CBCS phối hợp cùng Quân đội, Dân quân tự vệ… cùng nhau ra đồng, trầm mình trong nước giúp dân gặt lúa, thu hoạch hoa màu cho bà con.

Công an xã Phú Hội (huyện An Phú, tỉnh An Giang) ra tận đồng, tuyên truyền tận ghe cho bà con vùng biên giới.

Thượng tá Hồ Văn Tấn, Phó trưởng Công an huyện An Phú (An Giang) cho biết: “Căn cứ tình hình thực tế và thời tiết diễn biến phức tạp trong mùa mưa, lũ năm nay. Đơn vị đã tổ chức, phân công CBCS CSGT đường thủy tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kết hợp tuyên truyền tại 28 bến khách ngang sông (trong đó có 3 bến giáp với biên giới Campuchia, 20 bến nội huyện, 5 bến liên huyện).

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ cơ quan báo, đài địa phương và ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người tham gia giao thông nắm rõ các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, vận động bà con không chở hàng quá tải trọng cho phép, luôn mang theo áo phao, dụng cụ nổi trên ghe, tàu khi tham gia lưu thông…”.

Nội dung tuyên truyền chủ yếu xoay quanh việc vận động người dân không qua biên giới Campuchia đánh bắt thủy sản trái pháp luật. Không sử dụng xung, xiệt điện để đánh bắt, tận diệt nguồn lợi thủy sản. Tuyên truyền người dân mang theo áo phao, can nhựa, vật nổi khi ra đồng. Hướng dẫn bà con cách tìm nơi trú, neo đậu tàu, ghe an toàn khi có giông, lốc, mưa, bão. Nhắc nhở bà con phải có ý thức tự bảo vệ tài sản như: ngư cụ đánh bắt, bình ắc quy, máy xăng,… vì có nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự mất cảnh giác của bà con trong mùa mưa lũ để thực hiện hành vi trộm, cắp tài sản. 

Công an các huyện trên địa bàn An Giang, Đồng Tháp cũng đã lập phương án chủ động phòng tránh nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân sinh sống vùng trũng, thấp, có nguy cơ sạt lở cao. Tuyên truyền, nhắc nhở các bậc cha mẹ quan tâm quản lý con cái, tránh sơ suất dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Tổ chức đưa đón học sinh tại các vùng ngập sâu. Phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai các điểm giữ trẻ, các chốt cứu hộ, cứu nạn ở các khu vực nước lũ chảy xiết nhằm kiểm soát, hướng dẫn giao thông cũng như tổ chức trực ban 24/24 giờ trong các đợt mưa lớn, lũ, bão để theo dõi, nắm bắt tình hình và kịp thời ứng cứu khi sự cố xấu xảy ra...

Địa bàn huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) có hệ thống sông ngòi chằng chịt, hàng ngày nhu cầu đi lại làm ăn của bà con trên các bến đò ngang rất lớn. Hiện tại toàn huyện có 28 đầu bến khách ngang sông, 55 phương tiện thuỷ, để hạn chế đến mức thấp nhất tình hình tại nạn đường thuỷ trong mùa nước, ngay từ đầu mùa nước Công an huyện đã tham mưu UBND huyện Hồng Ngự thành lập mô hình: “Tuyên truyền loa phát thanh trên bến khách ngang sông” vào tháng 6-2018. Tính đến nay đã lắp đặt 29 bộ loa trên 22 phương tiện thuỷ chở khách ngang sông và 5 bến chờ. Mỗi ngày loa tuyên truyền phát 3 buổi.

Tại các buổi tuyên truyền cho người dân, Trung tá Võ Văn Mười, Phó Trưởng Trạm CSGT đường thuỷ Hồng Ngự - Phòng CSGT đường thuỷ Công an tỉnh Đồng Tháp đưa ra khuyến cáo: “Bà con đi trên phương tiện thuỷ tránh đi vào ngã ba, ngã tư khi mưa to gió lớn. Trong quá trình điều khiển phương tiện bà con tránh quay, trở phương tiện đột ngột, đây cũng là nguy cơ dẫn đến TNGT, chở số người, hàng đúng quy định mà cơ quan chức năng cho phép để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác, tài sản”.

Văn Đức – Trần Lĩnh
.
.