Những tình cảm sâu đậm dành cho mẹ - người chiến sĩ Công an

Thứ Bảy, 02/06/2018, 09:15
Giọng văn hồn nhiên, trong trẻo, nét vẽ ngây thơ nhưng tràn đầy tinh tế là câu chuyện mà các em kể về công việc của mẹ - người chiến sĩ Công an qua hơn 600 tác phẩm ở vòng chung kết cuộc thi Viết – Vẽ với chủ đề “Con yêu mẹ - Chiến sĩ Công an”.


Những tác phẩm đạt giải nhất (ở 3 lứa tuổi từ 4 đến 15) đã chinh phục trái tim Ban giám khảo (BGK) không chỉ bởi sự rung động về nét bút, giọng văn, mà còn bởi tình yêu sâu đậm của các em dành cho mẹ một cách chân thực, tự nhiên. Cuộc thi lần đầu tiên được Hội Phụ nữ Bộ Công an tổ chức và trao giải vào ngày 9-6 tại Quảng Bình.

Hình ảnh người mẹ mặc quân phục xanh cõng học sinh đi trong mưa lũ - một thảm họa thiên tai thường xuất hiện ở miền Trung quê hương em, bên cạnh đó là các đồng đội của mẹ đang cứu nạn, di dân ra khỏi vùng ngập lụt đã để lại ấn tượng mạnh trong tôi. 

“Mẹ với miền Trung” của em Nguyễn Lê Hồng Anh, 7 tuổi (con mẹ Lê Hồng Nhung, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế) là bức họa mà BGK đánh giá cao không chỉ bởi năng khiếu hội họa mà còn bởi thông điệp truyền tải sâu sắc từ công việc của mẹ em – người chiến sĩ Công an. 

Những tác phẩm vẽ đều thể hiện tình mẹ con tha thiết, toát lên chủ đề “đây là tranh con yêu mẹ”. Từ hình ảnh Lũng Cú (Hà Giang) – nơi địa đầu biên giới phía Bắc của Tổ quốc, đến Đồng Tháp Mười, Cần Thơ, Kiên Giang miền Nam xa xôi hay Huế, Đà Nẵng, miền Trung ruột thịt… được tái hiện trong các bức vẽ của các em đã minh chứng sự hiệu quả và sức lan tỏa sâu, rộng của cuộc thi. 

Những bức tranh thể hiện tình yêu sâu sắc của các em với mẹ.

Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú, ủy viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên BGK đánh giá các em có trái tim và tâm hồn nghệ sĩ, nên tranh của các em cuốn hút và lay động người xem. Ngoài sử dụng mầu sáp, có em còn cắt dán giấy hoặc dùng vải khô, hoa khô ghép thành bức tranh rất đẹp về mẹ. Bố cục rộn ràng, vui tươi chứ không buồn tẻ, mầu sắc bừng lên một tương lai sáng.

Trong gần 354 tác phẩm vẽ lọt vào vòng chung kết thì có 180 tác phẩm đoạt giải, trong đó có 15 giải A ở cả 3 lứa tuổi. Hai tác phẩm giải A là “Mẹ và đồng đội” của em Trần Viết Quang, 11 tuổi (Nghệ An) khắc họa khung cảnh mẹ cùng đồng đội cứu dân chạy lũ, bế em bé trên tay và “Ngày con ốm” của Lê Hoàng Linh, 9 tuổi (Thừa Thiên-Huế) đã gây ấn tượng mạnh. 

“Tôi xúc động vì các em không chỉ gửi gắm ước mơ mà có cái nhìn về mẹ như một thần tượng. Tình cảm của con và mẹ, mẹ và con đã in sâu trong con, nhiều em nguyện sau này nối bước theo nghề của mẹ dù biết rằng nghề Công an rất khó khăn, gian khổ, có thể hy sinh bất cứ lúc nào nhưng con vẫn nguyện theo nghề của mẹ”- họa sĩ Nguyễn Đăng Phú chia sẻ.

Là giám khảo chấm các tác phẩm viết, TS Lê Thị Bích Hồng, giảng viên cao cấp Trường ĐH Sân khấu điện ảnh cho biết, chị ấn tượng sâu sắc với góc nhìn về mẹ của các em. Chị đã rơi nước mắt khi đọc tác phẩm của một em kể về cơn bão đến, cô giáo báo tin cả lớp được nghỉ học. Trong khi các bạn được bố mẹ đến đón  thì em lại ngồi buồn xo vì mẹ không đến kịp (lúc này mẹ em đang phải căng mình làm nhiệm vụ trong mưa bão). Tủi thân em ngồi khóc, nghĩ rằng mẹ không thương mình, mẹ đã dành hết thời gian cho công việc. Em mong ước có một ngày mẹ thảnh thơi để cho em đi chơi công viên, đón em mỗi lúc tan trường… Câu chuyện càng về cuối càng xúc động khi em đã hiểu ra mẹ yêu em vô cùng, càng hiểu và tự hào hơn về mẹ, về những hy sinh của mẹ cho sự bình yên của nhân dân. 

Trong 263 bài thi viết thì có 168 tác phẩm đoạt giải, trong đó có 30 giải A. Theo TS Lê Thị Bích Hồng thì đây đều là những tác phẩm xuất sắc. Theo chị thành công của cuộc thi là đã khơi được kênh cảm xúc của người con trong gia đình với mẹ của mình. Phần lớn các tác phẩm đều giầu cảm xúc, mỗi tác phẩm là câu chuyện, cảnh đời, số phận được viết bằng sự quan sát tươi trẻ, bằng suy nghĩ trong trẻo của các em có mẹ là chiến sĩ Công an. Thông qua cuộc thi để các con hiểu về mẹ của mình, có điều kiện bày tỏ sự biết ơn công lao to lớn của mẹ… 

Còn theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Viện trưởng Viện Lịch sử Công an, Trưởng BGK cuộc thi thì các em viết, vẽ tôn vinh mẹ một cách hồn nhiên, trong trẻo, là tình cảm thật của các em và không ai có thể làm thay được.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái cho biết, trong quá trình chấm, ấn tượng của BGK là các em vẽ và viết rất thật thà, trong trẻo. Viết về mẹ đầy yêu thương, biết ơn công ơn của mẹ. Vẽ mẹ của mình từ trong bếp đến truy bắt tội phạm. Mỗi người mẹ tái hiện trên nhiều bức tranh khác nhau trên nhiều lĩnh vực. Có những em còn “chê” mẹ, không phải chê về hình thức mà em bị mẹ đập vào mông, em giận mẹ. 

Có em ở Hải Phòng trong bài viết chỉ có mẹ và em, mẹ vừa là người cha, vừa là chị, là anh của em. Hai mẹ con cùng đi thi Cảnh sát khu vực giỏi, em cũng là một nhân vật, mẹ cũng là một nhân vật và tiết mục của hai mẹ con đoạt giải nhất. Có em đi theo mẹ trao từ thiện cho trẻ em ở vùng sâu. Em rất tự hào vì được trao những đồng tiền tiết kiệm hay những quyển sách của mình cho các bạn ở miền núi. Lúc đó các em chỉ có suy nghĩ rằng, à tại sao cùng một bố mẹ, cùng dưới một mảnh trời mà mình lại sướng hơn các bạn ở miền núi.

“Qua cuộc thi mỗi gia đình chiến sĩ Công an là một bức tường thành để giáo dục các em ngăn chặn tội phạm từ xa. Đây cũng là cuộc phát động phong trào quần chúng BVANTQ, chính các em là một chiến sĩ Công an trong tương lai, là bức tường vô hình chống lại sự xâm hại và tội phạm. Đây chính là sự thành công của cuộc thi” – Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái nhấn mạnh.

Theo Đại tá Ngô Hoài Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Công an thì cuộc thi được phát động vào tháng 7-2017 và nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực và tổ chức thi ở Công an các tỉnh, thành phố, Cảnh sát PCCC trên cả nước. Tham gia cấp Bộ có 354 tác phẩm tranh và 263 bài viết từ 77 Công an các đơn vị, địa phương ở các nhóm lứa tuổi 4-15. Có đơn vị 100% tác phẩm dự thi đều đạt giải như Công an các tỉnh: Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Đắk Lắk, Hòa Bình, Hải Phòng.
Trần Hằng
.
.