Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021):

Những chiến sĩ Công an làm báo

Thứ Tư, 16/06/2021, 08:53
Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi xin được một lần nói về những người đồng đội làm báo không chuyên trong lực lượng Công an. Những người đã dành trí tuệ, tài năng, sự sáng tạo và niềm đam mê cháy bỏng cho nghiệp viết.

Suốt quá trình công tác và cống hiến, họ đã nhận được nhiều tấm huy chương, nhiều giải thưởng báo chí cao quí, hơn thế nữa họ đã được lãnh đạo, độc giả và đồng đội ghi nhận. Nhưng tất cả những điều đó vẫn chưa đủ để một lần họ tự tin nhận mình là nhà báo!

Mỗi khi nghe ai nói mình là nhà báo thì các đồng chí trong đội tuyên truyền lại ngần ngại phân trần không dám thừa nhận cái tên gọi ấy, mặc dù trong suốt những năm qua các anh đã làm công việc của những phóng viên thực thụ. Các anh luôn nghĩ mình chỉ là những chiến sĩ Công an làm báo chứ không phải là nhà báo như mọi người vẫn thường gọi. 

Câu nói của đồng chí Nguyễn Cảnh Toàn, Đội phó Đội Tuyên truyền, Thi đua-khen thưởng Phòng Công tác Đảng, công tác chính trị Công an tỉnh Yên Bái, người có thâm niên gần 20 năm làm công tác báo chí đã cho tôi hiểu thêm những ngần ngại băn khoăn ấy: “Chúng tôi đâu dám nhận mình là nhà báo, bởi tổ Tuyên truyền có 5 người thì chỉ có 2 đồng chí được đào tạo về chuyên ngành báo chí, còn lại chúng tôi đều là những cán bộ được đào tạo từ những ngành học khác. Do đam mê nghề viết và có chút năng khiếu nên đã được phân công về làm công tác báo chí. Thế rồi qua quá trình công tác, nghiệp viết như đã vận vào thân, không cầm bút là không chịu được, thấy sự kiện vấn đề mà không  ghi lại và  phản ánh kịp thời là mất ăn, mất ngủ. Làm báo trong lực lượng Công an, chúng tôi được sống, được nhìn và cảm nhận sâu sắc những nỗi vất vả, gian truân, sự hy sinh dũng cảm, can trường của những người đồng chí, đồng đội. Nhiều chuyên án quan trọng chúng tôi đã được đồng hành từ khi bắt đầu cho đến khi khép lại hồ sơ. Nhiều đêm cùng đồng đội làm án thức trắng trên rừng để theo dõi và truy lùng dấu vết của tội phạm mà đồ ăn chỉ là những gói mì tôm sống, chiếc bánh mì…Vậy mà chúng tôi vẫn vác máy trèo đèo, lội suối  ghi lại những chi tiết, những khoảnh khắc về đối tượng để làm tài liệu, chứng cứ có giá trị phục vụ cho công tác điều tra. Đó chính là những kỷ niệm, là vốn sống, là những bài học vô giá về đạo đức của người làm báo mà trong quá trình công tác chúng tôi có được”.

Cán bộ Đội Tuyên truyền, Công an tỉnh Yên Bái trong một lần tác nghiệp.

Nói như đồng chí Nguyễn Cảnh Toàn, thì đó là một cách nói hết sức khiêm tốn. Bản thân các đồng chí trong Đội Tuyên truyền chưa bao giờ dám nhận mình là nhà báo, nhưng những giải thưởng cao quí được viết bằng trí tuệ, mồ hôi, sự đam mê, chắt chiu từng con chữ, khuôn hình để làm nên những tác phẩm báo chí dành giải xuất sắc và được đánh giá cao như: Huy chương Vàng dành cho phóng sự “Ai cấp chứng chỉ rừng nguyên sinh” tại Liên hoan phim truyền hình CAND; Huy chương Vàng dành cho chuyên mục An ninh Yên Bái  tại Liên hoan phim truyền hình CAND. 

Giải Nhất toàn quốc cuộc thi viết về đề tài ANTT dành cho tác phẩm viết về gương người tốt việc tốt của tác giả Nguyễn Chí Dân; giải Nhì cuộc thi Báo chí viết về đề tài an ninh trật tự với tác phẩm “Cây Sa mu của bản” của tác giả Thu Hồng và mới đây nhất là huy chương Bạc dành cho chuyên mục "An ninh Yên Bái"; huy chương Bạc dành cho chuyên mục "Câu chuyện truyền thanh", với tác phẩm “Hú vía” tại Liên hoan phim truyền hình CAND năm 2019... 

Hơn thế nữa, mỗi tin, bài, tác phẩm báo chí của các anh luôn đạt đến giá trị định hướng  dư luận xã hội và có tác động tích cực đến nhận thức và hành động của người tiếp nhận, góp phần xây dựng xã hội phát triển đúng chuẩn mực.

Trong lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an tỉnh Yên Bái, tư liệu được lưu giữ để tuyên truyền có giá trị giáo dục truyền thống cao phải kể đến những tấm hình, thước phim tư liệu quý giá được ghi lại từ những vụ bắt gián điệp biệt kích Mỹ tại địa bàn xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên cách đây gần 40 năm. 

Đến nay, tư liệu ấy vẫn còn nguyên giá trị lịch sử về truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường của lực lượng An ninh nhân dân, Công an tỉnh Yên Bái. Vụ án bắt cóc con tin gây rúng động dư luận cả nước xảy ra năm 2003 tại cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng được các đồng chí trong Đội Tuyên truyền kịp thời ghi lại. 

Đó chính là hình ảnh quí giá, thể hiện chân thực, sinh động và chính xác tuyệt đối sự  mưu trí dũng cảm của những chiến sĩ Công an trong khoảnh khắc giành giật mạng sống cho cháu bé đang bị tên côn đồ hung hãn bắt cóc và uy hiếp.

Với quân số chỉ có 5 người, hằng tháng các anh phải thực hiện 2 chuyên mục “An ninh Yên Bái” với thời lượng phát sóng 20 phút trên đài PTTH tỉnh;  2 chuyên trang an ninh trật tự trên Báo Yên Bái; các tin bài phát sóng trên kênh NTV của Đài THVN. 

Áp lực về thời gian sản xuất chương trình và nhiều công việc khác của đơn vị luôn đè nặng trên vai của mỗi người trong đội. Các vụ án và những vấn đề cần được tuyên truyền  ngoài xã hội có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khi nhận mệnh lệnh chỉ đạo, hoặc nắm bắt được thông tin là các anh lại lập tức lên đường, tất cả nhằm tác nghiệp kịp thời, đảm bảo tính chính xác, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền và công tác nghiệp vụ của lực lượng. 

Đồng chí Đỗ Huy, Đội Tuyên truyền chia sẻ: “Chúng tôi có thể lên đường đi tác nghiệp bất cứ giờ nào. Có những đêm trời mưa tầm tã, gió lạnh cắt da, thịt chúng tôi vẫn ngồi mai phục cả đêm cùng những chiến sĩ trinh sát phòng, chống tội phạm ma tuý, tội phạm hình sự với mục đích ghi lại những tư liệu tuyên truyền và phục vụ cho việc điều tra khám phá án. Khó khăn gian khổ là vậy nhưng niềm vui lại được đong đầy mỗi khi quay được một khuôn hình chân thực, sinh động đảm bảo chất lượng báo chí cao”.    

Đánh giá đúng vai trò và năng lực của các đồng chí trong Đội Tuyên truyền, đồng chí Phạm Thị Hồng Vân, Phó Trưởng phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị Công an tỉnh cho biết, với vai trò của một đội luôn được coi là “mũi nhọn” trong các hoạt động công tác chính trị, cán bộ, chiến sĩ trong Đội Tuyên truyền luôn giữ đúng phẩm chất đạo đức và tư cách của người làm báo.

Trực tiếp đồng hành và chứng kiến công việc làm báo mà các đồng chí trong tổ tuyên truyền đã thực hiện trong suốt những năm qua, cùng với sự trân trọng, niềm tự hào, tôi luôn cảm thông với nỗi vất vả và những hiểm nguy mà các anh luôn phải đối mặt. 

Những thước phim, tấm hình và các thông tin, dấu vết mà các anh ghi lại tại hiện trường chính là tài liệu góp phần quan trọng để nhiều vụ án được điều tra phá án thành công. 

Sự tin tưởng của các đồng chí lãnh đạo đơn vị, sự ghi nhận của độc giả và những giải thưởng báo chí cao quí chính là nguồn động viên để các đồng chí làm công tác báo chí Công an tỉnh Yên Bái tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc hơn nữa nhiệm vụ của mình.

Nguyễn Thu Hồng
.
.