Những cán bộ quản giáo “đánh thức mầm thiện”

Thứ Năm, 28/03/2019, 10:53
23 năm công tác trong lực lượng CAND thì đã có hơn 18 năm, Trung tá Lê Văn Nâu đảm nhận vai trò là cán bộ quản giáo tại Trại tạm giam Công an tỉnh An Giang. Anh được đồng nghiệp và lãnh đạo đơn vị đánh giá là một người khéo léo trong việc tìm hiểu, nắm bắt tâm lý, dùng cái tâm và cái tình để giáo dục, cảm hóa phạm nhân.


Chia sẻ với PV Báo CAND về công việc cảm hóa những lầm lỗi, Trung tá Lê Văn Nâu cho biết, mỗi phạm nhân vào trại là một số phận, một tính cách khác nhau. “Có trường hợp phạm tội do vô ý, hoặc vì một phút nông nổi, bồng bột, cũng có không ít đối tượng lưu manh, hung hãn, xảo quyệt, tàn ác… Có người chưa học hết tiểu học, song có người là cử nhân, có đối tượng không công ăn việc làm, có người giàu có và cả cán bộ, công chức… 

Khi vào trại tạm giam, có người sợ hãi, có kẻ bất cần. Những hành vi hết sức phức tạp, bất thường là những biểu hiện thường ngày của các can phạm nhân. Người cán bộ quản giáo phải rất linh hoạt, thấu hiểu trong giáo dục, cải tạo can phạm phân. Điều quan trọng nhất là người quản giáo phải thực sự tôn trọng phạm nhân, coi phạm nhân là những người thân của mình. Có như vậy công việc giáo dục, cải tạo phạm nhân mới có hiệu quả”, anh  tâm sự.

Trung tá Lê Văn Nâu và Thiếu úy Trần Thị Hạnh trong một lần trao đổi với những người làm lỗi.

Cũng theo Trung tá Lê Văn Nâu, đối với những can phạm nhân có tư tưởng chống phá, người cán bộ quản giáo phải kiên trì, nhẫn nại vì phải thay đổi nhận thức lệch lạc của họ. “Từ giáo dục chung cho đến giáo dục riêng, thậm chí là tranh luận hàng giờ đồng hồ với can phạm nhân đó, để dần dà làm giảm tư tưởng lệch lạc, sai trái. Chúng tôi hay ví von đó là cách mưa dầm thấm lâu”, Trung tá Lê Văn Nâu chia sẻ.

Trong quá trình công tác, Trung tá Lê Văn Nâu không nhớ hết anh đã giáo dục, cảm hóa được bao nhiêu phạm nhân, giúp họ nhận ra giá trị thực của cuộc sống sau chuỗi ngày lầm lỗi. 

Theo anh, cái chính là phải làm chuyển biến rõ nhận thức của phạm nhân để họ thấy được sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước trong công tác thi hành án phạt tù, để từ đó có tư tưởng đúng đắn, yên tâm học tập, cải tạo. 

Trong chuyên môn, anh đặc biệt quan tâm đến công tác hướng nghiệp và thường xuyên phối hợp với các cơ sở dạy nghề cho can phạm nhân để sau khi được trở về với gia đình, họ có cái nghề ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, không tái phạm tội.

Là đồng nghiệp của Trung tá Lê Văn Nâu, Thiếu úy Trần Thị Hạnh – nữ cán bộ quản giáo về đảm nhận công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh An Giang từ năm 2014. 

“Ban đầu khi tiếp xúc với can phạm nhân, bản thân tôi rất bỡ ngỡ. Nhưng qua học tập từ kinh nghiệm của nhiều anh em đồng đội, giờ tôi không còn cảm giác sợ sệt mà thay vào đó là sự đồng cảm, thấu hiểu đối với mỗi phạm nhân. Khi cuộc sống của những người lầm lỡ chỉ quẩn quanh với bốn bức tường, những con người đó đang mất phương hướng thì người cán bộ quản giáo sẽ là điểm tựa tinh thần cho họ tìm về nẻo thiện”, Thiếu úy Trần Thị Hạnh chia sẻ.

Đồng nghiệp của Thiếu úy Trần Thị Hạnh cho biết, cách mà chị cảm hóa can phạm nhân nữ không dừng lại ở những công tác tư tưởng “chay”, mà ở đó là những chia sẻ giữa hai người phụ nữ với nhau...

Không chỉ riêng Trung tá Lê Văn Nâu hay Thiếu úy Trần Thị Hạnh, hầu hết những cán bộ làm công tác quản giáo luôn phải chịu nhiều thiệt thòi. Thiếu úy Trần Thị Hạnh bộc bạch rằng bao năm làm công tác quản giáo là bấy nhiêu năm chị “ăn Tết” tại trại tạm giam. 

Thường đêm 30 Tết là vất vả nhất, bởi khoảnh khắc giao thừa, tâm lý các can phạm nhân rất dễ bị xúc động nếu không kiềm chế được sẽ dẫn đến nổi loạn. Nhất là nghe tiếng pháo hoa, tiếng reo hò bên ngoài, nhiều đối tượng cũng phấn khích theo, làm mất trật tự. Lúc này, cán bộ quản giáo phải đến từng buồng giam để nhắc nhở, chia sẻ giải thích để họ hiểu, ổn định tâm lí. 

Đặc biệt là có những can phạm nhân chỉ bình tĩnh lại và nghe lời duy nhất một người cán bộ quản giáo. Nên dù không phải trong ca trực thì khi nhận thông báo, người cán bộ quản giáo vẫn nhanh chóng có mặt tại đơn vị, xử lí tình huống.

Những nỗ lực, cố gắng của những cán bộ quản giáo như Trung tá Lê Văn Nâu, Thiếu úy Trần Thị Hạnh đã được lãnh đạo các cấp ghi nhận bằng nhiều bằng, giấy khen. Đối với những người cán bộ quản giáo, “phần thưởng” khác mà họ nhận được chính là từ các phạm nhân. 

Trung tá Lê Văn Nâu kể nhiều phạm nhân sau ngày ra trại, tái hòa nhập với cộng đồng khi gặp lại cán bộ quản giáo đã nghẹn ngào nói lời cảm ơn, cho rằng chính tấm lòng của những cán bộ quản giáo đã “đánh thức” được “mầm thiện” trong những mảnh đời lầm lỗi để họ làm lại cuộc đời mới.

Trần Lĩnh
.
.