Ngày càng xuất hiện nhiều đường dây lớn ma túy “khủng”

Thứ Tư, 08/05/2019, 19:59
Đây là câu trả lời từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cũng như lãnh đạo Cục phòng chống ma tuý và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) tọa đàm Cuộc chiến chống ma tuý: Thấy gì từ các vụ án khủng” diễn ra chiều 8-5 tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ.


Phần lớn ma túy đưa ra nước ngoài tiêu thụ

Theo Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, phân tích, Bộ luật Hình sự có 26 chương, 426 điều với chương 20 với 13 điều quy định về tội phạm về ma tuý nhưng có tới 9 điều có quy định có khung hình phạt tới chung thân, tử hình. Theo quy định, số lượng ma tuý bắt chỉ 700g (tương đương 2 bánh heroin) thì đã rơi vào khung có hình phạt tử hình. Như vậy, hình phạt quy định hiện nay là nghiêm khắc. Cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy rất quyết liệt và việc bắt giữ các vụ ma túy cũng ngày càng nhiều.

Lý giải điều này, Đại tá Vũ Văn Hậu nhấn mạnh, cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy là cuộc đấu tranh giải quyết vấn đề “cung” và “cầu”. Bình quân hàng năm, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với Công an địa phương trung bình đã bắt giữ trên 20 ngàn vụ ma tuý, trên 30 ngàn đối tượng. Có lúc tại trại tạm giam, số bị can liên quan ma tuý chiếm đến 50-60%. Điều đó, để nói rằng cuộc tấn công và đấu tranh với tội phạm ma túy hết sức quyết liệt và đã đạt được kết quả khá tốt. 

Các khách mời tại buổi tọa đàm.

Tuy nhiên, số lượng ma tuý phát hiện, bắt giữ cũng như số lưu thông trên thị trường vẫn rất lớn, theo Đại tá Hậu, cuộc chiến với ma tuý là để giải quyết nguồn “cung” và “cầu” mà nhu cầu về ma tuý càng lớn, số lượng người nghiện ngày càng tăng. Số người nghiện có hồ sơ quản lý tại Việt Nam hiện nay là 250.000 ngàn người, tăng gấp đôi so với ít năm trước… Khi có “cầu” ắt có “cung”. 

Từ cuối năm 2018 tới đầu 2019, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy đã triệt phá nhiều đường dây ma túy lớn, có những vụ số lượng ma túy thu giữ lớn nhất từ trước tới nay. Số liệu tổng hợp đến thời điểm này, có trên 3 tấn ma tuý với hơn 1.000 bánh heroin được thu giữ trong các chuyên án. 

Lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy  đã chặt đứt “mắt xích” của các đường dây ma tuý quốc tế khi đi qua Việt Nam chứ không phải nguồn hàng chỉ lưu thông trong nước. Những đường dây này chủ yếu xuất phát từ khu vực tam giác vàng, trăng lưỡi liềm vàng… vào Việt Nam qua Thái Lan, Lào, Campuchia rồi đi qua Philippines, Đài Loan…

Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng chống ma tuý và tội phạm, Bộ tư lệnh BĐBP cho biết, nguồn ma tuý xuất phát từ khu vực tam giác vàng theo các tổ chức quốc tế xác định, có 250 tấn ma tuý đá với gần 3 tỷ viên ma tuý tổng hợp xuất phát từ đây mỗi năm. Khu vực tam giác vàng hàng năm cũng tiêu thụ tới 3.000 tấn hoá chất các loại phục vụ việc sản xuất ma tuý.

Về vấn đề loại trừ khả năng hàng tấn ma tuý được sản xuất ngay trong nước, Đại tá Vũ Văn Hậu nhấn mạnh, có đầy đủ tài liệu chứng minh đây là nguồn ma tuý xuất phát từ bên ngoài Việt Nam, cụ thể từ khu vực tam giác vàng, một phần để sử dụng ở Việt Nam nhưng phần lớn là để đưa ra nước ngoài tiêu thụ. Thông qua một số cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu hợp pháp về hạt nhựa, quần áo, loa đài để nguỵ trang giấu ma túy vào trong để xuất khẩu đưa ra nước ngoài. 

Lực lượng Công an phong tỏa, khám xét địa điểm cất giấu ma túy.

Cũng theo Đại tá Vũ Văn Hậu, ở trong nước đã phát hiện sản xuất ma túy nhưng rất nhỏ, lẻ còn chưa phát hiện nơi sản xuất ma tuý “khủng” như vậy.… Tội phạm ma túy lợi dụng vận chuyển ma tuý qua đường biển, lợi dụng chính sách hải quan thông thoáng hiện nay cũng như đặc tính vận chuyển hàng hoá khối lượng lớn qua đường biển để đưa ma tuý vào nội địa.

Giải pháp phòng, chống tội phạm ma tuý

Tại Toạ đàm, các khách mời cũng chia sẻ thêm về đằng sau những chuyên án, sự hy sinh, lòng dũng cảm trước nguy hiểm họng súng, những viên đạn “bọc đường”, cám dỗ tiền bạc… của những chiến sĩ Công an, biên phòng trên mặt trận đầy cam go này.  Trước tình hình tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho rằng: Công cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy là cuộc chiến sinh tồn, 1 mất 1 còn. Để đấu tranh phải thực hiện tổng hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ, có những vụ phải kéo dài hàng năm mới bóc gỡ được.

Thực tế đã có 24 cán bộ, chiến sỹ và quần chúng nhân dân đã hi sinh trong cuộc chiến với tội phạm ma túy. Giữa thời bình, nhưng lực lượng phòng, chống ma túy chịu mất mát, hi sinh nhiều nhất. 

Xác định đấu tranh với tội phạm ma túy là đấu tranh với các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, vì vậy, Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh chia sẻ, lực lượng Biên phòng có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng trong nước, hợp tác với lực lượng chức năng các nước láng giềng trong phòng, chống tội phạm ma túy. Điều này xuất phát từ bản chất của tội pham ma túy “khép kín, liên tục và trường diễn”. Do đó, đấu tranh chống tội pham ma túy là tầm đấu tranh quốc tế, phải ngăn chặn từ xa, từ khi đối tượng chưa vào đến lãnh thổ Việt Nam.

Minh Hiền
.
.