Lớp học đặc biệt ở Trại giam Tân Lập

Thứ Tư, 19/04/2017, 09:24
Rời lớp học, chúng tôi vẫn nghe văng vẳng giọng đồng thanh của các phạm nhân: “Ở hiền thì lại gặp hiền/ Người ngay thì được thần tiên độ trì…”. Có thể thấy, công tác giáo dục, xoá mù chữ là một điểm sáng ở Trại giam Tân Lập, giúp việc giáo dục, cải tạo phạm nhân có những bước tiến bộ hơn, làm cho phạm nhân yên tâm cải tạo, hoàn lương trở về với đời thường...

Chúng tôi đến Trại giam Tân Lập ở xã Mỹ Lung, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ khi toàn trại đang trong không khí phấn khởi thi đua lập thành tích Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập (20-4-1947 -  20-4-2017).

Phác thảo đôi nét về lịch sử hình thành của trại, Thiếu tá Trần Đức Thiện, Phó Giám thị Trại giam Tân Lập cho biết, do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 20-4-1947, tỉnh Phú Thọ thành lập Ủy ban kháng chiến tỉnh; đồng thời thành lập Trại giam Mai Côi tại Tổng Xuân Áng, huyện Hạ Hoà, Phú Thọ - tiền thân của Trại giam Tân Lập ngày nay.

Trải qua 70 năm, trại đã nhiều lần tách ra rồi nhập lại với nhiều tên gọi khác nhau và phải sơ tán nhiều lần do thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đánh phá tuy; nhiên cán bộ, chiến sỹ của trại đã chung sức đồng lòng, vượt qua khó khăn để tổ chức giam giữ phạm nhân, không để xảy ra bạo loạn, chống phá. Dù đối tượng giam giữ ở trại rất phức tạp, từ địa chủ cường hào, tay sai cho thực dân Pháp, bọn chống Đảng, phản cách mạng, ngụy quân, ngụy quyền và tội phạm hình sự… nhưng đơn vị đã thực hiện tốt các chính sách giáo dục cải tạo; xây dựng lực lượng ngày càng trong sạch, vững mạnh, phục vụ yêu cầu chính trị của từng thời kỳ.

Với 5 phân trại, quy mô giam giữ hàng nghìn phạm nhân, trong đó chủ yếu là số đối tượng nhiều tiền án, tiền sự, số án cao, manh động, lười lao động và luôn tìm cách chống phá, những năm qua Trại giam Tân Lập đã kết hợp đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ với giáo dục cải tạo. Thông qua công tác nghiệp vụ, trại đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời hàng trăm lượt phạm nhân vi phạm nội quy; tích cực phối hợp với các cơ quan, chính quyền và nhân dân địa phương phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm ngoài xã hội.

Dưới sự hướng dẫn của Trung tá Đỗ Quang Huy, Phó Giám thị phụ trách công tác giáo dục và quản giáo; Trung tá Vương Thế Huynh, Đội trưởng Đội Giáo dục và hồ sơ, chúng tôi được “mục sở thị” một lớp học đặc biệt ở Phân trại số 2 – lớp học xoá mù chữ gồm 30 học viên. Gồm 10 bàn gỗ, lớp được đặt ở hội trường dành cho phạm nhân học tập, sinh hoạt, không gian rộng rãi và thoáng mát… Trong vở của rất nhiều phạm nhân, họ đã biết viết chữ khá sạch đẹp, làm thành thạo phép tính cộng, trừ 4 chữ số…

Phạm nhân Lảo Vảng Nu (53 tuổi, quê Mù Cang Chải, Yên Bái), phạm tội tàng trữ trái phép chất ma tuý, thụ án 20 năm cho biết: “Trước tôi chỉ ở nhà làm ruộng, không biết chữ, vào đây được đi học và hiện tại đã biết viết thư về cho vợ rồi…”. Phạm nhân Pờ Lỳ Sờ, quê Mường Tè, Lai Châu cũng chung cảnh ngộ án ma tuý thì tâm sự đã đọc được báo.

“Khi không biết chữ thì không biết cái sai, cái đúng, không biết vi phạm pháp luật, người ta bảo gì thì làm theo thôi. Bây giờ nhận thức được, sửa đổi, biết làm ăn chân chính để trở thành công dân tốt”, phạm nhân người La Hủ cho hay.

Đứng lớp xóa mù cũng là bạn tù thụ án chung thân về hành vi hiếp dâm và dâm ô. Từng là giáo viên cấp 1-2 ở Yên Bái, anh được ban giám thị tận dụng trở thành giáo viên xoá mù chữ của những phạm nhân khác. “Tôi đã hướng dẫn anh em học chữ và duy trì nền nếp, nội quy cho 5 lớp học. Công tác giảng dạy ở đây khó khăn hơn vì mỗi phạm nhân có một mức án và tư tưởng chấp hành án khác nhau…” – phạm nhân Nguyễn Ngọc Khiêm (39 tuổi) nói.

Cán bộ trại giam tận tình hướng dẫn, động viên các phạm nhân tham gia lớp học.

Cùng là phạm nhân nên hiểu tâm tư hơn, thầy giáo Khiêm đã giúp Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ động viên các phạm nhân chấp hành nội quy trại giam, tham gia học tập, lao động. “Nhờ sự quan tâm của Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ mà tôi được tạo điều kiện làm một công việc yêu thích, từng được đào tạo và có kinh nghiệm, ơn này tôi không bao giờ quên được”, phạm nhân Khiêm chia sẻ thêm.

Theo Thượng tá Nguyễn Thế Mở, Phó Giám thị phụ trách Phân trại số 2, tại Trại giam Tân Lập hiện có 2 điểm lớp xoá mù chữ, điểm ở Phân trại số 2 dành cho phạm nhân nam của toàn trại và điểm ở Phân trại số 5 dành cho phạm nhân nữ. Hàng năm, trại đều mời Phòng Giáo dục của huyện Hạ Hoà đến mở hội đồng thi để đánh giá chất lượng, cấp chứng chỉ xoá mù chữ cho các phạm nhân.

Đa số phạm nhân là người dân tộc, ở vùng sâu, vùng xa, hiểu biết pháp luật và nhận thức hạn chế, không biết tiếng phổ thông… nên cán bộ, giáo viên phải dành thời gian bồi dưỡng thêm, khiến chương trình kéo dài. Cán bộ chủ yếu là người Kinh nên phải thông qua những phạm nhân là giáo viên như anh Khiêm để tiếp cận, giáo dục. “Đặc biệt từ khi có lớp, tỷ lệ phạm nhân biết đọc, biết viết cao, cùng với đó là tỷ lệ vi phạm nội quy giảm vì họ đã xác định rõ tội danh của mình và chấp hành án…”, Thượng tá Nguyễn Thế Mở khẳng định.

Rời lớp học, chúng tôi vẫn nghe văng vẳng giọng đồng thanh của các phạm nhân: “Ở hiền thì lại gặp hiền/ Người ngay thì được thần tiên độ trì…”. Có thể thấy, công tác giáo dục, xoá mù chữ là một điểm sáng ở Trại giam Tân Lập, giúp việc giáo dục, cải tạo phạm nhân có những bước tiến bộ hơn, làm cho phạm nhân yên tâm cải tạo, hoàn lương trở về với đời thường.

Trại giam Tân Lập cũng thường xuyên kết hợp chặt chẽ với địa phương phát động phong trào đảm bảo an toàn trại. Cụm an ninh quốc phòng được thành lập gồm 2 huyện và 13 xã, thường xuyên giao ban, bàn bạc trao đổi, thực tập phương án hiệp đồng chiến đấu để bảo vệ trại an toàn… Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, Trại đã làm thủ tục tha hết án cho hơn 11.400 phạm nhân, đặc xá hơn 1.800 phạm nhân. Hầu hết phạm nhân hết án ra trại đều có một nghề để tìm kiếm việc làm, hạn chế tái phạm.

Đồng thời từ kết quả lao động, dạy nghề đã giúp đầu tư trở lại xây dựng, cải tạo nơi giam giữ phạm nhân, nhà ở của cán bộ, chiến sỹ. Hiện nay 3 phân trại được sử dụng điện lưới quốc gia, 2 phân trại sử dụng lưới điện của nhà máy thuỷ điện của trại; toàn trại sử dụng nước sạch từ hệ thống giếng nước khoan ngầm, đảm bảo tiêu chuẩn nước sạch theo quy định…

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Trại giam Tân Lập đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba (1972); Huân chương Chiến công hạng Nhì (1980); Huân chương Lao động hạng Nhì (1997); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (2013). Nhiều năm đơn vị được Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát Thi hành án và Hỗ trợ tư pháp tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua; được các bộ, ban, ngành, đoàn thể tặng nhiều phần thưởng cao quý…

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống, đơn vị vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Quỳnh Vinh – Xuân Trường
.
.