Lan tỏa những tấm gương thấm nhuần Sáu điều Bác Hồ dạy
Chương trình “Giao lưu, biểu dương, tôn vinh gương điển hình tiên tiến CAND - vinh quang CAND Việt Nam”, do Bộ Công an phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chiều 12-5, những khách mời lên giao lưu đã gây xúc động, giúp hiểu thêm về tình cảm cũng như sự tận tụy mà các CBCS đã cống hiến.
- Công an Hà Nội vinh danh 733 cá nhân xuất sắc trong thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy
- Đẩy mạnh phong trào “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”
- Biểu dương tập thể, cá nhân trong phong trào “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”
Trong thời chiến cũng như thời bình, lực lượng CAND luôn đảm nhận nhiều trọng trách đối với đất nước, mỗi đơn vị, mỗi cán bộ chiến sĩ thể hiện lòng yêu nước và cống hiến cho nhân dân.
Chương trình “Giao lưu, biểu dương, tôn vinh gương điển hình tiên tiến CAND - vinh quang CAND Việt Nam”, do Bộ Công an phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chiều 12-5, những khách mời lên giao lưu đã gây xúc động, giúp hiểu thêm về tình cảm cũng như sự tận tụy mà các CBCS đã cống hiến.
Không sa ngã với “viên đạn bọc đường”
Mở đầu buổi giao lưu với 3 vị khách mời là Trung tá Phạm Trung Kiên, (nguyên Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy), Trưởng Công an huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ; Đại úy Võ Thành Nam, Phó Đội trưởng Đội chữa cháy chuyên nghiệp khu vực 2, Phòng Cảnh sát PC&CC quận Bình Tân, Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh và Đại úy Y Rin Mlô, Phó đội trưởng Đội Phòng chống phản động và chống khủng bố, Công an tỉnh Phú Yên.
Đại úy Y Rin Mlô chia sẻ khó khăn trong công tác đấu tranh với đối tượng FULRO. Anh cho biết, là người con của buôn làng Ê Đê, anh luôn gắn bó với nhân dân, buôn làng, vận động hàng chục người từ bỏ FULRO. Với anh cần phải kiên trì, hòa nhập, hiểu phong tục tập quán, lối sống của đồng bào, thấm nhuần Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, trong đó “Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép”.
Đại úy Y Rin Mlô đã biến những lợi thế đó để tiếp xúc, vận động bà con buôn làng xây dựng kinh tế mới, đảm bảo ANTT. Từ đó, bà con buôn làng khắp Tây Nguyên, Phú Yên đã giúp đỡ các CBCS Công an, không đi theo các đối tượng xấu.
Ngoài việc vận động bà con dân tộc không đi theo, nghe theo các đối tượng phản động FULRO, Đại úy Y Rin Mlô cho biết, những người một thời sa ngã được anh cùng đồng đội thuyết phục, khuyên nhủ đã trở lại nẻo thiện; phát triển kinh tế mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần để người dân ngày càng tin yêu Đảng, Nhà nước, kính yêu Bác Hồ.
Trung tá Phạm Trung Kiên, Đại úy Võ Thành Nam và Đại úy Y Rin Mlô tham gia buổi giao lưu. |
Câu chuyện về những người lính đấu tranh với tội phạm ma túy, Trung tá Phạm Trung Kiên kể lại, Phú Thọ là địa bàn giáp ranh với Sơn La và Hòa Bình, điểm nóng chung chuyển ma túy.
Năm 2017, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện một đường dây vận chuyển ma túy với số lượng lớn đi sâu vào nội địa tiêu thụ. Lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về ma túy đã đề xuất Ban Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ xác lập chuyên án TX1116 đấu tranh với đường dây này.
Lực lượng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy đơn vị chủ công đã bắt giữ thành công 4 đối tượng là người dân tộc Mông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, đang vận chuyển trái phép 300 bánh heroin. Kết thúc điều tra đã truy tố 24 đối tượng ra trước pháp luật, trong đó 3 đối tượng phải nhận mức án tử hình.
Trung tá Phạm Trung Kiên tâm sự, đấu tranh với tội phạm về ma túy ngày càng cam go khốc liệt, các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt. Lúc nào trong tư tưởng cũng phải đối mặt với hiểm nguy, bắt phải bắt gọn. Các anh đã vận dụng tốt Sáu điều Bác Hồ dạy, “Đối với tự mình phải Cần, Kiệm, Liêm, Chính” không sa ngã trước những "viên đạn bọc đường" mà các đối tượng tội phạm ma túy hòng dụ dỗ, mua chuộc.
Đối với Đại úy Võ Thành Nam, bản thân làm công tác chữa cháy khi có sự cố cháy, nổ luôn cố gắng hết sức không ngại khó, ngại khổ thậm chí chấp nhận hy sinh để cứu tính mạng của người dân, cứu tài sản và hạn chế mức thấp nhất do cháy nổ gây ra. Chứng kiến những tổn hại do giặc lửa gây ra, Đại úy Võ Thành Nam càng thêm quyết tâm, yêu ngành, mến nghề, sống xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội.
Đó còn là những câu chuyện xúc động về Đại tá Lê Hồng Thắng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hải Phòng với việc giải tán “đại tiệc 500 giang hồ" hay Đại tá Trần Văn Buộc, Giám thị trại giam Cây Cầy, Tổng cục VIII với 25 năm liên tiếp không để phạm nhân trốn trại, ươm khát vọng sống, lương thiện cho các tù nhân…
Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn nhất miền Bắc, cửa ngõ thông thương ra quốc tế bằng đường biển. Trong những năm gần đây, kinh tế đã đạt nhiều thành tích to lớn, những cầu cảng, nhà máy, khu công nghiệp ngày càng vươn lên, tuy nhiên đối tượng hình sự cũng lợi dụng sự phát triển để hoạt động phạm tội diễn biến phức tạp.
Ngoài tội phạm giết người, cướp tài sản, buôn bán, vận chuyển ma túy, sản xuất vũ khí, chống người thi hành công vụ còn tình trạng đối tượng hình sự núp bóng doanh nghiệp hoặc trực tiếp tham gia tranh chấp các hợp đồng san lấp mặt bằng, cung cấp vật tư, thiết bị phương tiện máy móc cho công trình và mua bán phế liệu tạo ra diễn biến phức tạp.
Hải Phòng bình quân một năm xảy ra trên 800 vụ phạm pháp hình sự, trên 40 người chết, trên 300 người bị thương và thiệt hại nhiều tỷ đồng của Nhà nước và nhân dân, được xác định là địa bàn trọng điểm phức tạp về hình sự của cả nước.
Với sự phức tạp như vậy, để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự ở thành phố cảng thân yêu, CBCS của Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hải Phòng đã tham mưu cho giám đốc đặt ra các kế hoạch, phương án, các đợt tấn công trấn áp tội phạm thực hiện đồng bộ giữa các đơn vị, tập huấn kỹ năng chiến đấu và kỹ năng thực hành cho 100 CBCS thuộc lực lượng Cảnh sát hình sự Hải Phòng...
Năm 2014, lực lượng An ninh TP Hải Phòng phát hiện có nhiều nhóm đối tượng người nước ngoài đi theo đường hợp pháp, mỗi nhóm từ 5-7 người, thuê người Hải Phòng thuê các căn hộ, biệt thự tại khu đô thị mới biệt lập, cửa sổ và cửa ra vào dán kín, thường vào ban đêm mà không ra, thuê người nấu ăn và phục vụ sinh hoạt.
Đại tá Lê Hồng Thắng nhắc đến chuyên án 915 K, các đối tượng dự định tổ chức “đại tiệc 500 giang hồ” đúng vào thời điểm Nhà nước ta đang tổ chức những hoạt động chính trị lớn. Nếu để xảy ra việc chúng tụ họp thì sẽ vô cùng phức tạp, gây dư luận xấu đến tình hình chính trị, xã hội. Cảnh sát hình sự Công an TP. Hải Phòng đã ngăn chặn thành công “đại tiệc” này.
Trong chương trình đã diễn ra cuộc gặp gỡ cảm động giữa Đại tá Lê Hồng Thắng với người con nuôi của anh là Nguyễn Thành Long. Vào thời điểm đó, Đại tá Lê Hồng Thắng đang là Phó Công an huyện An Dương, đồng thời là Phó ban giải phóng mặt bằng của Khu công nghiệp Tràng Duệ. Năm 2006, rất khó khăn, với áp lực của Công ty, đã sai về phương pháp, đưa đối tượng xã hội vào giải quyết, xô xát với dân và đã đưa giang hồ vào giải phóng mặt bằng trong một dự án.
Anh Thắng đã tiến hành thu thập tài liệu hồ sơ để bắt giam Long. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Đại tá Lê Hồng Thắng đã cảm hóa, giúp Nguyễn Thành Long trưởng thành, nhận thức ra được lỗi lầm của mình. Sau khi ra tù, anh Long đã nhận Đại tá Lê Hồng Thắng là bố nuôi, hướng thiện.
38 năm không phạm nhân nào bỏ trốn
Đại tá Trần Văn Buộc, Giám thị Trại giam Cây Cầy có 38 năm gắn bó với công tác trại giam, chưa có một phạm nhân nào bỏ trốn. Hệ thống pháp luật tố tụng trải qua 4 bước, khâu thi hành án là khâu dài nhất, phạm nhân có thể chấp hành án từ 6 tháng đến chung thân. Bởi vậy mà thi hành án là quá trình gian nan và vô cùng vất vả nhưng nghĩ tới nhiệm vụ cao cả được Đảng, được ngành phân công, đơn vị luôn tận tụy với công việc thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy suốt 38 năm, anh gắn bó với trại giam.
Với 38 năm ấy, anh có những kỷ niệm không bao giờ quên. Anh nói: “Rất nhiều lớp phạm nhân mà kể cả lớp phạm nhân đã theo chế độ trước và hiện nay là phạm nhân phạm tội hình sự để lại nhiều ấn tượng cho anh và đơn vị”.
Câu chuyện xảy ra vào năm 1983, khi ấy Đại tá Buộc vào ngành được 3 năm là Cảnh sát bảo vệ. Vào thời điểm đó, qua công tác giáo dục cải tạo của các chú, các cha, các anh đã chọn được 7 phạm nhân lao động, cải tạo tiến bộ đưa ra lao động ở diện rộng. Hôm ấy, họ cùng anh và các cán bộ quản giáo đi 20km đường rừng để thu gỗ để xây nhà giam và nhà CBCS. Khi đi đoàn người phải mang theo gạo, muối để nấu cơm.
Sau vài ngày, chỉ còn mình Đại tá Buộc với hai phạm nhân khác (trong đó có một phạm nhân là tội phạm chế độ cũ và một phạm nhân người dân tộc) mang số gỗ còn lại về sau. Đại tá Buộc bị sốt rét không còn biết trời đất là gì. Hai phạm nhân đã kết bao tải lại thành võng đưa Đại tá Buộc và mang theo súng về trại giam mà không hề bỏ trốn hay sát hại cán bộ. Chính kỷ niệm đó đã khiến Đại tá Buộc nhận thấy rằng, trong mỗi con người dù là phạm nhân thì họ vẫn còn cái tâm và mong muốn hướng thiện.
Chính vì vậy, nhiệm vụ của người quản giáo là phải biết gợn đục khơi trong, ươm mầm thiện cho các tâm hồn vốn đã vẩn đục ấy trở lại nẻo chính, quay về với cuộc sống, với tình yêu thương của gia đình, người thân, trở thành người có ích cho xã hội.