Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân
- Xây dựng hình ảnh CSGT đẹp, hết lòng phục vụ nhân dân
- Hà Nội phải tạo động lực cho cán bộ làm việc với tinh thần phục vụ nhân dân
- Làm nhiều việc tốt phục vụ nhân dân
- Lắng nghe để phục vụ nhân dân tốt hơn
Trong những năm gần đây, cùng với yêu cầu ngày càng cao của công tác đảm bảo an ninh trật tự, lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội (TTXH) luôn đẩy mạnh thực hiện công tác đổi mới, xây dựng văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp với nhân dân khi phải tiếp cận giải quyết thủ tục hành chính.
Luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, lấy niềm vui của người dân làm thước đo công việc của mình, đó là những phương châm hành động của lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH trong cả nước, mà trong phạm vi một bài báo, chúng tôi chỉ có đề cập đến một mảng công việc của họ, đó là công tác cấp, đổi Căn cước công dân (CCCD)…
Những ngày đầu năm, khi không khí xuân vẫn tràn ngập ở các ngả đường thì các cán bộ Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Ninh Bình đã rất bận rộn.
Ngoài tiếp và giải quyết nhu cầu cho một lượng lớn người dân có nhu cầu làm CCCD, tổ công tác lưu động của đơn vị đã xuống xã Quang Lạc, huyện Nho Quan để làm CCCD cho những người già yếu không đi lại được và các gia đình chính sách.
Gượng dậy sau những trận ốm triền miên, ông Bùi Văn Bộ (72 tuổi), dân tộc Mường, trú tại xã Quang Lạc cứ nắm chặt tay cán bộ làm CCCD mà nói: “Bác ốm đau triền miên, không đi lại được. Các cán bộ đến tận nhà làm CCCD cho bác, bác vui lắm, bác cảm ơn các con”.
Cách nhà ông Bộ không xa, trong làn mưa xuân lất phất, con cháu bà Vũ Thị Nhường (100 tuổi), ra tận đường để đón tổ công tác vào nhà. Họ chỉ mong mời được các cán bộ Công an vào để cho mẹ mình được nói lời cảm ơn.
Trong đợt làm CCCD trước đây, bà Nhường đã được tổ công tác của Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đến tận nhà làm cho CCCD. Bà mừng lắm, cứ bắt con làm cái dây treo, rồi đeo suốt ngày đêm cái thẻ CCCD trên cổ. 100 tuổi, hay ốm nhưng bà Nhường khá minh mẫn. Bà bảo: Bây giờ có “thần hộ mệnh” rồi, mẹ chẳng sợ ốm đau, chẳng sợ bệnh viện nữa.
Trung tá Nguyễn Văn Hoan, Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, năm 2017, đơn vị đã tiếp nhận kiểm tra và hoàn thiện 85.800 thẻ CCCD. Trong đó cấp mới 82.998 CCCD, cấp lại 1.905 CCCD, điều chỉnh thông tin CCCD cho 2.483 trường hợp công dân có yêu cầu.
Cán bộ Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thanh Hóa đến tận giường bệnh làm thủ tục cấp căn cước công dân cho người dân. |
Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian trả kết quả cho tổ chức, công dân mà đơn vị cam kết thực hiện đã đẩy cường độ lao động của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong đơn vị lên gấp nhiều lần so với trước.
Đơn vị luôn ưu tiên về việc cấp thẻ CCCD lưu động cho các trường hợp có nhu cầu là bệnh nhân, người già yếu không đi lại được hay gia đình chính sách ở các vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Công việc này tuy vất vả nhưng chúng tôi chỉ cần nhìn thấy nụ cười của người dân khi cầm trên tay CCCD của họ là lại thấy ấm lòng, tiếp thêm sức mạnh”-Trung tá Nguyễn Văn Hoan chia sẻ thêm.
Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư cho biết, theo thống kê trong năm 2017, toàn quốc đã tiến hành cấp tổng số 4.405.275 CMND và 3.155.412 thẻ CCCD. Cơ sở dữ liệu của CCCD tập trung trên phạm vi cả nước với việc thu nhận thông tin nhân thân, ảnh chân dung và sử dụng hệ thống nhận dạng vân tay tự động (AFIS) có tốc độ và độ chính xác gần như tuyệt đối bảo đảm truy nguyên đồng nhất và thực hiện nguyên tắc mỗi công dân chỉ được cấp một số CMND/CCCD duy nhất.
Một trong những địa phương năm 2017 được đánh giá làm tốt công tác cải cách hành chính là Công an tỉnh Thanh Hóa. Đại tá Trần Minh Thông, Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc cấp, đổi CCCD luôn được đơn vị chú trọng.
Đối tượng được đặc biệt quan tâm trong việc cấp CCCD là các bệnh nhân lâm bệnh trọng hoặc bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn phải điều trị ở các bệnh viện. Nếu không có CCCD, họ không mua và sử dụng được bảo hiểm y tế, khó khăn trong các thủ tục ở bệnh viện…, vì thế mà gánh nặng về việc chữa trị bệnh của họ và gia đình sẽ tăng hơn rất nhiều.
Trong năm 2017, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an Thanh Hóa đã cử tổ công tác đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Hợp lực cấp mới CCCD cho nhiều trường hợp người già bệnh nặng, thương binh không đi lại được…
Ông Đoàn Văn Cuông (85 tuổi), thương binh 2/4, trú tại xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa điều trị cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực không có CCCD do giấy tờ bị thất lạc. Trong khi đó, phải có CCCD mới thanh toán được tiền điều trị tại bệnh viện…
CBCS của đơn vị nhanh chóng tổ chức lấy vân tay, chụp ảnh ngay tại giường bệnh để kịp hoàn tất thủ tục cấp giấy CCCD cho ông Cuông trong thời gian nhanh nhất - 5 ngày. Ông Cuông tâm sự “Xúc động lắm, cảm ơn các cô, chú Công an, có cái này mới thanh toán được chi phí trong thời gian nằm điều trị tại bệnh viện”.
Bà Vũ Thị Châu (62 tuổi), trú tại xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cũng bị bệnh nặng, phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Do CMND đã hết hạn từ lâu, thông tin trên giấy bị mờ nên đơn vị Bảo hiểm y tế từ chối thanh toán viện phí. Trong lúc gia đình đang hoang mang thì rất may được CBCS của tổ công tác lưu động hướng dẫn làm các thủ tục cấp CCCD cho bà Châu.
Bị tàn tật không đi lại được, anh Dương Tiến Dũng (38 tuổi), trú tại phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa hầu như không ra khỏi nhà, mọi người trong gia đình cũng không để ý đưa anh đi làm CCCD. Đến khi anh bị ốm mới biết việc có CCCD rất quan trọng. Lấy tay quệt nước mắt khi cầm thẻ CCCD từ tay cán bộ đơn vị đưa đến nhà, anh Dũng rối rít cảm ơn tổ công tác, cố nhoài người, đưa đôi bàn tay gầy guộc để bắt tay từng cán bộ Công an.
Theo Đại tá Trần Minh Thông, đơn vị cũng cử tổ công tác gồm 5 người đến Trung tâm Bảo trợ số 2 ở phường Quảng Thọ, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa để làm CCCD cho 192 trường hợp là người tàn tật và một số cán bộ của trung tâm. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về đơn vị, các anh đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến cảm ơn của mọi người từ Trung tâm Bảo trợ số 2. Bởi có những người sinh sống nhiều năm ở trung tâm mà chưa lúc nào biết được sự tồn tại của một tấm thẻ mang tên CCCD.
Việc cấp CCCD tại địa bàn cơ sở bao giờ cũng tốn nhiều thời gian và công sức hơn vì cả tổ công tác phải di chuyển liên tục, mang theo nhiều phương tiện, máy móc, nhưng CBCS của lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH ở các đơn vị đều không quản ngại. Mỗi lần xuống cơ sở giúp dân sẽ rèn luyện ý thức phục vụ nhân dân cho CBCS, tạo hình ảnh người Công an thân thiện, gần gũi với người dân.
Và quan trọng hơn cả, họ đã thực hiện được Sáu điều dạy của Bác đối với CAND, mà rõ nét nhất là sự tận tụy với công việc; sự kính trọng, lễ phép với nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Bởi trong xã hội hiện đại hôm nay, khi thông tin đa chiều, việc được dân tin, dân yêu, chính là thước đo hiệu quả công việc với các CBCS của lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH.
Năm 2017, một trong những thông tin khiến cho dư luận đặc biệt quan tâm là việc sẽ thay thế sổ hộ khẩu giấy sang quản lý bằng công nghệ. Theo lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, đó là một trong những việc làm nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, giảm giấy tờ công dân, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước về dân cư. Hiện Bộ Công an đang được Chính phủ giao xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, đến năm 2020 sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu dân cư, khi đó Bộ Công an sẽ đề xuất chuyển từ quản lý hộ khẩu bằng giấy tờ sang quản lý bằng công nghệ. Bản chất việc quản lý không thay đổi, nhưng đã cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan. |