Không đổ lỗi cho người dân khi cháy nổ xảy ra

Thứ Tư, 11/07/2018, 09:37
Nguy cơ cháy nổ ngày càng cao thì nhận thức của cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân về công tác PCCC chưa đáp ứng được yêu cầu, còn rất nhiều chủ quan, coi thường. 

Ngày 10-7, Hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II-2018 do Thành ủy, UBND TP Hà Nội tổ chức đã diễn ra; đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội dự và chỉ đạo hội nghị. 

Cùng dự có lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố. Phát biểu với hội nghị, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội nhận định, cháy nổ trên địa bàn tiềm ẩn nguy cơ hết sức nguy hiểm chứ không còn ở mức phức tạp, trong khi đó, chế tài xử phạt lại chưa đủ mạnh.

Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương yêu cầu kiên quyết cắt điện, cắt nước các công trình không đảm bảo an toàn PCCC.

Thiếu tướng Đoàn Duy Khương cho biết: “Qua các đợt kiểm tra chúng tôi thấy, ở những địa bàn trọng điểm nếu có sự cố cháy xảy ra, nếu không triển khai lực lượng tại chỗ thì lực lượng chuyên trách của TP không đủ sức để đến dập các đám cháy. Có những vụ cháy biết có người còn sống trong nhà nhưng không làm gì được vì cuồng lửa cháy rất lớn”. 

Theo Giám đốc Công an TP, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) được trang bị áo chống nóng nhưng rất nặng. Áo mua toàn cỡ của người nước ngoài nên mặc vào lùng thùng, nặng, trong khi đó, cầu thang lên rất nhỏ, không thể di chuyển được. 

Với lực lượng, trình độ, phương tiện, trang bị kỹ thuật để đảm bảo cho chúng ta xông vào dập đám cháy này rất là khó khăn. Chỉ còn có đứng chờ chống cháy lan, chờ phun nước cho nguội đi sau đó vào khám nghiệm. 

Tình hình cháy nổ trên địa bàn TP còn diễn biến phức tạp, vẫn xảy ra các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng đến đời sống người dân. 

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2018, tại Hà Nội xảy ra 411 vụ cháy (2 vụ cháy lớn, 7 vụ cháy nghiêm trọng, 6 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 55 vụ cháy trung bình…) làm 4 người chết, 9 người bị thương, thiệt hại ước tính trên 263 tỷ đồng và 1,8 ha rừng... 

Trong khi nguy cơ cháy nổ ngày càng cao thì nhận thức của cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân về công tác PCCC chưa đáp ứng được yêu cầu, còn rất nhiều chủ quan, coi thường. Cụ thể, trong đó có nhiều cơ quan quản lý Nhà nước chưa gương mẫu trong công tác PCCC.

Giám đốc Công an TP Hà Nội đề nghị, trước hết ngay tại trụ sở các cơ quan Nhà nước phải gương mẫu, chấp hành đúng các quy định về PCCC. Cùng đó, chế tài xử lý, xử phạt phải nghiêm khắc hơn, công tác kiểm tra xử lý sai phạm phải kiên quyết và dứt khoát hơn. 

Chẳng hạn qua kiểm tra các công trình xây dựng nếu phát hiện không đảm bảo an toàn PCCC hay các giải pháp về PCCC chưa đảm bảo thì phải kiên quyết tạm đình chỉ hoặc cắt điện, cắt nước… 

Bởi nếu không có giải pháp cứng rắn, không có thái độ dứt khoát thì thảm họa về cháy nổ đối với TP Hà Nội là nhãn tiền.

"Ý thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp cũng chưa tốt, còn chủ quan, coi công tác PCCC không phải của mình mà là của lực lượng cảnh sát PCCC. Nhiều cơ sở, khi kiểm tra cũng thấy để bình chữa cháy, nhưng tôi hỏi sử dụng như thế nào thì lại không biết sử dụng”, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương nhấn mạnh.

Kết luận tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thẳng thắn: “Với đô thị 10 triệu dân, nguyên nhân cháy thì có nhiều, nhưng trước hết người đứng đầu các cấp quản lý từng ngành phải chịu trách nhiệm. Tôi phải nói là lỗi vụ cháy nổ xảy ra phải thấy trách nhiệm quản lý chứ không đổ lỗi cho người dân được”. 

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chỉ rõ các hạn chế như công tác đảm bảo an toàn PCCC ở khu dân cư, gia đình, hộ dân, các cơ quan đơn vị cũng chưa được quan tâm đúng mức, chưa làm tốt, chưa có biện pháp để khắc phục. 

Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này cũng chưa nghiêm, nhiều khi vẫn chạy theo phong trào. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn chưa tốt…  

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu, phải kiểm tra tất cả các tòa nhà chung cư trước khi đưa dân vào ở, phải đảm bảo đủ điều kiện an toàn PCCC cũng như nước, điện, thang máy… mới được đưa dân vào ở chứ không thể “thả mồi bắt bóng” như hiện nay. 

“Còn nếu cứ để chủ đầu tư bán hết nhà cho dân, dân vào ở hết rồi mới kiểm tra, lúc này phát hiện sai phạm thì cũng khó đưa dân ra, khó giải quyết được”, đồng chí Hoàng Trung Hải cảnh báo. 

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, hiện nay, đối với các chủ đầu tư công trình có vi phạm hoặc chưa khắc phục xong vi phạm về PCCC, TP kiên quyết không cấp phép dự án mới cho đến khi khắc phục xong. Đây là một giải pháp mạnh và chắc chắn sẽ tác động đến quá trình, tiến độ khắc phục sai phạm về PCCC của các chủ đầu tư.

Ngọc Yến
.
.