“Khoảng trống” trong đào tạo nhân lực phòng, chống ma túy
Để tìm giải pháp giải quyết thực trạng trên, ngày 10-5, Học viện CSND phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an (CSĐTTPVMT) tổ chức hội thảo khoa học “Đào tạo nhân lực phòng, chống ma túy - những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Thiếu tướng, GS.TS Hồ Trọng Ngũ, Phó Giám đốc Học viện CSND; Đại tá Phạm Văn Chình, Phó Cục trưởng Cục CSĐTTPVMT; Đại tá, GS.TS Bùi Minh Trung, Trưởng khoa Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy, Học viện CSND đồng chủ trì hội thảo.
Thiếu tướng, GS.TS Hồ Trọng Ngũ, Phó Giám đốc Học viện CSND chủ trì hội thảo. |
Đặc trưng của lực lượng PCMT ở Việt Nam được tổ chức ở nhiều bộ, ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, trong đó bao gồm cả lực lượng chuyên trách (công an, hải quan, biên phòng, cảnh sát biển) và lực lượng kiêm nhiệm, các tổ chức chính trị xã hội và các lực lượng quần chúng được huy động tham gia.
Tuy nhiên, hiện nay công tác đào tạo nhân lực PCMT chưa đáp ứng được nhu cầu, đa phần cán bộ PCMT chưa được đào tạo bài bản, chưa có một đơn vị nghiên cứu, đào tạo chuyên môn chung về công tác PCMT. Một số cơ sở có đào tạo về phòng chống ma túy lại chủ yếu tập trung đào tạo về công tác phòng ngừa, đấu tranh về ma túy...
Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay, vấn đề cai nghiện luôn là một thách thức lớn của cộng đồng xã hội; công tác đào tạo cán bộ cai nghiện hết sức quan trọng, nhưng hiện cũng chưa có một cơ sở đào tạo nào đào tạo về công tác cai nghiện. Đây là một “khoảng trống”, cho thấy nhân lực PCMT còn rất mỏng.
Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh về tác hại hủy diệt của ma túy gây ra cho con người. |
Sắp tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ ban hành khung đào tạo tư vấn đào tạo về tâm lý cai nghiện, có cấp chứng chỉ, thời gian đào tạo khoảng 20 ngày (trong khi ở nước ngoài đào tạo 278 giờ) sẽ góp phần hỗ trợ công tác cai nghiện chuyên nghiệp hơn. Bộ này cũng sẽ thay đổi hình thức cai nghiện ở cơ sở theo hướng chuyên nghiệp và có dự phòng nghiện.
Đại tá Lê Thế Trung, Trưởng phòng PCMT Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển nêu quan điểm: Phải rất quan tâm đến công tác giáo dục bản lĩnh chính trị của lực lượng PCMT, để trấn áp được tội phạm, để không thương vong và vượt qua được cám dỗ.
Hiện phần lớn lực lượng Cảnh sát biển tham gia đấu tranh PCMT là "ngoại đạo", rất ít đồng chí được đào tạo bài bản. Lực lượng Cảnh sát biển phải am hiểu về hàng hải, biển đảo mới PCMT hiệu quả, đòi hỏi phải có kiến thức nhất định về chiến thuật vây bắt và truy đuổi, vì những biện pháp này thực hành trên biển rất phức tạp. Chiến thắng được sóng gió mới bắt được tội phạm ma túy trên biển, nên lực lượng cảnh sát biển còn đòi hỏi có sự bền bỉ, chịu được khí hậu khắc nghiệt.
Thiếu tá Phạm Trung Kiên, Trưởng phòng CSĐTTPVMT Công an tỉnh Phú Thọ cũng đồng quan điểm khi cho rằng, lực lượng PCMT phải giữ vững khí chất, bản lĩnh để tránh được các viên đạn “bọc đường”. Thiếu tá Trung kiến nghị, các giảng viên về chuyên ngành ma túy ở các nhà trường phải tăng cường thực tế ở cơ sở, học viên phải yêu ngành, yêu nghề, mang hết kiến thức để vận dụng vào cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy.
Trong đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy, công tác tuyên truyền, giáo dục luôn được xác định là nhiệm vụ chiến lược nhưng theo Đại tá Tạ Đức Ninh, Trưởng phòng Cục Tham mưu Cảnh sát, lực lượng này còn rất mỏng và cũng không chuyên nghiệp. Hiện nay cũng chưa có một giáo trình, tài liệu nào về công tác tuyên truyền PCMT.
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo đã thống nhất, đào tạo nguồn nhân lực phòng chống ma túy là nhiệm vụ cấp bách. Do đó, Chính phủ cần có quy định giao cho Bộ Công an nghiên cứu tổ chức đào tạo cán bộ PCMT cho nhiều lực lượng…