Gần 1.000 CBCS Công an giúp dân khắc phục hậu quả cơn bão Sơn Tinh

Thứ Bảy, 21/07/2018, 11:44
Công an tỉnh Yên Bái đã huy động gần 1.000 CBCS xuống cơ sở kiểm tra, động viên thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại; giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại khôi phục nhà cửa, sớm ổn định chỗ ở.

Tại Yên Bái

Theo thống kê của Công an tỉnh Yên Bái tính đến chiều 20-7, mưa lũ trên địa bàn tỉnh Yên Bái do ảnh hưởng của bão số 3 đã làm 8 người chết, 9 người mất tích, người bị thương; thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 10 tỷ đồng.

Do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Bắc Trung Bộ nối với áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 3), từ đêm 19 đến ngày 20-7, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có mưa to đến rất to gây ngập úng, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trên địa bàn, làm thiệt hại nặng nề về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Theo thống kê của Công an tỉnh Yên Bái tính đến chiều 20-7, mưa lũ trên địa bàn tỉnh Yên Bái do ảnh hưởng của bão số 3 đã làm 8 người chết, 9 người mất tích, 9 người bị thương; thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 10 tỷ đồng. 

Lực lượng Công an giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

Mưa lũ cũng đã làm 3024 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 79 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, tập trung ở các huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải; 2.866 nhà bị ngập nước; 97 ngôi nhà bị thiệt hại từ 50-70%. Mưa lũ gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và phá huỷ các công trình thuỷ lợi. 730ha lúa bị thiệt hại, ngập úng; sạt lở 340m kè tại các công trình thủy lợi.

Nhiều tuyến giao thông bị hư hỏng, sạt lở, ngập nước khiến giao thông ngừng trệ. Tại quốc lộ 32 đoạn Km 260 - 280 bị sạt lở nhiều đoạn, hiện nay vừa đã thông được đường; quốc lộ 37, tại Km 297+600 - Km 297+800, nước ngập sâu.

Đường tỉnh lộ: Trục đường 174 (Nghĩa Lộ đi Trạm Tấu) liên tục bị ách tắc do nước suối chảy và bùn tràn qua đường tại 4 vị trí: Km18+800, K19m+800, Km21 (vị trí đang thi công cầu Km21), km22+500.

Hàng ngàn CBCS Công an đã bám địa bàn giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh zing.vn

Tỉnh lộ 166 Âu Lâu đi Đông An tại km21+650, ngầm Ngòi Tháp bị tắc đường do nước ngập 80cm; km25+100 ngập sâu 70cm, dài 80m; km42+200 ngập sâu 1m, dài 50m (do nước sông Hồng lên). Tỉnh lộ 172 tại Km11+700 bị tắc đường do ngập sâu 70cm; đoạn Km13+60 ngập sâu 1m, dài 50m; đoạn Km4+850 ngập sâu 80cm, dài 50m.

Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái cho biết, Công an tỉnh đã huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sỹ, cùng với việc phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, động viên thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại; đồng thời huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại khôi phục nhà cửa, sớm ổn định chỗ ở.

Công an huyện Mai Châu, Hòa Bình đảm bảo ATGT tại khu vực ngập ngã ba Tòng Đậu, QL 6

Bên cạnh đó, tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự tránh không để các đối tượng xấu lợi dụng cơ hội thực hiện hành vi phạm tội; tại các ngầm tràn, khe suối cần có biển cảnh báo, bố trí lực lượng thường xuyên túc trực kiên quyết không để người, phương tiện qua lại khi có lũ lớn.

Theo nhận định, mưa lũ trong 3 ngày tới còn diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở các khu vực vùng núi, đặc biệt tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ; ngập úng vùng trũng tại các huyện Văn Yên, Trấn Yên, thành phố Yên Bái. 

Mưa lũ gây thiệt hại nặng ở Văn Chấn, Yên Bái

Để giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, hiện nay tỉnh Yên Bái đã yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát; chủ động sơ tán khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, tiến hành cưỡng chế di dời khi cần thiết.

Hiện nay, UBND tỉnh Yên Bái đã quyết định thành lập Sở Chỉ huy hiện trường tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra tại các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên, Trấn Yên, thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ.

Tại Quảng Ninh

Mưa lớn từ ngày 19-7 tới nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên và huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh), nước lũ đã lên cao tới gần 2m gây ngập lụt tại nhiều tuyến phố và tràn vào nhà nhiều hộ dân.

Công an tỉnh Quảng Ninh đã huy động 100% quân số ứng trực phòng chống bão, cứu hộ cứu nạn, khẩn cấp cùng các lực lượng di dời dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, ngập úng. Song song với việc phòng chống lụt bão còn làm công tác đảm bảo ANTT khi mưa bão tràn về.

Mưa to nước dâng cao tràn vào nhà dân ở thị trấn Tiên Yên, Công an huyện đã huy động đông đảo cán bộ, chiến sỹ tham gia hỗ trợ di chuyển tài sản giúp các hộ dân bị ngập lụt đến nơi an toàn, đồng thời triển khai công tác đảm bảo ANTT, bảo vệ tài sản của 8 hộ dân di chuyển, không để các đối tượng lợi dụng trộm cắp tài sản.

Công an huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) giúp dân chạy lũ.

Cùng đó, lực lượng CSGT đã huy động toàn bộ quân số tổ chức trực tiếp hướng dẫn người và phương tiện tham gia giao thông qua lại an toàn; huy động 4 xe ôtô của đơn vị, trong đó có 2 xe ôtô bán tải trực tiếp vận chuyển tài sản cho nhân dân ra khỏi nơi có nguy cơ sạt lở, ngập lụt và lũ quét.

Lãnh đạo Công an huyện Tiên Yên cho biết, trước diễn biến phức tạp của hoàn lưu bão số 3, lực lượng Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền cơ sở chủ động triển khai các phương án phòng chống bão lũ, sạt lở đất, tuyên truyền cho người người dân trên địa bàn, nhất là các xã vùng sâu vùng xa những biện pháp phòng tránh bão lũ, sạt lở đất.

Công an huyện còn tập trung nắm chắc tình hình những vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, các tuyến đê, kè; các tuyến giao thông bị ảnh hưởng bởi mưa lũ... để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục những thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Ở nhiều địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề của bão số 3, cán bộ chiến sĩ Công an Quảng Ninh đang căng mình giúp dẫn tránh bão đến nơi an toàn, đảm bảo tình hình ANTT, không để đối tượng xấu lợi dụng mưa bão trộm cắp tài sản của người dân.

* Tại Nghệ An

Tại Nghệ An, sau nhiều ngày mưa lớn, đến ngày hôm nay 21-7, vẫn còn hàng trăm hộ dân đang bị cô lập, không đi lại được bởi các tuyến đường liên thôn, liên xã đang bị ngập nước, nơi ngập sâu nhất lên đến 2m. Đặc biệt, có nhiều hộ dân sống ven đồng nước tràn vào nhà từ 50 -70 cm, hiện người dân đang gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Mưa lớn từ ngày 13 - 20/7 kèm theo nước lũ từ đầu nguồn dồn dập đổ về đã gây ngập trên diện rộng ở các xã vùng sâu trũng huyện Yên Thành. Ngoài 4.000 ha lúa và nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập trắng, trong 2 ngày qua một số khu dân cư cũng đang bị nước lũ cô lập. 

Công an tỉnh Nghệ An giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Do sống chung với lũ, nên nhiều hộ gia đình đã chuẩn bị sẵn thuyền bè để làm phương tiện đi lại. Chính quyền địa phương cũng đã tiếp tế lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết; tuyệt đối không để tình trạng thiếu đói và động viên nhân dân đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong những ngày nước lũ cô lập. 

Còn tại huyện Kỳ Sơn, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa lớn kéo dài dẫn đến nước suối dâng cao gây ngập úng, cuốn trôi cầu tạm ở nhiều bản đồng bào dân tộc. Để kịp thời khắc phục hậu quả, chính quyền địa phương, lực lượng công an và bộ đội biên phòng, dân quân xã đến các địa bàn ngập úng, có nguy cơ bị sạt lở đất để vận động nhân dân sơ tán người và di dời tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm; khơi thông các đoạn đường bị sạt lở, ách tắc đảm bảo xe máy có thể đi qua...

Mưa lũ hoành hành: 28 người chết và mất tích

Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai (PCTT), nửa đêm ngày 19-7, tại khu vực làng Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) xảy ra trận lũ quét kinh hoàng đã cuốn trôi 3 căn nhà sàn, khiến 2 người chết, 2 người đang mất tích và 3 người bị thương. 

Cụ thể 4 người bị cuốn trôi gồm: bà Lê Thị Tắm (sinh năm 1930), anh Vi Văn Thiên (sinh năm 1968), chị Hà Thị Biển (sinh năm 1990) và cháu Vi Huyền Trang (sinh năm 2014). Đến sáng nay (20-7), lực lượng cứu nạn cứu hộ và nhân dân địa phương đã tìm thấy thi thể 2 nạn nhân (bà Lê Thị Tắm và anh Vi Văn Thiên), 2 nạn nhân còn lại vẫn chưa được tìm thấy. Ngoài ra, còn có 3 người khác bị thương hiện đang được điều trị tại bệnh viện. 

Hiện nay, công tác cứu hộ, cứu nạn đang được chính quyền địa phương tập trung cao độ để khắc phục hậu quả trận lũ quét này. Ngoài ra, huyện Lang Chánh đã phải di dời hàng chục hộ dân ở khu vực bản Trải, thị trấn Lang Chánh. 

Tại thôn Bắc Nặm, xã Giao An, chính quyền địa phương cũng phải di dời 4 hộ dân đến nơi ở an toàn. Hiện tại, các tuyến tỉnh lộ 530, 530B đang có nhiều đoạn bị sạt lở nặng khiến giao thông bị chia cắt. Huyện đang huy động các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả đợt thiên tai này.

Còn tại Yên Bái, ngay trong ngày đã có nhiều đoàn công tác đến các xã bị cô lập chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là công tác tìm kiếm người mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên ngay các hộ gia đình bị thiệt hại. 

Bước đầu, tỉnh đã quyết định hỗ trợ 10 triệu đồng/người đối với hộ gia đình có người chết, mất tích; hỗ trợ 2,5 triệu đồng đối với người bị thương; hỗ trợ 25 triệu đồng đối với gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; hỗ trợ 10 triệu đồng đối với gia đình có nhà bị hư hỏng nặng. 

Với các nhà bị sập hoàn toàn, mỗi hộ tạm thời được hỗ trợ 15kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian 2 tháng để người dân ổn định cuộc sống và sản xuất.

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban Thường trực Hoàng Văn Thắng cũng đã đến huyện Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái để trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do lũ quét, sạt lở đất. Nhiều tuyến đường tại Yên Bái, Sơn La, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh bị sạt lở nghiêm trọng, khiến giao thông ách tắc, chia cắt.

Ngọc Yến


Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thuỷ văn quốc gia, mực nước sông Thao tại Yên Bái vẫn đang lên cao. Từ hôm nay đến hết ngày 22-7, toàn tỉnh Yên Bái tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông, lượng mưa phổ biến từ 100 - 150mm, có nơi trên 150 - 250mm. 

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và lũ quét có nguy cơ cao xảy ra ở các huyện thuộc tỉnh Yên Bái như: Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trấn Yên, Văn Yên, Thị xã Nghĩa Lộ. Ngoài ra, các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh cũng có nguy cơ cao xảy ra hình thái thiên tai nguy hiểm.

Trong khi hoàn lưu bão số 3 đang gây mưa lớn cho các tỉnh phía Bắc, trên biển Đông lại xuất hiện một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 hoạt động trên khu vực phía Bắc biển Đông. 

Dự báo, đến chiều ngày 21-7, ATNĐ sẽ gây nguy hiểm từ vĩ tuyến 17,5-20,5 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông. Trước diễn biến trên, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã có công văn gửi các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, thông báo cho các chủ tàu, thuyền hoạt động trên biển biết để di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm cũng như sẵn sàng phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.                                       

CL

X.Mai - Ng.Khánh - M.Tâm
.
.