Hoàn thiện hệ thống pháp luật về Cảnh sát cơ động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Chủ Nhật, 11/10/2020, 08:58
Vừa qua, Bộ Công an đã tổ chức phiên họp đầu tiên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) dưới sự chủ trì của đồng chí Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an. Đây là một dự án luật quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho CSCĐ thực hiện nhiệm vụ áp dụng biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình mới.


Pháp lệnh bộc lộ bất cập, vướng mắc

Ngày 23/12/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thông qua Pháp lệnh CSCĐ và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Pháp lệnh được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng CSCĐ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Sau 5 năm thực hiện pháp lệnh, lực lượng CSCĐ đã được đầu tư xây dựng và trưởng thành, phát huy được vai trò là lực lượng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là triển khai thực hiện các phương án tác chiến trấn áp kịp thời mọi hoạt động gây phương hại đến an ninh, trật tự, bạo loạn vũ trang, khủng bố, biểu tình bất hợp pháp; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí, tham gia đấu tranh triệt phá các băng ổ nhóm tội phạm có tổ chức…

Xây dựng hành lang pháp lý vững chắc cho CSCĐ thực hiện yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ CSCĐ tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, có tinh thần sẵn sàng chiến chiến đấu cao và kỷ luật công tác chặt chẽ; cơ sở vật chất, trang bị phương tiện, doanh trại, điều kiện làm việc cho lực lượng CSCĐ đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an từng bước quan tâm đầu tư, hợp tác quốc tế về CSCĐ được mở rộng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau 5 năm thi hành, Pháp lệnh CSCĐ đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc.

Cụ thể, Pháp lệnh chưa thể chế đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng về quốc phòng, an ninh nói chung, hoạt động của CSCĐ nói riêng; chưa đáp ứng yêu cầu luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013; nội dung của một số luật có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ quy định còn mang tính khái quát, chưa cụ thể. Một số nội dung của Pháp lệnh đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của CSCĐ trong tình hình hiện nay.

Cần thiết ban hành luật

Theo Bộ Công an, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh đối với lực lượng Công an nhân dân nói chung, CSCĐ nói riêng. Tại Nghị quyết số 40-NQ/TW ngày 08-11-2004 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CAND trong tình hình mới, trong đó đã khẳng định: “Tăng cường lực lượng CSCĐ chống bạo loạn, khủng bố, bố trí lực lượng này ở những địa bàn trọng điểm, với trang bị phù hợp và sự chỉ huy thống nhất…”.

Tiếp đó, tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII của Đảng Cộng sản Việt Nam về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 5/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia cũng đều xác định: Ưu tiên kinh phí, đầu tư trang bị phương tiện đối với lực lượng an ninh, tình báo, Cảnh sát cơ động, kỹ thuật nghiệp vụ, an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy và lực lượng phòng cháy, chữa cháy; bảo đảm lực lượng an ninh, tình báo, Cảnh sát cơ động, kỹ thuật nghiệp vụ, an ninh mạng tiến thẳng lên hiện đại.

Các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước nêu trên đã đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đúng đắn thành các quy định của pháp luật để tăng cường trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Cảnh sát cơ động đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Đồng thời trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, CSCĐ là lực lượng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang, vì vậy nhiều hoạt động của CSCĐ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân như: Huy động người, phương tiện; trưng dụng tài sản phục vụ hoạt động của CSCĐ; yêu cầu các cơ quan cung cấp sơ đồ, thiết kế, bản vẽ công trình và được vào nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ nhưng mới được quy định ở Pháp lệnh và các văn bản dưới luật. Do đó, cần thiết phải luật hóa các quy định này để bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 cũng như tạo lập cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, đầy đủ cho CSCĐ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Cũng theo Bộ Công an, một số quy định tại các luật chuyên ngành như: Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013... có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động nhưng mới dừng lại ở các nguyên tắc chung, chưa được quy định cụ thể gây khó khăn cho CSCĐ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cụ thể như: Chưa xác định CSCĐ là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia; chưa quy định cụ thể thẩm quyền quyết định sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ khi ra quân thực hiện nhiệm vụ theo đội hình chiến đấu…

Bên cạnh đó, Ban Bí thư đã kết luận về việc thôi thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Bộ Tư lệnh CSCĐ; quy định về thẩm quyền điều động lực lượng CSCĐ trong Pháp lệnh chưa đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với tương quan lực lượng CSCĐ ở Trung ương và địa phương; quá trình ra quân giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự của CSCĐ có sự phối hợp vào cuộc của nhiều lực lượng thuộc các Bộ, Ban ngành và địa phương tuy nhiên Pháp lệnh chưa có quy định về cơ chế phối hợp, chỉ huy, chỉ đạo khi thực hiện nhiệm vụ, nhất là các vụ việc phức tạp phải điều động lực lượng CSCĐ ở Bộ tăng cường cho các địa phương.

Trong những năm qua, tình hình chính trị thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, khủng bố quốc tế, biểu tình, bạo loạn ngày càng gia tăng với quy mô, phạm vi lớn… Trong khi đó nước ta đang trong quá trình hội nhập và phát triển, là điểm đến an toàn, thân thiện, hòa bình của các quốc gia, tổ chức quốc tế và người dân các nước. Chúng ta đã và sẽ tiếp tục chủ trì đăng cai tổ chức các hội nghị cấp cao, thượng đỉnh quốc tế, khu vực.

Các thế lực phản động trong và ngoài nước với nhiều âm mưu, thủ đoạn tiếp tục chống phá nước ta, đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kích động quần chúng nhân dân tham gia biểu tình, bạo loạn; hoạt động của các loại tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt gây nhiều lo lắng cho quần chúng nhân dân… Vì vậy, yêu cầu trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của CSCĐ ngày càng nặng nề và phức tạp hơn, cần có các quy định cụ thể tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho CSCĐ thực thi nhiệm vụ, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới.

Như vậy, việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật CSCĐ là rất cần thiết nhằm cụ thể hóa quy định có liên quan của Hiến pháp; tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng; khắc phục một số bất cập, hạn chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của CSCĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nguyễn Hương
.
.