Hiệu quả từ các mô hình đảm bảo ANTT ở vùng biên

Chủ Nhật, 22/04/2018, 09:42
Công an huyện An Phú đã triển khai, thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình đảm bảo ANTT từ cơ sở, như: “Rủ nhau làm tốt”, “Tiếng loa an ninh”, “Camera an ninh”, “Thắp sáng lộ giao thông nông thôn”, “Doanh nghiệp với công tác ANTT”…


Huyện An Phú (tỉnh An Giang) có đường biên giới khá dài, giáp với nhiều huyện của Vương quốc Campuchia. Những năm trước đây, tình hình an ninh trật tự (ANTT) khá phức tạp… 

Trước tình hình trên, Công an huyện An Phú đã triển khai, thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình đảm bảo ANTT từ cơ sở, như: “Rủ nhau làm tốt”, “Tiếng loa an ninh”, “Camera an ninh”, “Thắp sáng lộ giao thông nông thôn”, “Doanh nghiệp với công tác ANTT”…

Phát huy hiệu quả rõ nhất là mô hình “Camera an ninh”, “Thắp sáng lộ giao thông nông thôn”. Đến nay, toàn huyện đã lắp đặt được 356 “mắt thần” trên khắp 14 xã, thị trấn và hệ thống đèn đường thắp sáng lộ giao thông nông thôn với 12/14 xã, thị trấn.

Qua trích xuất Camera an ninh, Công an xã, thị trấn đã phát hiện và xử lí hơn 103 trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có 17 vụ phạm pháp hình sự, 85 vụ vi phạm hành chính... 
Công an huyện An Phú gắn bó mật thiết với cộng đồng người Chăm ở cơ sở.

Điển hình, vào ngày 30-3, quan sát trên hệ thống Camera Công an thị trấn An Phú phát hiện nhóm đối tượng trộm cắp tài sản trên địa bàn trước đó, bỏ trốn khỏi địa phương. Sau khi nhận dạng đối tượng, Công an thị trấn đã mời 3 đối tượng về trụ sở làm việc. 

Tại đây, các đối tượng khai nhận, vào sáng 15-3, Lê Thị Mai (51 tuổi), cùng 2 đứa con là Nguyễn Văn T. (12 tuổi, cùng ngụ thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn) và Phạm Văn Beo (19 tuổi, ngụ phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đi xe gắn máy đến các địa phương khác để tìm tài sản lấy trộm. Khi đến địa bàn thị trấn An Phú, Beo vào tiệm Internet để chơi game ngồi chờ, còn Mai dẫn T. đi xung quanh khu vực thị trấn giả vờ bán vé số để thăm dò. 

Phát hiện nhà ông Nguyễn Văn Mỹ (ngụ ấp An Hưng, thị trấn An Phú) mở cửa không có người trông coi, nên Mai đứng ngoài cảnh giác, còn T. liền lẻn vào lấy trộm 1 ĐTDĐ, 1 Ipad, 1 đồng hồ thông minh, tổng trị giá tài sản khoảng 5 triệu đồng. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, 3 mẹ con mang đi tiêu thụ và tẩu thoát khỏi địa phương…

Được Công an tỉnh An Giang chọn là một trong những mô hình đạt hiệu quả cao trong công tác gìn giữ ANTT cơ sở, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện mô hình “Rủ nhau làm tốt” của Công an xã Khánh Bình (huyện An Phú) đã phát huy tối đa vai trò của người có uy tín trong tôn giáo và người dân tộc Chăm. Từ đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật và quản lý, giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến, người có tiền án, tiền sự trong cộng đồng … 

Công an địa phương đã bố trí, phân công đội ngũ Cán bộ, chiến sĩ có tinh thần trách nhiệm cao, gắn bó mật thiết với bà con, gần gũi, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đề đạt của những người có uy tín trong cộng đồng người Chăm, thường xuyên phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan tới đồng bào dân tộc thiểu số để bà con giáo dân nắm bắt. Đặc biệt, nhờ vào sự gắn kết, phối hợp giữa Công an cơ sở và bà con mà tình hình trộm cắp đã bị “xóa sổ” trên địa bàn xóm Chăm.

Thượng tá Huỳnh Văn Đảm, Trưởng Công an huyện An Phú, cho biết: “Để xây dựng và duy trì các mô hình một cách có hiệu quả, Công an huyện An Phú đã thực hiện tốt công tác dân vận khéo. 

Cụ thể, trong năm 2017 với mô hình “Doanh nhân với công tác ANTT”, Công an huyện đã vận động xã hội hóa hơn 830 triệu đồng từ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Việc phát huy tối đa các nguồn lực cùng sự phối hợp chặt chẽ của Công an huyện và nhân dân đã giúp huyện An Phú kéo giảm hơn 32% các vụ phạm pháp hình sự so với năm 2016; tỷ lệ giải quyết tin tố giác tội phạm hơn 90%; kết quả điều tra phá án đạt trên 95%; không để tồn tại các băng nhóm tội phạm, các tụ điểm đá gà, đánh bạc, các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn”.

Trần Lĩnh
.
.