Giúp người lầm lỡ hoàn lương, trở thành người có ích

Thứ Ba, 14/05/2019, 09:05
Công an quận 8 phối hợp với Ủy ban MTTQ quận 8 thường xuyên có các buổi tiếp xúc, gặp gỡ lắng nghe tâm tư nguyện vọng của những người lầm lỡ để cảm hóa...

Quận 8 (TP Hồ Chí Minh) là địa phương đang quản lý 1.585 người đã chấp hành xong án phạt tù và thuộc diện tái hòa nhập cộng đồng. Những người này thường có tâm lý tự ti, mặc cảm và dễ bị lôi kéo quay trở lại con đường lầm lỗi nếu như không có sự quan tâm, hỗ trợ về mặt tinh thần cũng như giúp họ có một công việc để hòa nhập với cuộc sống, làm lại cuộc đời. 

Xuất phát từ những khúc mắc trên, Công an quận 8 phối hợp với Ủy ban MTTQ quận 8 thường xuyên có các buổi tiếp xúc, gặp gỡ lắng nghe tâm tư nguyện vọng của những người lầm lỡ để cảm hóa. Trên địa bàn quận  hiện có hơn 1.000 người như thế đã có công ăn việc làm ổn định, có ý thức chấp hành pháp luật tốt, có những người vươn lên làm giàu chính đáng…

Khi chúng tôi đến tìm, tiệm bán hoa của anh Mai Thanh Long (48 tuổi, ngụ phường 2) có khá nhiều khách ra vào mua hoa. Nhìn anh Long đang tất bật gói hoa cho khách với gương mặt vui vẻ, không ai ngờ trước đây anh từng một thời lầm lỡ, nhiều lần bị “nhập trại” bởi nhiều tội, trong đó có tội buôn bán ma túy. Sau khi chấp hành 4 năm án phạt, anh Long trở về bị mọi người nhìn bằng ánh mắt e dè, xa lánh. 

“Đâu ai có thể tin ngay một thằng vừa mới ra tù với chiến tích đầy người như mình có thể làm lại cuộc đời, ngay cả mình cũng không nghĩ là mình làm được. Có những lúc rơi vào bế tắc nhưng nghĩ lại cảnh tượng trước đây làm khổ người thân, gia đình khiến mình nung nấu quyết tâm làm lại. Rồi nhờ những lời động viên chân thành của các đoàn thể, của cán bộ Công an quận 8 khuyến khích mình quay lại với cuộc sống. Tiệm hoa nhỏ với thu nhập khoảng 10 triệu/tháng cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình nhưng cái được hơn là mình thấy được thoải mái trong tâm hồn”, anh Long tâm sự.

Anh Long bên tiệm hoa tươi của mình.

Cũng từ những chuyển biến tích cực sau khi tái hòa nhập cộng đồng, anh Long được Công an quận 8 hướng dẫn thủ tục xóa án tích, làm lại toàn bộ giấy tờ tùy thân.

Chia tay anh Long, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ tại phường 7, quận 8. Đấy là nhà của anh Phạm Thế Tiến (40 tuổi). Hôm ấy, căn nhà rộn ràng tiếng máy may, hàng hóa thành phẩm chất đầy một góc nhà. Cơ sở của anh Tiến khá khiêm tốn để đặt vừa 15 bàn may gia công và nơi làm việc của hơn 20 người. “Cực một tí nhưng mình thấy mình còn có ích cho gia đình và không là gánh nặng của xã hội”, anh Tiến hồ hởi. 

Theo lời kể, những năm tháng trai trẻ, anh Tiến nổi tiếng trong xóm là thành phần bất hảo, ăn chơi, chích hút và thường xuyên tham gia các vụ đánh nhau ngoài đường. Sau khi chấp hành 3 năm án phạt, trở về địa phương tuổi cũng không còn trẻ, nhận thức được những ánh mắt nghi kỵ của một người lông bông, không nghề ngỗng khiến anh Tiến chạnh lòng, nhiều đêm mất ngủ. Những ngày anh từ trại về, các anh bên Công an quận thường xuyên ghé thăm động viên và tìm cách để anh Tiến có công việc ổn định, không là gánh nặng của gia đình và xã hội. 

“Nhận thức được việc mình phải thoát ra khỏi cái bóng lầm lỗi của mình, tôi học lấy cái nghề may rồi ky cóp nhiêu năm trời nay cũng có một cơ sở may gia công ổn định, thu nhập cũng đủ trang trải. Ngoài việc tự lo cho mình, cơ sở của tôi cũng thu nhận những người lầm lỡ giống mình, cho họ cái nghề để họ kiếm sống chân chính, không phải vướng vào những tệ nạn ngoài xã hội”, anh Tiến chia sẻ.

Trung tá Huỳnh Quang Thiện, Phó Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào bảo vệ dân phố, Công an quận 8 cho biết, có những trường hợp người chấp hành xong án tù trở về địa phương đã quay lại “đường cũ” chỉ vì những ánh mắt nghi kỵ từ cộng đồng, vì không có công ăn việc làm, thu nhập lại có lý lịch “đen”. 

Nắm bắt được tâm lý này, sau những lần tiếp xúc lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của họ, những trường hợp có ý chí vươn lên làm lại cuộc đời, lãnh đạo Công an quận đã chỉ đạo CSKV, Đội Thi hành án và Hỗ trợ tư pháp xuống địa phương hỗ trợ làm thủ tục xóa án tích. Những trường hợp khó khăn, Công an quận cũng đến các cơ quan có liên quan nhanh chóng làm lại các thủ tục, hoàn chỉnh các loại giấy tờ, tìm kiếm công ăn việc làm để họ sớm ổn định cuộc sống. 

Quận 8 vẫn còn gần 500 trường hợp gặp khó khăn khi tái hoà nhập, chưa có việc làm hoặc việc làm chưa ổn định, còn mặc cảm tự ti, dễ bị lôi kéo vi phạm pháp luật. Với những trường hợp này, từng cá nhân, từng hoàn cảnh cụ thể sẽ được Công an quận 8 ghi nhận và phối hợp với các ban, ngành chức năng hỗ trợ các phương tiện sinh kế như: máy may, xe bánh mì, xe máy; hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề để sớm ổn định cuộc sống, tránh xa những lỗi lầm.

Ông Mai Hồng Phong, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam quận 8 cho hay, trong thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục khảo sát và đối với những người lầm lỡ một thời có chí thú làm ăn, cố gắng vận động hỗ trợ 100% sinh kế để họ nhanh chóng có cuộc sống ổn định. 

“Khi tư tưởng đã thông, thấy mình vẫn còn có ích cho gia đình, xã hội, họ sẽ nhận thức được việc đúng sai, được sự quan tâm từ nhiều phía họ sẽ thay đổi trong suy nghĩ và làm lại cuộc đời chí thú làm ăn. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của không ít trường hợp chính là sự kỳ thị. Bởi thế, khi những người đã từng lầm lỡ có ý chí vươn lên mọi người cũng cần dành cho họ sự cảm thông, giúp họ quay trở lại với cuộc sống. Có như vậy địa phương mới đảm bảo ANTT, tội phạm tái phạm được kéo giảm.”, ông Phong bộc bạch.

Anh Thư
.
.