Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống lực lượng Tài chính CAND (17/4/1946 - 17/4/2016)

Ghi dấu ấn thầm lặng, góp phần đảm bảo tài chính phục vụ công tác, chiến đấu

Thứ Sáu, 15/04/2016, 08:21
Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ; sự giúp đỡ quý báu của các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân (CAND), lực lượng Tài chính CAND không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, đảm bảo tài chính phục vụ công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng của ngành; xứng đáng là lực lượng tham mưu đáng tin cậy về lĩnh vực tài chính trong lực lượng CAND, đóng góp tích cực, quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong các giai đoạn cách mạng của đất nước.

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân, hệ thống tổ chức CAND được hình thành; mọi nhu cầu chi tiêu phục vụ cho hoạt động, đảm bảo chế độ đãi ngộ về vật chất cho cán bộ chiến sĩ Công an ở cơ quan Bộ do ngân sách Trung ương đảm bảo, ở địa phương do ngân sách địa phương đảm bảo.

Để đảm bảo kinh phí cho các hoạt động của Nha Công an Việt Nam, ngày 17-4-1946, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Nghị định số 331/TC lập một quỹ ứng tại Nha Công an Việt Nam, trong đó quy định: Nay đặt tại Nha Công an Việt Nam một quỹ ứng là 50.000 đồng để chi các khoản kinh phí cần thiết. Việc chi tiêu do một hội đồng gồm Tổng Giám đốc Nha Công an Việt Nam, Phó Giám đốc Nha và Chủ sự văn phòng đảm nhiệm.

Lãnh đạo và cán bộ chiến sĩ Cục Tài chính.

Với việc được Nhà nước giao một quỹ ứng, cùng với quy định quy chế chi tiêu, có tổ chức tài chính, kế toán và bộ phận cán bộ được phân công làm công tác tài chính, kế toán, để đánh dấu sự kiện này, Bộ Công an đã xác định ngày 17-4 hằng năm là Ngày truyền thống của lực lượng Tài chính CAND.

Thời điểm được xác định là ngày Truyền thống của lực lượng Tài chính CAND (ngày 17-4-1946), đất nước ta đang ở vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, kinh tế vô cùng khó khăn, chúng ta phải đồng thời chiến đấu với thù trong, giặc ngoài.

Để đảm bảo công tác, chiến đấu, mỗi cơ quan và cán bộ, chiến sĩ Công an đã phải tăng gia, sản xuất tại chỗ với phương châm tự túc, tự cấp. Trong giai đoạn này, tổ chức đảm nhiệm công tác tài vụ, kế toán là một bộ phận nằm trong văn phòng cơ quan Công an các cấp.

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hòa bình lập lại ở miền Bắc, đất nước bước vào thời kỳ mới với hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Bối cảnh lịch sử đó đặt ra nhiệm vụ công tác Công an hết sức nặng nề, đòi hỏi bộ máy tổ chức, biên chế, đảm bảo kinh phí cho lực lượng Công an phải được đổi mới, củng cố, kiện toàn.

Ngày 10-5-1958, Bộ Công an đã có Công văn số 521-V8/1 quy định Phòng Tài vụ quản trị là đơn vị trực thuộc Bộ có nhiệm vụ đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất cho mọi hoạt động của cơ quan Bộ Công an và bước đầu có nhiệm vụ đảm bảo tài chính mang tính toàn ngành và cảnh trang cho lực lượng Cảnh sát nhân dân (đây là đơn vị tiền thân của Cơ quan Tài chính Bộ Công an).

Năm 1959, để tiếp tục kiện toàn tổ chức cơ quan tài vụ của Bộ nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính trong tình hình mới, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định thành lập Phòng Tài vụ - Kế hoạch trực thuộc Bộ Công an với nhiệm vụ chủ yếu là quản lý tiền, vật tư và kiến thiết.

Ngày 20-10-1961, Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ về lập và chấp hành ngân sách nhà nước. Trong thời kỳ này, cơ quan tài vụ, kế hoạch từ Bộ đến các đơn vị, địa phương đã tham mưu tích cực cho lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các khu, sở, ty trong việc lập dự toán ngân sách, sử dụng ngân sách, báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm… của ngành Công an theo đúng kỷ luật tài chính và quy định của điều lệ, đảm bảo hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, chi tiêu hợp lý, tiết kiệm, đúng mục đích…

Sau ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975), để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, ngày 6-6-1975, Quốc hội khóa V ra Nghị quyết hợp nhất Bộ Nội vụ và Bộ Công an lấy tên là Bộ Nội vụ. Cơ quan tài chính, hậu cần của Bộ cũng được củng cố, kiện toàn với Quyết định số 08/CP, ngày 21-1-1977 của Hội đồng Chính phủ. Theo đó, Vụ Tài vụ - Vật tư được tách thành Vụ Tài vụ và 4 Vụ, Cục chuyên ngành hậu cần.

Để giúp Bộ trưởng thống nhất quản lý, chỉ đạo công tác tài chính, tài sản của lực lượng CAND, ngày 25-11-1985, Bộ đã có Quyết định số 436/QĐ-BNV quy định nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Vụ Tài vụ. Đối với Công an các đơn vị, địa phương, tổ chức tài chính, kế toán cũng được kiện toàn. Đi đôi với đó, đội ngũ cán bộ làm công tác tài chính, kế toán được bố trí từ Bộ đến các đơn vị sử dụng ngân sách được củng cố cả về số lượng cũng như chuyên môn, nghiệp vụ; đáp ứng yêu cầu công tác quản lý tài chính, tài sản của các cấp Công an trong từng thời kỳ.

Nhìn lại chặng đường 70 năm đã qua, có thể khẳng định, quá trình hình thành và phát triển của lực lượng Tài chính CAND luôn gắn liền với lịch sử xây dựng và phát triển của lực lượng CAND Việt Nam. Lực lượng Tài chính CAND luôn hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo kinh phí đáp ứng yêu cầu thường xuyên và đột xuất phục vụ chiến đấu, công tác, xây dựng lực lượng của Công an các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của lực lượng CAND trong suốt thời kỳ kháng chiến, thống nhất đất nước trước đây và thời kỳ đổi mới, mở cửa hội nhập hiện nay.

Tài chính CAND đã được xây dựng thành một lực lượng có tổ chức từ Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương, có chức năng, nhiệm vụ cụ thể; công tác tài chính trở thành một bộ phận quan trọng trong tổ chức bộ máy và hoạt động của CAND.

Lực lượng Tài chính đã làm tốt chức năng tham mưu, giúp cấp ủy và Thủ trưởng Công an các cấp thực hiện chức năng quản lý về công tác tài chính, ngân sách nhà nước, kế toán, kiểm toán, giá trong lực lượng CAND theo quy định của pháp luật và chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các công tác này đối với Công an các đơn vị trực thuộc. Công tác tài chính trong CAND thời gian qua đã tập trung nguồn lực giải quyết được nhiều chủ trương, quyết sách lớn của Đảng ủy CATW, lãnh đạo Bộ, các công tác trọng tâm, địa bàn trọng điểm. Trong đó chú trọng ưu tiên giải quyết các nhu cầu cần thiết, cấp bách.

Với những nỗ lực và thành tích đạt được, lực lượng tài chính CAND đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Cục Tài chính được tặng thưởng “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng Nhì; nhiều năm liền được tặng “Cờ thi đua của Bộ Công an”; nhiều tập thể, cá nhân thuộc lực lượng Tài chính CAND được các cấp khen thưởng…

Đặc biệt, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Tài chính CAND, Cục Tài chính vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Đây là niềm vinh dự, tự hào và nguồn cổ vũ, động viên to lớn không chỉ đối với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cục Tài chính mà còn là niềm vinh dự, tự hào đối với toàn lực lượng tài chính CAND tiếp tục phát huy thành tích, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao... 

Trong khí thế thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống lực lượng tài chính CAND, CBCS lực lượng Tài chính đang ra sức cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng, góp phần xứng đáng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Thiếu tướng, TS Trịnh Ngọc Bảo Duy, Cục trưởng Cục Tài chính - Bộ Công an
.
.