Công an bơi đẩy bè đưa hàng nghìn người dân qua vùng ngập lũ

Thứ Sáu, 13/10/2017, 15:15
Tại Hòa Bình, nhiều CBCS Công an vừa bơi vừa đẩy bè mảng để đưa dân dân qua vùng lũ, lực lượng CSGT đã ngâm mình dưới nước làm cọc tiêu phân luồng giao thông.


Hòa Bình: CSGT làm cọc tiêu phân luồng giao thông

Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng Công an huyện Mai Châu cho biết, ngày từ 18h30 ngày 11-10, khi nước bắt đầu dâng cao, Công an huyện phối hợp với Ban chỉ huy Quân sự huyện và các ngành, dân quân và người dân 2 xã Tòng Đậu, Na Phon di dời 30 hộ dân và giúp dân đưa tài sản ra khỏi vùng ngập nước. 

Đến khoảng 12h đêm nước dâng ngập gần đến một số nóc nhà. Một số xe bị ngập nước đã được lực lượng cứu hộ kéo xe lên trên đèo .

Liên tục trong thời gian từ tối 11 đến nay, hàng trăm CBCS Công an, Quân đội và chính quyền, người dân các xã đã đưa hàng nghìn lượt người ở và phương tiện xe máy, xe đạp qua nơi ngập lũ.

Sáng 13-10, có mặt tại điểm ngập lũ ngã ba Tòng Đậu- Mai Châu trực tiếp chỉ huy công tác di dân, phân luồng và đưa người dân qua vùng lũ, Trung tá Hà Việt Thành, Phó trưởng Công an huyện Mai Châu cho biết, mỗi ngày Công an huyện cử 50 lượt CBCS giúp dân đưa qua vùng ngập nước. 

Đêm 12-10 do nước vẫn ngập sâu, nhu cầu đi lại của nhân dân rất lớn nên CBCS cùng các lực lượng vừa bơi vừa đẩy bè mảng chở dân qua.

Phụ trách tại đầu ngập nước tại Đồng Bảng, Mai Châu, Thượng tá Vì Văn Hiếu, Phó trưởng Công an huyện Mai Châu cho biết, Công an huyện phối hợp với Công an huyện Mộc Châu, Sơn La tổ chức phân luồng giao thông từ xa, dừng các phương tiện để ngăn không cho xe xuống địa bàn Mai Châu. 

Công an huyện phối hợp với các lực lượng và nhân dân tổ chức lấy tre, nứa đóng bè, mảng và dùng thùng phuy làm vật nổi để vận chuyển miễn phí cho dân và phương tiện qua đây.

Quốc lộ 6 đoạn từ Đồng Bảng đến qua thị trấn Mường Khến xe tắc dài khoảng 20km qua các đoạn Đồng Bảng, Mường Khến.

Tại km104+700, xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc, Hoà Bình, đoàn xe ùn tắc dài hàng km. Thanh tra giao thông đã cắm biển cảnh báo yêu cầu các phương tiện xe tải không di chuyển trên quốc lộ 6 nhưng nhiều xe chở hàng vẫn cố tình đi qua biển cảnh báo.

Đã gần 3 ngày qua, Trung tá Đỗ Anh Tuấn, Phó Trạm trưởng Trạm CSGT quốc lộ 6 cùng 7 CBCS dầm mưa, bám đường để trực tiếp phân luồng đường từ địa phận huyện Lương Sơn, cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, qua các huyện Kỳ Sơn, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, địa bàn giáp tỉnh Sơn La và khu vực TP Hoà Bình .

Đêm 12-10 nước dâng cao tại khu vực gần thị trấn Mường Khến và Tòng Đậu CSGT phải làm cọc tiêu đứng giữa vùng ngập để điều tiết giao thông. Trừ xe khách chở người dân được lưu thông trên đường còn các phương tiện được CSGT tổ chức phân luồng đường từ xa. 

Tại các điểm ngập lụt Phòng CSGT Công an tỉnh Hoà Bình phối hợp với CSGT Công an các huyện tổ chức bãi đỗ xe lưu động cho xe khách tại 2 đầu điểm ngập lũ, sắp xếp điều xe đi theo tuyến tránh gây ùn tắc giao thông, nhờ vậy tình hình giao thông đã ổn định hơn. 

CSGT khuyến cáo trên quốc lộ 6 còn nhiều đoạn đường bị chia cắt, nước ngập sâu, các phương tiện không lưu thông trên tuyến này trong vài ngày tới chờ thông đường .

Sơn La: Trắng đêm tìm kiếm người mất tích

Sáng 12-10, 2 người bị mất tích ở xã Loóng Luông do bị lũ ống cuốn trôi. Đại tá Phạm Văn Trực, Trưởng Công an huyện Vân Hồ chỉ đạo tổ công tác gồm 40 CBCS phối hợp với Ban chỉ huy quân sự huyện Vân Hồ, Công an huyện Mai Châu, và 2 xã Hang Kia, Pà Cò huyện Mai Châu, Hòa Bình tích cực tìm kiếm, đến 16h30’ đã tìm thấy thi thể hai người.

Lực lượng Công an tìm kiếm người mất tích.

Đến chiều 13-10, tuyến đường liên xã Tua Mua- Suối Vàng; Song Của - Liên Hòa giao thông vẫn đang bị chia cắt.

Mưa lũ cuốn trôi 2 cầu treo  ở khu vực Tua Mua- Suối Vàng. Đồng chí Bí thư chi bộ bản thuộc xã Liên Hòa đã bị lũ cuốn trôi và hiện đã được lực lượng cứu hộ, cứu nạn tìm thấy xác. Hiện nay, tại xã Song Của còn 1 người mất tích chưa tìm thấy thi thể, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã đào bới các điểm bị sạt lở, tìm dọc sông suối nhưng chưa có kết quả. Nguy cơ sạt lở núi tại một số điểm thuộc huyện đã ở diện báo động.

Chiều tối 13-10, các lực lượng ở Vân Hồ vẫn đang dựng lều bạt để cho người dân ở, gia cố những ngôi nhà bị tốc mái và đảm bảo cho người dân được an toàn, không bị đói.

Đêm nay, hàng trăm người ở huyện Vân Hồ vẫn thức trắng để chống lũ và tìm kiếm người mất tích. CGST đi dọc các tuyến đường để điều tiết giao thông và hướng dẫn nhân dân không đi vào vùng có nguy cơ lũ ống, sạt lở.

Từ 3 ngày nay, Thiếu tá Lường Khánh Toàn, Phó trưởng Công an huyện Vân Hồ cùng 35 CBCS đã có mặt tại địa bàn này, bám dân, bám bản để làm công tác di dời dân và cứu hộ, cứu nạn. Đến nay, toàn huyện Vân Hồ đã di dời được 60 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

100%  CBCS trực chiến và đang chia thành nhiều tổ công tác tham gia công tác di dời dân và phòng, chống, khắc phục hậu quả do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét gây ra. 

Hà Nam: Tăng cường phòng chống các tuyến đê

Do tình hình mưa, lũ trên địa bàn Hà Nam tiếp tục có những diễn biến phức tạp, mực nước ở sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Châu Giang tiếp tục dâng cao, vì vậy ngay trong đêm 12-10, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các đơn vị Công an trong tỉnh, công an các huyện, thành phố duy trì ứng trực 100% quân số; huy động trên 500 cán bộ, chiến sỹ xuống địa bàn, những điểm có nguy cơ cao xảy ra vỡ đê, bối, những điểm bị ngập nặng…để phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương gia cố đê điều; sơ tán nhân dân; giúp dân di chuyển tài sản, thu hoạch lúa mùa; bảo đảm ANTT …

Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đại tá Kiều Hữu Tuyển, Phó Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Tỉnh và TP. Phủ Lý kiểm tra tuyến đê bối tại thôn Triệu Xá, xã Liêm Tuyền, TP. Phủ Lý trong đêm 12-10.

Lượng Cảnh sát giao thông tập trung bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến, kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, đò ngang, nơi có nguy cơ sạt lở nguy hiểm để cảnh báo cho người dân. 

Lực lượng cảnh sát hình sự; cảnh sát trật tự… tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm lợi dụng trộm cắp tài sản… Đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, doanh trại, nơi giam giữ; các mục tiêu kinh tế, chính trị .

Thanh Hóa: Dọn dẹp nhà cửa, gặt lúa giúp dân

Trong nhiều ngày qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra mưa rất to, gây lũ ống, lũ quét làm nhiều địa phương bị cô lập, thiệt hại nghiêm trọng về người, nhà cửa, hoa màu, gia súc và các công trình công cộng. 

Ngay sau khi mưa tạnh, một số điểm trên địa bàn tỉnh nước lũ đã rút, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh vẫn tiếp tục sát cánh cùng nhân dân, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, phối hợp với các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống. 

Khắc phục hậu quả sau lũ.
Tại thôn Đoài, xã Hà Lan, Thị xã Bỉm Sơn mưa lũ đã làm nhiều diện tích lúa và hoa màu bị ngập trong nước, Phòng Cảnh sát PCCC số 3 đã huy động gần 20 CBCS xuống địa bàn hỗ trợ người dân thu hoạch hoa màu, tránh bị ngập úng. Một số hình ảnh CBCS giúp dân thu hoạch lúa: Phòng Cảnh sát PCCC số 5 và PCCCC số 6, Cảnh sát PCCC tỉnh Thanh Hóa cũng đã điều động hàng chục CBCS xuống địa bàn hai huyện Thọ Xuân và huyện Vĩnh Lộc cùng người dân dọn dẹp nhà cửa, trường học; khơi thông lại các đường rãnh, mương nước, đường giao thông nông thôn đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. 

Hơn 60 đoàn viên thanh niên Cảnh sát PCCC tỉnh Thanh Hóa tham gia phối hợp với đoàn viên thanh niên phương Đông Hải, TP. Thanh Hóa tham gia dọn dẹp vệ sinh các khu vực trên địa bàn đóng quân.

Giúp dân thu hoạch lúa.

Chủ động ứng phó với bão số 11 đang mạnh lên trên biển

Ngày 13-10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 82 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên, khu vực Bắc Bộ; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 11.

Áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông của Philippin đã mạnh lên thành bão và có tên quốc tế là Khanun

Nội dung công điện nêu rõ, để chủ động ứng phó với bão số 11, đối với khu vực trên biển, ven bờ, thường xuyên cập nhật thông tin, lực lượng chức năng cần thông báo kịp thời cho các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. 

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 14,0 đến 21,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 113 độ Kinh Đông và sẽ được điều chỉnh tại các bản tin tiếp theo của cơ quan dự báo. 

Ngoài ra, Công điện còn yêu cầu theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo.

Đối với khu vực đất liền, cần kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, công trình hồ đập và khu vực hạ du, nhất là các hồ chứa xung yếu, hồ chứa nhỏ đầy nước, đặc biệt là ở những địa phương đang chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ sau áp thấp nhiệt đới vừa qua. Sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

NY

Nghệ An: Công an, quân đội ứng cứu chống vỡ đê

Thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp, mưa lớn kéo dài trong những ngày qua làm nước lũ tại sông Vinh dâng cao, khiến cho tuyến đê của phường Vinh Tân có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Trước tình trạng đó, UBND TP.Vinh đã huy động lực lượng Công an, bộ đội, dân quân tự vệ và người dân tham gia ứng cứu đê, đảm bảo tính mạng cho người dân.  

Nằm ở đê phía Nam sông Vinh, hiện còn 122 hộ của 5 khối đang bị ngập và cô lập hoàn toàn. Đoạn đê chảy qua phường Vinh Tân dài 2,2km có nguy cơ cao bị sạt lở và vỡ đang cần được gia cố. 

Lực lượng Công an, quân đội đóng cọc tre chống vỡ đê.

UBND thành phố Vinh và phường Vinh Tân đã điều động 2 xe máy xúc, 10 xe tải và 500 chiến sỹ Công an, quân đội, dân quân tự vệ và nhân dân khẩn trương triển khai gia cố đê và sẵn sàng sơ tán dân. Trong đó, 200 chiến sỹ Công an TP Vinh cùng với  Công an phường Vinh Tân đã triển khai lực lượng kịp thời để giúp người dân vượt qua khó khăn.

Sử dụng bao cát và rọ đá gia cố tại những vị trí xung yếu

Hiện các lực lượng đã, đang, tiếp tục đóng cọc tre, sử dụng bao cát và rọ đá gia cố tại những vị trí xung yếu. Lãnh đạo thành phố Vinh cũng đang vận động người dân có các biện pháp chủ động ứng phó nếu vỡ đê, như chuẩn bị nhu yếu phẩm, di dời người tài sản lên những vị trí cao và tại UBND phường Vinh Tân.

Thái Bình: Xuống đồng giúp dân gặt lúa.

Để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, hơn một nghìn đoàn viên thanh niên Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố đã tới các xã, thị trấn, xuống đồng giúp người dân gặt lúa. 

Công an Thái Bình gặt lúa giúp dân.

Tại địa bàn, lực lượng đã ưu tiên, bằng mọi biện pháp giúp đỡ thu hoạch những diện tích lúa đã chín tại các gia đình chính sách, gia đình neo đơn trước với phương châm "xanh nhà hơn già đồng". 

Được biết, đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực nhiều năm qua được tuổi trẻ Công an tỉnh triển khai mỗi khi địa bàn bị mưa lớn, bão, lũ. Qua đó giúp góp phần làm bền chặt hơn mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa lực lượng Công an và nhân dân.

Duy Hiển- Anh Hiếu-Anh-Đoàn - Tô Thủy - Vân - Vy - Minh Khôi – Xuân Bắc
.
.