Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong CAND

Thứ Sáu, 17/06/2016, 09:16
Đại tá, TS Nguyễn Văn Ly, Cục trưởng Cục Đào tạo - Tổng cục Chính trị CAND khẳng định, cùng với quá trình hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng CAND, công tác giáo dục đào tạo, bồi dưỡng trong lực lượng CAND đã có những bước phát triển vượt bậc, tích cực hòa nhập với tiến trình đổi mới chung của nền giáo dục quốc dân.

Chất lượng giáo dục không ngừng nâng cao, không chỉ đáp ứng yêu cầu bổ sung nguồn nhân lực “vừa hồng vừa chuyên” của lực lượng Công an mà còn mở rộng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, chính quyền non trẻ vừa mới ra đời đã phải đối phó với thù trong, giặc ngoài nhưng Đảng và Chính phủ đã rất quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo cả nước nói chung và giáo dục, đào tạo trong CAND nói riêng. 

Ngày 25-6-1946, Bộ Nội vụ đã ban hành Nghị định số 215/NV-P2 về việc thiết lập tại Nha Công an Trung ương những lớp huấn luyện Công an sơ cấp và trung cấp. Đây là Nghị định đầu tiên của Chính phủ (Bộ Nội vụ) về công tác đào tạo của lực lượng CAND, đánh dấu bước phát triển của công tác đào tạo, xây dựng lực lượng sau khi Việt Nam Công an vụ được thành lập. 

Ngày 31-12-1949, Bộ Nội vụ ban hành Nghị định số 385/NV-P2 về việc mở những lớp huấn luyện chuyên nghiệp trong ngành Công an, từ đây, trường Công an Trung cấp được thành lập. Đặc biệt, ngày 16-2-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141-SL đổi tên Nha Công an thành Thứ Bộ Công an trực thuộc Hội đồng Chính phủ. 

Trong Tổ chức Thứ Bộ Công an, Phòng nhân sự với nhiệm vụ nghiên cứu chương trình giáo dục chính trị và nghiệp vụ; nghiên cứu phương pháp học tập, tổng kết và phổ biến kinh nghiệm giáo dục, từ đây trường Công an Trung cấp được đổi tên thành trường Công an Trung ương. 

Cục Đào tạo triển khai công tác.

Thực hiện các Sắc lệnh, Nghị định của Chính phủ về công tác giáo dục, đào tạo, đến năm 1953 đã bước đầu hình thành hệ thống các trường Công an, trong đó có Trường Công an Trung ương và trường Công an sơ cấp ở các liên khu.

Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam (1954-1975), Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an đã có những chủ trương quyết sách đúng đắn, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, đào tạo trong CAND phát triển cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Các trường đã đào tạo, bồi dưỡng hàng chục vạn cán bộ Công an vững về chính trị, sắc bén về nghiệp vụ, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; dũng cảm, mưu trí và sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó...

Trong 30 năm đổi mới (1986-2016), công tác giáo dục, đào tạo trong CAND đã có bước phát triển mới và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cơ cấu hệ thống các học viện, trường CAND có sự thay đổi mạnh mẽ, chuyển từ tập trung đào tạo trung cấp và sơ cấp sang tập trung đào tạo cao đẳng, đại học và sau đại học; hệ thống các trường đại học được mở rộng, các trường cao đẳng được tái thành lập, các trường trung cấp được sáp nhập và nâng cấp; thành lập và kiện toàn hệ thống các trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ. 

Kế hoạch chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng theo hướng tăng dần và bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chỉ tiêu đào tạo chính quy và không chính quy. Nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy tiếp tục được đổi mới, bảo đảm tính khoa học và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đội ngũ giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được tăng cường về số lượng và chất lượng. Chế độ, chính sách đối với giảng viên, giáo viên từng bước được quan tâm hoàn thiện. 

Mối quan hệ hợp tác ngoài ngành và hợp tác quốc tế về đào tạo được mở rộng, góp phần nâng cao vị thế của các trường CAND và lực lượng CAND Việt Nam trong nước và quốc tế. Hầu hết các học viện, trường đều ổn định về địa điểm và được xác định quy mô đào tạo đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và được phê duyệt quy hoạch tổng thể, từng bước đầu tư cơ sở vật chất theo quy mô, nhiệm vụ đào tạo được giao.

Anh Hiếu
.
.