Đề xuất nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay

Thứ Bảy, 10/06/2017, 11:37
Vừa qua, tại TP Đà Nẵng, Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) và Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc CATP Đà Nẵng đồng chủ trì hội thảo khoa học "Công tác vận động quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn TP Đà Nẵng". Phó Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã tham dự Hội thảo.


Các tham luận tại Hội thảo đã khẳng định, Đà Nẵng luôn xác định công tác vận động quần chúng tham gia phòng chống tội phạm là một trong những biện pháp cơ bản, chiến lược, tạo thế trận phòng ngừa vững chắc và là nền tảng triển khai các mặt công tác Công an trong giai đoạn hiện nay.

Qua các chương trình hành động của thành phố, đã xuất hiện 132 mô hình hay, biện pháp thực hiện vận động quần chúng phòng chống tội phạm đa dạng, phong phú, mang lại hiệu quả tích cực đối với công tác này, đảm bảo TTATXH, điển hình như: "Liên kết xây dựng vùng giáp ranh an toàn về an ninh trật tự", "Xây dựng tổ dân phố, thôn, phường, xã, cơ quan, doanh nghiệp, trường học đạt tiêu chuẩn về an toàn an ninh trật tự", "Xây dựng tổ dân phố, thôn không có tội phạm và tệ nạn xã hội"… 

Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện CSND phát biểu tại hội thảo.

Tổng kết những mô hình hay từ cơ sở, Thành phố Đà Nẵng đã xây dựng các Chương trình như: “Thành phố 5 không, 3 có”: không có hộ nghèo đói, không có người thất học, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng và không có tội phạm giết người để cướp của; có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị. Năm 2017 Thành phố đã đề ra chương trình “ “Thành phố 4 an”: an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an ninh xã hội.

Phát hiểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, đây là sự kiện quan trọng nhằm giúp các đại biểu và các ngành của Đà Nẵng có cơ hội bàn luận làm sáng tỏ thêm những gì còn tồn tại, khiếm khuyết; đánh giá những điểm nổi bật mà Đà Nẵng đã làm được trong công tác vận động quần chúng tham gia tham gia phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, qua đó phát huy, đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu.

Đà Nẵng là địa phương có rất nhiều mô hình, phong trào sáng tạo, được cả nước biết đến. Tuy nhiên điều cần thiết là phải biết chọn lọc những mô hình hay nhất nhân rộng, chia theo khu vực thực hiện cho hiệu quả, đồng thời tiện hơn cho công tác điều hành, chỉ đạo sát hơn. Làm sao để mô hình đó vừa đại diện cho Đà Nẵng, nhưng cũng để các ngành, các cấp chọn nhân rộng thực hiện trên nhiều địa phương toàn quốc. 
Các tác gỉa tham luận tại hội thảo.

Trong đổi mới công tác vận động quần chúng, bên cạnh cách làm truyền thống, chúng ta cần phát huy thêm cách làm, cách tuyên truyền theo xu hướng hiện đại, như sử dụng các trang mạng thông tin. Bởi thời gian qua, thông qua tuyên truyền những hình ảnh đẹp trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, rất nhiều hình ảnh được cộng đồng mạng rất quan tâm, cổ vũ, trong đó có thông tin ghi nhận hàng trăm ngàn, cả triệu lượt chia sẻ. Đó cũng là cách để người dân, cả xã hội tham gia ghi nhận. 

Đối với những mô hình, cách làm của Đà Nẵng, đặc biệt là chương trình "Thành phố 4 an" đang triển khai rất thiết thực, Ban tổ chức hội thảo sẽ tập hợp nghiên cứu, từ đó có đề xuất với Bộ Công an, các ban ngành cấp trên cho nhân rộng, thực hiện ở một số địa phương của cả nước.

Công Hạnh
.
.