Dấu ấn phá án từ công tác khám nghiệm hiện trường

Thứ Tư, 03/01/2018, 10:19
Lực lượng Kỹ thuật hình sự đã trực tiếp tiến hành khám nghiệm khoảng 20 nghìn hiện trường, trong đó có trên 18 nghìn hiện trường án giết người, giúp cho công tác điều tra, khám phá án nhanh chóng, xác định chính xác đối tượng phạm tội.


Giữa tháng 12-2017, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã tổ chức tổng kết 10 năm (2006-2016) công tác khám nghiệm hiện trường (KNHT) các vụ án, vụ việc có người chết do lực lượng Kỹ thuật hình sự (KTHS) tiến hành. Qua đó,  lực lượng KTHS đã trực tiếp tiến hành khám nghiệm khoảng 20 nghìn hiện trường, trong đó có trên 18 nghìn hiện trường án giết người, giúp cho công tác điều tra, khám phá án nhanh chóng, xác định chính xác đối tượng phạm tội.

Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát, tội phạm giết người, trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 1.575 vụ, diễn biến phức tạp, tăng về tính chất, mức độ nghiêm trọng, nhất là xảy ra nhiều vụ giết người thân trong gia đình, giết nhiều người với các thủ đoạn hết sức dã man. 

Hiện trường có người chết là loại hiện trường đặc biệt trong hoạt động điều tra của lực lượng CAND. Do vậy đối với loại hiện trường này đòi hỏi phải được tổ chức khám nghiệm thật chu đáo, đúng các quy định của pháp luật, phải được tiến hành đúng quy trình và thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, với thái độ hết sức thận trọng, tỷ mỷ và khách quan.

Lực lượng khám nghiệm hiện trường truy tìm các dấu vết một vụ án ở Bình Phước.

Công an tỉnh Bình Phước cho biết, thông qua việc KNHT, khám nghiệm tử thi của vụ án Nguyễn Hải Dương giết chết 6 người trong một gia đình xảy ra ngày 7-7-2015 tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành (Bình Phước) cho thấy công tác áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại là rất quan trọng. 

Vào thời điểm đó, khoảng 6h45’, chị Đoàn Thị Cẩm Loan (SN 1975), tạm trú tại ấp 2, xã Minh Hưng là người giúp việc nhà ông Mỹ đến làm việc thì phát hiện ông Lê Văn Mỹ, bà Nguyễn Lê Thị Anh Nga và cháu Lê Quốc Anh bị giết trong phòng ngủ dưới tầng trệt. Thấy vậy, chị Loan chạy lên lầu thì phát hiện Lê Thị Ánh Linh và Dư Ngọc Tố Như cũng bị giết. Chị Loan hốt hoảng chạy xuống dưới mở cửa ra ngoài kêu cứu. Lúc này, nghe cháu Na (18 tháng tuổi) nằm trong phòng ngủ vợ chồng ông Mỹ khóc nên chị Loan chạy vào ôm cháu ra ngoài. Sau đó, những người có mặt tại hiện trường còn phát hiện cháu Vỹ chết ngoài sân gần cổng ra vào mặt đường quốc lộ 13.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo các lực lượng tiến hành ngay các biện pháp điều tra ban đầu,  quan trọng nhất là công tác bảo vệ hiện trường và tổ chức lực lượng tiến hành KNHT… 

Phòng KTHS đã huy động toàn bộ lực lượng của đơn vị gồm 11 CBCS cùng với 4 cán bộ của Cục Cảnh sát Hình sự phía Nam. Cuộc khám nghiệm được tiến hành trong 3 ngày (từ 7 đến 9-7). 

Quá trình khám nghiệm đã phát hiện và thu giữ tổng cộng 156 dấu vết, vật chứng các loại. Trong đó, đáng chú ý đã thu được dấu vết truy nguyên được đối tượng gây án, xác định được ADN để lại tại hiện trường trùng với ADN của đối tượng Dương và của đối tượng Vũ Văn Tiến để lại.

Để công tác khám nghiệm tử thi đảm bảo an toàn, nhanh chóng kịp thời, cả 6 nạn nhân đã được lần lượt chuyển đến bệnh viện huyện Chơn Thành khám nghiệm ngay sau khi từng phần hiện trường được khám nghiệm. Trong quá trình này, đã tiến hành thu mẫu vân tay, vân chân để phục vụ giám định dấu vết đường vân; thu mẫu máu để giám định AND... 

Ngoài những dấu vết trên, Công an tỉnh Bình Phước đã xác được các dấu vết khác phục vụ công tác điều tra vụ án... Mấu chốt khám phá vụ án là cơ quan Công an đã xác định được Nguyễn Hải Dương sử dụng số điện thoại tại hiện trường vào thời điểm xảy ra vụ án thông qua biện pháp nghiệp vụ. Chứng cứ sắc bén để xác định đối tượng có mặt tại hiện trường là những chứng cứ vật chất thu thập được khi KNHT.

Còn theo Công an TP Hà Nội, trong 10 năm lực lượng KTHS đã khám nghiệm hiện trường hơn 36 nghìn vụ, trong đó có 793 vụ giết người. Điển hình một số vụ án khám phá đã thể hiện vai trò quan trọng của công tác KNHT. Đơn cử vụ giết người, cướp tài sản xảy ra tại nhà số 17, ngõ 1, đường Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, phát hiện ông Nguyễn Bằng (chủ nhà) chết trên nền nhà, toàn bộ cơ thể đang trong quá trình phân hủy mạnh, xung quanh có nhiều máu, đồ vật trong nhà bị lục soát. 

Xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, thời gian xảy ra đã lâu, rất khó khăn cho việc điều tra, Công an TP Hà Nội chỉ đạo lực lượng KTHS phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự, Công quận Tây Hồ tiến hành triển khai công tác khám nghiệm. Kết quả xác định dấu vết thủ phạm để lại hiện trường là của đối tượng Đàm Văn Tuyên (SN 1988), quê Bắc Giang.

Hay như vụ giết người, cướp tài sản tại thôn Hòa Chanh, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, nạn nhân là ông Tạ Văn Cát, chủ nhà). Lực lượng KTHS phối hợp với đơn vị chức năng nhanh chóng tổ chức KNHT, tử thi và thu thập tình hình có liên quan. 

Quá trình khám nghiệm hiện trường đã thu giữ nhiều dấu vết xác định là của đối tượng Lê Ôn Tùng, trú tại huyện Ứng Hòa. Ngoài ra, Cơ quan điều tra trưng cầu giám định gen để xác định rõ hơn về đối tượng gây án. Từ căn cứ trên, Công an thành phố đã nhanh chóng bắt giữ đối tượng.

M.Hiền
.
.