Chỉ huy Công an các cấp phải đảm bảo tính chính xác thông tin dân cư
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896) của Trung ương và Bộ Công an, Công an tỉnh Bến Tre đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó nhiệm vụ thu thập, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thông tin dân cư… thuộc trách nhiệm của lực lượng Công an tỉnh.
Thượng tá Huỳnh Văn Thơm, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Công an tỉnh Bến Tre cho biết, thực hiện chỉ đạo Ban Giám đốc Công an tỉnh, đơn vị đã chủ động phối hợp cùng Công an các huyện, thành phố tổ chức tập huấn quy trình thu thập, cập nhật, chỉnh sửa và kiểm tra, phúc tra thông tin về công dân cho 100% lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an xã, phường, thị trấn trực tiếp thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để từ đó nắm vững quy trình, triển khai áp dụng, thực hiện đồng bộ, thống nhất.
“Mặc dù, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an các huyện, thành phố, cũng như Công an các xã, phường, thị trấn được giao nhiệm vụ thu thập thông tin dân cư là khá mỏng, đồng thời phụ trách nhiều lĩnh vực khác, áp lực công việc lớn nhưng bằng sự quyết tâm, hỗ trợ từ các đồng đội nên hầu hết đều hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Thượng tá Huỳnh Văn Thơm, chia sẻ.
Công an xã Bình Phú (TP Bến Tre, Bến Tre) triển khai công tác kiểm tra, phúc tra các phiếu thu thập thông tin dân cư phục vụ đề án cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về dân cư. |
Để công tác thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thực sự có hiệu quả, Ban Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre thường xuyên tổ chức, chỉ đạo các Tổ công tác, phối hợp cùng Công an các huyện, thành phố đến cơ sở nhằm tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thu thập dữ liệu dân cư và kiểm tra, phúc tra thông tin.
Đối với những trường hợp chưa thu thập được hoặc thông tin chưa đầy đủ, chính xác thì tiếp tục cập nhật, bổ sung. Đẩy nhanh tiến độ rà soát, đối chiếu thông tin đã thu thập với hồ sơ, sổ sách quản lý, tàng thư hộ khẩu, tàng thư căn cước công dân hiện đang quản lý… Từ đó, làm cơ sở báo cáo thường xuyên về tiến độ, phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện đến Ban Chỉ đạo để kịp thời tháo gỡ, khắc phục.
Song song đó, Công an các địa phương trên địa bàn tỉnh Bến Tre cũng đã chủ động, phối hợp tổ chức tuyên truyền trên hệ thống phát thanh hơn 2.600 cuộc; tuyên truyền tại Tổ nhân dân tự quản trên 8.200 cuộc; biên soạn, cấp phát trên 408.000 tờ bướm, có nội dung phổ biến với mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhất là quyền lợi và trách nhiệm của công dân trong việc cung cấp thông tin, đến từng hộ gia đình.
Toàn tỉnh Bến Tre đã thành lập 10.156 tổ thu thập thông tin dân cư (mỗi ấp/khu phố thành lập ít nhất 1 tổ) do lực lượng Công an làm tổ trưởng. Đến nay, tổng số phiếu đã thu thập là 1.517.501/1.608.307 nhân khẩu toàn tỉnh (đạt 94,4%). Công an tỉnh Bến Tre phối hợp cùng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH - Bộ Công an quét 1.497.311 phiếu thông tin dân cư, tỷ lệ phiếu đạt yêu cầu là 99,9%...
Đại tá Võ Hùng Minh, Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre cho biết, Công an các đơn vị, địa phương phải luôn quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng, đủ, chính xác, bảo mật, đảm bảo mọi biến động về thông tin dân cư của công dân phải được cập nhật kịp thời. Lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin dân cư đã thu thập trên địa bàn.
Để phát hiệu quả trong công tác thu thập dữ liệu thông tin dân cư, vai trò của Công an các xã, phường, thị trấn là hết sức quan trọng. Chính vì thế, Công an tỉnh Bến Tre chú trọng đẩy nhanh tiến độ điều động, bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, 100% xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bến Tre được bố trí Công an chính quy giữ chức vụ Trưởng Công an xã, đảm bảo đủ nguồn lực có trình độ, chất lượng thực hiện công tác thu thập dữ liệu dân cư và thực hiện quản lý, khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn.
Đối với những trường hợp công dân lớn tuổi không có đầy đủ giấy tờ tùy thân hoặc các nhân khẩu đi khỏi địa phương chưa thể thu thập được thông tin thì cán bộ Công an cơ sở phải “đi từng nhà, rà từng hộ” ghi rõ, đúng, đủ những thông tin cần thiết và thường xuyên cập nhật.