Công an các tỉnh Nam Trung bộ tập trung ứng phó với bão

Thứ Ba, 29/10/2019, 17:04

Trước những diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, có nhiều khả năng mạnh lên thành bão cùng với những cảnh báo mưa rất to, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất…các tỉnh Nam Trung bộ đã và đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.



Trao đổi với PV Báo CAND, Thượng tá Phan Văn Cường – Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Khánh Hòa và Đại tá Lương Tấn Dĩnh – Trưởng phòng tham mưu, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) Công an tỉnh Phú Yên cho biết, thực hiện công điện số 22/CĐ-V01 ngày 28-10-2019 của Văn phòng Bộ Công an và công điện của Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, trong chiều cùng ngày, Giám đốc Công an Khánh Hòa, Phú Yên đã yêu cầu công an các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão thông qua các bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin truyền thông và công điện của cơ quan có thẩm quyền; khẩn trương rà soát, tu sửa, giằng chống công sở, doanh trại, trại tạm giam, nhà tạm giữ, kiểm tra toàn bộ công cụ, phương tiện tìm kiếm cứu nạn – cứu hộ, máy phát điện, chuẩn bị vật tư xăng dầu, lương thực – thực phẩm, nước uống…để PCTT-TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”. 

Nhiều tàu cá của ngư dân Phú Yên đã néo đậu tránh bão bên dòng sông Chùa, TP Tuy Hòa.  Ảnh : Hữu Toàn

Công an các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã chuẩn bị mỗi nơi hàng chục xe ô tô, ca nô cùng với hàng trăm áo phao, phao cứu sinh, vật tư xăng dầu, thực phẩm khô… Trước khi bão ập đến cán bộ – chiến sĩ (CBCS) công an các đơn vị, địa phương thường trực xuyên suốt ngày đêm, sẵn sàng xung trận cứu nạn – cứu hộ khi có tình huống xảy ra; Cảnh sát giao thông (CSGT) tăng cường tuần tra trên các huyết mạch giao thông quốc lộ để kịp thời ngăn chặn, hướng dẫn ô tô, xe máy trên những cung đoạn có nước lũ tràn qua, các Phòng Cảnh sát Cơ động, PCCC-CNCH bảo đảm quân số 100%, kịp thời ứng phó khi có bão...

Công an Phú Yên tăng cường 2 ca nô công suất 85CV cùng 10 CBCS thường trực tại đia bàn thị xã Sông Cầu để hỗ trợ TKCN khi có sự cố xảy ra.

Tàu cá của ngư dân Nam Trung bộ neo đậu tránh bão. Ảnh : Hữu Toàn

Để tránh tình trạng chủ quan, sơ xuất, Giám đốc Công an các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã phân công các tổ công tác trực tiếp kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN, kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục thiếu sót để đảm bảo phòng tránh và hạn chế, giảm thiểu tốn thất về con người và tài sản của nhà nước và nhân dân.

Liên lạc với Thượng tá Đặng Tuấn Anh – Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Nam Trung bộ, chúng tôi được biết đến thời điểm này Tiểu đoàn 1 tại Bình Định, Tiểu đoàn 2 tại Khánh Hòa và Tiểu đoàn 3 tại Quảng Ngãi đã rà soát, kiểm tra các công cụ, phương tiện PCTT-TKCN đồng thời thường trực quân số 100% tại đơn vị trong tư thế sắn sàng “đón” bão theo phương châm “4 tại chỗ”.

Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 2 - Trung đoàn Cảnh sát cơ động Nam Trung bộ kiểm tra thiết bị kỹ thuật ca nô, sẵn sàng xung trận tìm kiếm cứu nạn khi bão lũ ập đến.  Ảnh : Hữu Toàn

Bộ đội biên phòng (BĐBP) các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã kết nối liên lạc qua hệ thống Incom để hướng dẫn thuyền trưởng các tàu cá hành nghề đánh bắt hải sản ngoài khơi khẩn trương rời khỏi tầm nguy hiểm của bão, hướng mũi lái vào các đảo và bến bãi neo đậu an toàn. 

CBCS các Đồn biên phòng trên tuyến phối hợp chính quyền các địa phương kiểm tra, hướng dẫn và hỗ trợ ngư dân neo đậu tàu thuyền tại các cảng cá tránh va đập khi có bão đến, giằng neo hàng trăm ngàn lồng bè thả nuôi tôm, cá. Theo đó, đến 16h chiều ngày 29-10, BĐBP Khánh Hòa, Phú Yên đã liên lạc, hướng dẫn 1.430 tàu cá với gần 7.500 ngư dân đang hành nghề đánh bắt hải sản xa bờ vào nơi các đảo và bến bãi neo đậu tránh bão. Các Đồn biên phòng ven biển Phú Yên cũng đã hướng dẫn cho người dân giằng neo 91.032 lồng tôm, cá.

Từ vùng biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc, chiều 29-10, ông Lê Đình Hải – Chủ tịch UBND huyện Trường Sa cho biết, đến thời điểm này các đảo đã triển khai các biên pháp chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão. Cùng với việc giắng chống các công sở, khu tập thể, chặt dọn cây xanh, chuẩn bị các phương tiện cứu nạn – cứu hộ như xuồng nhôm, ca nô, tàu, phao cứu sinh, xăng dầu, máy phát điện cùng với lương thực, thực phẩm, nước uống. Mặt khác, cán bộ – chiến sĩ ở các đảo trên quần đảo Trường Sa thường trực xuyên suốt ngày đêm, kịp thời hướng dẫn tàu cá của ngư dân vào các âu tàu neo đậu tránh bão, sẵn sàng triển khai các phương án cứu nạn – cứu hộ.

Trung tá Nguyễn Quốc Tuấn, Chính trị viên phó đảo Song Tử Tây – nơi có nhiều khả năng tâm bão đi qua cho biết, ngoài việc triển khai các biện pháp nêu trên, đơn vị còn chuẩn bị 4 máy bơm nước để chống ngập khi có triêu cường. Đến trưa 29-10, cán bộ – chiến sĩ trên đảo đã hưỡng dẫn cho 7 tàu cá của ngư dân neo đậu tránh bão trong âu tàu Song Tử Tây.

Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 2 - Trung đoàn Cảnh sát cơ động Nam Trung bộ kiểm tra công cụ, phương tiện phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Ảnh : Hữu Toàn

Trong một diễn biến có liên quan, trên các dòng sông chảy qua địa phận khu Nam Trung bộ có nhiều hồ chứa nước, đập thủy lợi, thủy điện nên trong công điện gửi đến các đơn vị, UBND các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận yêu cầu khẩn trương rà soát những vùng xung yếu ven sông Kôn, sông Cái, sông Dinh, Đà Rằng, Kỳ Lộ, Bàn Thạch để sẵn sàng di dời, sơ tán người dân ra khỏi tầm nguy hiểm của lũ quét, sạt lở đất; tăng cường kiểm tra thực hiện vận hành hồ chứa, đập thủy điện đúng quy trình quy định, không xả lũ bất thường gây thiệt hại vùng hạ du…

Đặc biệt các tỉnh nghiêm cấm tất cả các tàu cá, tàu du lịch rời cảng, bến kể từ 12h trưa ngày 30-10, buộc các ngư dân rời khỏi ao đìa, lồng bè thả nuôi tôm cá để vào bờ trước 16h chiều ngày 30-10, học sinh – sinh viên ở các trường học, cơ sở đào tạo giáo dục trên địa bàn các tỉnh nghỉ học trong hai ngày 30 và 31-10.


Hữu Toàn
.
.