Bộ Công an đề ra 6 nhóm giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng “vặt”

Thứ Năm, 27/06/2019, 13:50
Để phòng ngừa các vi phạm và tình trạng tham nhũng “vặt”, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo thực hiện 6 nhóm giải pháp trong thời gian tới.


Tham luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc được tổ chức tại Hà Nội ngày 27-6, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND, tập trung kiện toàn, tổ chức bộ máy CAND tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, động viên toàn lực lượng nỗ lực khắc phục khó khăn trong công tác, đời sống để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cũng cho biết, để ngăn chặn CBCS bị lôi kéo, dụ dỗ, tác động của mặt trái kinh tế thị trường, Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị cho CBCS, phát động nhiều cuộc vận động, học tập, chấn chỉnh nội vụ, xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh CAND, xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời thường xuyên rà soát, loại bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, tạo thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị và công dân

Để phòng ngừa các vi phạm và tình trạng tham nhũng “vặt”, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo thực hiện 6 nhóm giải pháp trong thời gian tới. Đó là, đề cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong CAND. 

Bộ Công an xác định, người đứng đầu có vai trò rất lớn trong các phong trào của đơn vị, nếu người đứng đầu gương mẫu, nói đi đôi với làm thì sẽ có tác dụng rất lớn đối với đơn vị, buộc CBCS phải tự chấn chỉnh việc làm theo đúng quy định của Ngành. 

Tổ chức, bố trí cán bộ đúng điều kiện, tiêu chuẩn quy định, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi đơn vị có cán bộ  tham nhũng, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho  người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền phòng chống tham nhũng, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên, CBCS trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong các lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, làm việc với  người dân, doanh nghiệp. 

“Bộ Công an coi giáo dục tư tưởng CBCS là nhiệm vụ thường xuyên của cấp uỷ và lãnh đạo các đơn vị để nâng cao nhận thức và hành động” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.

Tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đảm bảo ANTT thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an, tinh giản các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc. Đồng thời, ban hành, sửa đổi, bổ sung quy trình công tác liên quan đến người dân, doanh nghiệp, công khai quy trình, quy định, số điện thoại đường dây nóng tại nơi làm việc, cổng thông tin điện tử để người dân, doanh nghiệp biết, giám sát.

Nắm tình hình và tăng cường quản lý cán bộ, xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, chấn chỉnh lễ tiết, tác phong của CBCS. Kiên quyết xử lý CBCS có sai phạm  và người đứng đầu đơn vị có tham nhũng, nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Chỉ đạo Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên giám sát, thanh tra, kiểm tra, chú trọng vào các địa bàn, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm để phòng ngừa. Tăng cường, công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất để phòng ngừa, phát hiện vi phạm...

Phương Thuỷ
.
.