Bộ Công an đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ

Thứ Tư, 07/08/2019, 09:08
Bộ Công an đang đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ nhằm luật hóa các vấn đề phát sinh từ thực tiễn công tác dẫn độ và đồng bộ hóa các quy định của Luật dẫn độ mới so với các đạo luật chuyên ngành có liên quan đến dẫn độ ở Việt Nam.

Theo dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về dẫn độ và dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách và tác động về thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ của Bộ Công an, đến hết tháng 5-2019, số đối tượng có lệnh truy nã đỏ của Interpol có thông tin lẩn trốn vào Việt Nam là 317 đối tượng.

Căn cứ quy định của Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007, áp dụng điều ước quốc tế (ĐƯQT) và áp dụng pháp luật có liên quan, Bộ Công an đã tiếp nhận và xử lý 23 yêu cầu dẫn độ (YCDĐ) của nước ngoài, trong đó đã chuyển Tòa án nhân dân có thẩm quyền xem xét, giải quyết 17 YCDĐ; yêu cầu bổ sung thông tin đối với 02 YCDĐ; từ chối 3 YCDĐ không hợp lệ. Tính đến tháng 5-2019, Việt Nam hiện có trên 1200 đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 đối tượng đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Bộ Công an tổ chức bàn giao 1 đối tượng bị yêu cầu dẫn độ cho cơ quan có thẩm quyền của Liên bang Nga.

Bộ Công an đã lập và chuyển 35 hồ sơ YCDĐ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong đó đã dẫn độ được 7 đối tượng về Việt Nam; 1 đối tượng bị bắt giữ khi bỏ trốn về Việt Nam; 4 YCDĐ bị phía nước ngoài từ chối; 1 đối tượng trở về Việt Nam và ra trình báo với cơ quan chức năng về việc đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chấp hành hình phạt về tội phạm bị YCDĐ tại nước ngoài. Cũng tính đến cuối tháng 5-2019, Việt Nam là thành viên của 22 điều ước quốc tế (ĐƯQT) đa phương, 11 hiệp định tương trợ tư pháp (TTTP) song phương có quy định về dẫn độ và 12 hiệp định song phương chuyên biệt về dẫn độ; Việt Nam đang mở rộng đàm phán, ký kết ĐƯQT về dẫn độ với rất nhiều quốc gia khác…

Thông qua việc áp dụng các quy định của pháp luật về dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã lập và gửi 35 yêu cầu dẫn độ (YCDĐ) ra nước ngoài, tiếp nhận và xử lý 24 YCDĐ từ nước ngoài đối với Việt Nam, góp phần giải quyết nhiều vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội trong nước và quốc tế quan tâm; bảo đảm các yêu cầu về chính trị, đối ngoại và nâng cao uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế…

Tuy nhiên, dẫn độ là một hoạt động khá đặc thù do vừa là hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật, hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vừa là hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự. Lý luận và thực tiễn hoạt động dẫn độ ở Việt Nam đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, không khả thi, có xung đột với quy định của ĐƯQT hoặc xung đột trong chính các quy định của văn bản pháp luật trong nước, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, hoặc có quy định nhưng không thể  áp dụng được trên thực tế…

Trên cơ sở xem xét, đánh giá một cách toàn diện các yếu tố chính trị, ngoại giao, pháp luật và yêu cầu của thực tiễn, đồng thời, triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 về việc “sớm ban hành Luật dẫn độ tội phạm”, ngày 30-1-2018, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an lập đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ, trình Chính phủ trong năm 2019.

Việc lập đề nghị xây dựng, ban hành Luật Dẫn độ sẽ được thực hiện trên cơ sở tách các quy định về dẫn độ trong Luật TTTP năm 2007, đồng thời với việc nghiên cứu nội luật hoá quy định của ĐƯQT về dẫn độ, luật hoá các vấn đề phát sinh từ thực tiễn công tác dẫn độ và đồng bộ hoá giữa các quy định của Luật Dẫn độ mới với các đạo luật chuyên ngành có liên quan đến dẫn độ ở Việt Nam.

Toàn văn dự thảo Báo tổng kết thi hành pháp luật về dẫn độ và dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách và tác động về thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ åđược đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian 1 tháng kể từ ngày đăng.

Nguyễn Hương
.
.