Bảo đảm trật tự an toàn giao thông với lực lượng tối ưu nhất, phương tiện tốt nhất

Thứ Hai, 25/01/2021, 07:30
Với mong muốn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Đại hội Đảng lần thứ XIII, cũng là để người dân trên cả nước có một cái Tết trọn niềm vui, từ cuối năm 2020, lực lượng Cảnh sát giao thông trên cả nước đã ra quân với nhiều biện pháp mạnh, và xử nghiêm nhiều vi phạm.


Dù còn hơn hai tuần nữa mới đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhưng ngay từ thời điểm này, giao thông trên cả nước đã bắt đầu có những diễn biến phức tạp. Lưu lượng phương tiện gia tăng nhiều hơn trên các cung đường, nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông (TNGT) có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

Với mong muốn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Đại hội Đảng lần thứ XIII, cũng là để người dân trên cả nước có một cái Tết trọn niềm vui, từ cuối năm 2020, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) trên cả nước đã ra quân với nhiều biện pháp mạnh, và xử nghiêm nhiều vi phạm. 

Nhằm hiểu rõ hơn nỗ lực và những giải pháp của CSGT trên toàn quốc nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) dịp cuối năm, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông.

PV: Có một tin vui là lực lượng CSGT trong năm 2020 đã đảm bảo được mục tiêu an toàn giao thông với TNGT giảm cả 3 tiêu chí. Để tình hình trật tự ATGT được đảm bảo hơn nữa, từ ngày 15/12/2020, CSGT trên cả nước đã mở đợt ra quân mới. Xin đồng chí cho biết kết quả xử lý vi phạm từ ngày ra quân đến nay?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Thực hiện cao điểm đảm bảo trật tự ATGT, bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tết Nguyên đán Tân Sửu, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã huy động tối đa mọi  lực lượng phương tiện. Việc đầu tiên là chúng tôi chủ động trong việc triển khai sớm, chuẩn bị các điều kiện cần thiết. 

Đồng thời, xác định những vấn đề mang tính cốt lõi liên quan đến ATGT, như xác định tuyến đường, xác định đối tượng để xử phạt, đối tượng sẽ phải tuyên truyền, đối tượng sẽ áp dụng các biện pháp khác, để chúng ta đạt mục tiêu đầu tiên là giảm được TNGT một cách vững chắc; giảm ùn tắc giao thông; bảo vệ an toàn Đại hội Đảng thành công.

Từ ngày 15/12/2020 đến nay, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã xử lý trên đường bộ là hơn 325.400 trường hợp vi phạm, tước 30.405 giấy phép lái xe, tạm giữ gần 57.000 phương tiện. Trong đó đáng chú ý là có tới 22.800 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; 247 trường hợp lái xe dương tính với ma tuý. Trên đường thuỷ, CSGT cũng đã xử phạt 12.271 trường hợp vi phạm. Đường sắt xử phạt hơn 1.000 trường hợp, trong đó cũng đã phát hiện một số nhân viên đường sắt có sử dụng nồng độ cồn khi làm nhiệm vụ. 

Như vậy, từ ngày cao điểm đến nay, CSGT đã xử lý 339.397 trường hợp vi phạm, với số tiền xử phạt hơn 322 tỷ đồng. Nhìn vào con số xử lý vi phạm có thể thấy sự quyết tâm rất cao của lực lượng CSGT với mục tiêu rõ ràng là tập trung tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý các lỗi là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT, liên quan đến ma tuý, liên quan đến tốc độ, liên quan đến mũ bảo hiểm, chấp hành đèn đỏ trong thành phố, rồi các hành vi đi vào làn đường khẩn cấp trên đường cao tốc… 

Tuy nhiên, chúng tôi cũng không dừng lại, thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục tập trung vào bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội Đảng, các sự kiện sau Đại hội với sự tham gia chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Công an, Cục CSGT, Công an TP Hà Nội và các địa phương. Sau đó sẽ tập trung bảo đảm an toàn cho người và phương tiện về quê ăn Tết, tránh ùn tắc cửa ngõ.

PV: Giao thông Tết bao giờ cũng phức tạp. Năm nay đặc biệt hơn vì có nhiều sự kiện lớn, lại là một năm dịch bệnh với diễn biến khó lường. Với thực tiễn này thì lực lượng CSGT có gặp khó khăn và áp lực gì không trong đảm bảo TTATGT, thưa đồng chí?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Năm nay cũng là năm đầu tiên lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát trên tuyến nào thì phải có trách nhiệm điều tra giải quyết TNGT theo thủ tục của luật xử lý vi phạm hành chính. Điều này là thêm một nhiệm vụ nặng nề với CSGT. Tuy nhiên, khó khăn chính là từ bất cập giữa lưu lượng phương tiện và hạ tầng giao thông, dẫn đến các vụ TNGT do hỗn hợp của các loại phương tiện. 

Khó khăn nữa là đối với các xe kinh doanh vận tải, chúng ta có NĐ10 về kinh doanh vận tải đường bộ nhưng thực chất là những công cụ mang tính mấu chốt để quản lý giờ lao động, giờ chấp hành chính là hộp đen lại chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả. Trong khi đó, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, chỉ biết mình, nhanh cho mình nhưng chưa quan tâm đến người khác. Điển hình là những clip do người dân đưa lên mạng, nào là đánh nhau, nào là lấn làn chèn ép nhau để đi… Chính điều này khiến cho lực lượng CSGT vất vả hơn. 

Một khó khăn khác, ở tính cưỡng chế chưa đáp ứng được yêu cầu. Với những hành vi mang tính cố ý như che biển số, chống lại CSGT, chúng ta chưa đủ chế tài xử phạt, chưa nghiêm, chưa đánh giá đúng tính chất mức độ để xử lý. Thêm nữa là chúng ta chưa có  văn hoá lấy cái tốt lên án cái xấu, dẫn đến người chấp hành tốt thì lại bị thiệt… Những điều này làm cho lực lượng CSGT vừa phải thực thi pháp luật, là căng mình ra thực hiện đúng, phòng ngừa và phát hiện xử phạt, vừa phải đương đầu với thách thức về môi trường. 

Chúng tôi làm việc 24/24h, không nghỉ trong điều kiện môi trường hiện nay ô nhiễm, nhất là thành phố lớn. Tuy nhiên, với trách nhiệm được giao, với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước giao cho lực lượng CSGT là lực lượng nòng cốt trong đảm bảo trật tự ATGT, chúng tôi luôn luôn quyết tâm cao hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

PV: Đồng chí vừa nhắc đến tính cưỡng chế người vi phạm. Điều này khiến tôi nghĩ về việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn và một số vụ chống đối người thi hành công vụ vừa xảy ra gần đây. Trong khi cuối năm, theo phong tục tập quán, việc tập trung nhậu nhẹt là điều khó tránh. Vậy lực lượng CSGT làm thế nào để xử lý nghiêm người sử dụng nồng độ cồn, và làm thế nào để hạn chế được tình trạng chống đối người thi hành công vụ?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Tôi phải nói rõ rằng, chế tài xử phạt việc thực hiện phòng chống tác hại rượu bia đã có, cùng với các quy định khác như xử lý người ép uống rượu bia, hành vi bán rượu bia không đúng quy định. Nhưng gần như là tôi chưa nghe thấy ai xử phạt lỗi về ép uống hay bán rượu bia sai quy định. Áp lực với người sử dụng rượu bia là chỉ sợ Nghị định 100 và ngại bị lực lượng CSGT xử phạt, nên chúng ta chưa thể giải quyết gốc của vấn đề. 

Tại Tuyên Quang vừa xảy ra việc người vi phạm nồng độ cồn túm cổ áo CSGT. Hành vi này đã vi phạm hình sự, chống lại lực lượng chức năng đang thực thi công vụ phải được xử lý nghiêm. Thế nhưng, có những trường hợp mất rất nhiều thời gian do quy định không đầy đủ để CSGT có thể sử dụng biện pháp cưỡng chế như đưa vào nhà, hoặc xe để vừa bảo vệ họ, vừa giữ họ không gây rối, chờ khi tỉnh rượu. Tất cả những điều này chúng ta còn thiếu. 

Thậm chí, không có quy định đối với những người cố tình không đo nồng độ cồn. Với những người say, không muốn hợp tác, thì thời gian kéo dài bao lâu. Chưa có quy định của nước tiên tiến nào lại quá thiếu hụt chế tài như chúng ta.

Rồi nhận thức được và mất, nếu uống rượu vẫn sử dụng phương tiện giao thông cá nhân thì chúng ta chưa tạo thành áp lực để người tham gia giao thông tự lựa chọn phương án tốt nhất cho mình. Đấy là vấn đề chúng tôi nghĩ cần xây dựng và bổ sung thêm trong thời gian tới.

Song tôi cũng phải bổ sung thêm, năm 2020, dù là năm COVID, nhiều nơi giãn cách xã hội, nhưng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông bị xử phạt về hành vi lái xe sau khi uống rượu bia vẫn  tăng. Nhưng số liệu xử phạt đã nói lên rằng, dù trong điều kiện khó khăn thì lực lượng CSGT vẫn không lơ là.

PV: Có ý kiến cho rằng, hành vi chống đối lực lượng CSGT là sai, song cũng còn đâu đó do cán bộ CSGT  thiếu kinh nghiệm, chưa “mềm mỏng” với người dân trong quá trình xử phạt, dẫn đến tình huống đôi co, chống đối. Điều này có đúng không, thưa đồng chí?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Tôi phải nói rằng, ở đây không có kinh nghiệm nào cả. Khi cảnh sát ra đường, quy định pháp luật đã nêu rõ anh được làm những gì. Còn với người vi phạm, luật cũng quy định rõ, trong máu và hơi thở không có nồng độ cồn. Để kiểm tra người dân có vi phạm hay không, chúng tôi chỉ có thể kiểm tra nồng độ cồn qua hơi thở. 

Nhưng cái này, có nhiều người không hợp tác, viện nhiều lý do để trì hoãn việc thổi để kiểm tra rõ định lượng nồng độ cồn, làm khó cho CSGT. Nếu có quy định trong vòng 30 phút mà anh không chấp hành thì coi đây là hành vi nặng hơn việc đo nồng độ cồn thì sẽ dễ xử phạt hơn. Nhưng nay luật chưa cho phép nên thẩm quyền được giao cho chúng tôi còn thiếu hụt để thực thi nghiêm. 

Tôi từng có lần sang Pháp công tác, tôi thấy ở nước bạn, khi người dân không chấp hành thì lực lượng CSGT không bắt buộc phải đo, mà áp luôn chế tài nặng hơn, đồng thời CSGT có quyền cưỡng chế đưa về cơ quan cảnh sát cho đến khi tỉnh rượu. 

Hay như việc người dân vi phạm, dùng côn để tấn công lại CSGT. Trong khi các nước CSGT được trang bị các loại vũ khí tương đương với côn để bảo vệ mình, khi bị tấn công, CSGT có thể sử dụng ngay vũ khí nóng. Nhưng chúng ta thì không được. Do đó, bằng cách bố trí các tổ cầm theo camera ghi lại hình ảnh đối tượng chống đối, gây rối trật tự công cộng, thì hình ảnh đó sẽ là bằng chứng xác đáng để cơ quan điều tra xử lý. 

Thêm nữa, phải nhìn thấy rằng, Luật xử phạt vi phạm hành chính không cho phép  công bố công khai danh tính đối với vi phạm về giao thông. Nếu được công khai danh tính, biết được người vi phạm là ai, ở đâu, vi phạm những gì, chắc chắn mức độ răn đe sẽ rất  lớn.

PV: Để có cái Tết trọn niềm vui, tai nạn không gia tăng, tới đây lực lượng CSGT có những giải pháp nào mạnh hơn nữa? Và đồng chí có muốn nhắn nhủ gì tới người dân trong việc lưu thông trong dịp trước trong và sau Tết?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Chắc chắn lực lượng CSGT sẽ huy động tối đa người và phương tiện không những phục vụ bảo vệ Đại hội Đảng, mà còn phục vụ nhân dân đi lại trong việc vui Tết, đón xuân. Duy trì cao điểm một cách liên tục với lực lượng tối ưu nhất, phương tiện tốt nhất. Với sự nỗ lực của CSGT, chúng tôi cũng mong muốn người dân có một cái Tết an toàn tuyệt đối, không chỉ cho mình mà còn cho gia đình và xã hội.

Đối với người dân nên lựa chọn thời gian phương thức đi lại một cách phù hợp với điều kiện kinh tế, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng. Ngoài ra nên chấp hành tốt các quy định chỉ dẫn của lực lượng CSGT, nếu phát hiện xe chở quá số người quy định thì thông tin tới CSGT, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm. Đồng thời thể hiện sự nghiêm minh của xã hội. 

Chúng ta đang có một đất nước hoà bình, chúng ta không thể để tai nạn tăng, ùn tắc tăng một cách lộn xộn. Do đó, ngoài sự quyết tâm của cơ quan nhà nước, cần sự đồng lòng, đồng sức của cả hệ thống chính trị và từng người dân từ trẻ đến già. Có như thế mới mong giải được bài toán giao thông hiện tại. Còn ai đó nói cứ xây đường rồi sẽ giải quyết mọi vấn đề thì cũng nên xét lại, vì xây được đường tốt, nhưng ý thức không tốt thì nguy cơ mất an toàn vẫn cao.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Phó Cục trưởng đã chia sẻ!

Phạm Huyền (thực hiện)
.
.