Phạm nhân lao động, sản xuất ngoài trại giam: Giúp phạm nhân hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng

Bài cuối: Cơ hội để phạm nhân trau dồi kiến thức, làm lại cuộc đời

Thứ Sáu, 24/05/2019, 08:24
Lao động là một bài học quý giá, giúp nhiều phạm nhân giác ngộ ra được chân giá trị của cuộc sống, để rồi có đủ bản lĩnh đứng lên, tái hoà nhập cộng đồng. Lao động dù dưới hình thức nào trong trại giam hay ngoài trại giam cũng mang lại hiệu quả như nhau, các phạm nhân tích cực lao động bởi đây chính là cơ hội để họ trau dồi kiến thức, làm lại cuộc đời.

Tại Trại giam Vĩnh Quang (đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc), giờ lao động, các phạm nhân tại trại làm những công việc đơn giản như may các bao bì nhựa, hay chăn nuôi, trồng trọt.

Còn tại Công ty Tùng Phương – doanh nghiệp liên kết với Trại giam Vĩnh Quang - phạm nhân có thể làm chậu cây cảnh, cơ khí  và làm gạch… Với 27 tháng tù giam, phạm nhân Phạm Văn Hồng cho biết, ở nhà chỉ biết làm nông nghiệp nhưng khi được ra khỏi trại giam làm việc, phạm nhân này chỉ mất gần 1 tháng đã thành thạo làm chậu cây cảnh. “Tôi may mắn được các thầy dạy cho các nghề làm chậu cây cảnh và làm việc ở doanh nghiệp nên tư tưởng thoái mái, yên tâm cải tạo."

Không chỉ có phạm nhân Hồng, nhiều phạm nhân khác khi được đến các cơ sở sản xuất ngoài trại giam đều có cơ hội học nhiều nghề khác mà trong trại không có, chưa kể  họ còn có cơ hội được các doanh nghiệp này nhận làm việc sau khi mãn hạn tù. Vì như hiện nay doanh nghiệp này đang thu nhận 4 phạm nhân sau khi mãn hạn tù quay về làm việc.

Cán bộ quản giáo hướng dẫn phạm nhân trong giờ lao động cải tạo.

Phạm nhân Hà Văn Tráng hồ hởi cho biết: “Ở ngoài xã hội tôi chỉ trộm cắp vặt, không có nghề gì. Vào trại, may mắn được các cán bộ và kỹ thuật của công ty hướng dẫn dạy nghề cho, vừa học vừa làm việc được 1 năm và cũng thấy thích công việc này. Khi ra trại, tôi sẽ kiếm xưởng nào để kiếm công ăn việc làm để hoà nhập cộng đồng hoặc cũng có thể mở xưởng nhỏ để làm mái tôn hoặc hàn cửa sắt kiếm sống”.

Phạm nhân Lê Phan Anh thi hành được 6/11 năm án vận chuyển trái phép chất ma tuý, đang thi hành án ở Trại giam Hoàng Tiến cho biết, trước tôi làm nghề lái xe, chưa từng biết nghề nào khác. Khi vào trại Hoàng Tiến, đã được dạy nghề may.

“Phạm nhân vào trại được dạy nghề, được giao những công việc phù hợp với tay nghề, sức khoẻ. Hiện đang làm may bao bì, việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động điều đó cho thấy phạm nhân chúng tôi vẫn còn là người có ích, có thể lao động sản xuất tạo ra của cải cho xã hội. Đây cũng là cơ hội cho chúng tôi trau dồi nghề nghiệp, có thêm kinh nghiệm, kiến thức để khi tái hoà nhập cộng đồng nhanh chóng, không bỡ ngỡ", phạm nhân Lê Phan Anh nói.

Phạm nhân Nguyễn Hồng Tư thi hành án ở Trại giam Phú Sơn 4 cho biết, là một trong các phạm nhân được Trại lựa chọn cho ra ngoài lao động anh thấy rất vui.

“Trại thực hiện đúng qui chế trại giam và sinh hoạt ăn uống và sinh hoạt 1 tháng 15kg gạo. Ngoài ra, doanh nghiệp còn bồi dưỡng thêm nên bữa ăn của chúng tôi đủ chất, đảm bảo tái sản xuất sức lao động. 1 tuần cải tạo từ thứ 2 đến thứ 6, thứ 7 học tập và học nghề. Bọn tôi được ra đây sau này có cái nghề có thể áp dụng vào cuộc sống của mình”.

Nói về công tác này, Trung tướng Hồ Thanh Đình, Cục trưởng Cục CSQLTG cho biết, nếu không có việc làm ổn định thì tác động xã hội yếu kém.  Thực tế trong những năm qua các phạm nhân đi làm vi phạm kỷ luật hầu như không có. 

Theo quy định, cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp và trại tạm giam đều có sự quản lý của Công an huyện, Công an tỉnh và lực lượng bảo vệ của doanh nghiệp. Giữa doanh nghiệp và trại giam đều có ký kết về lao động, về tai nạn lao động có thể xảy ra, hoặc có những tình hình về an ninh trật tự, mất an ninh trật tự. Hàng ngày, hàng tháng đều có giao ban, hàng ngày trại giam đều có cán bộ giám sát phạm nhân ra ngoài lao động và có sự trao đổi hàng ngày với doanh nghiệp.

Trung tướng Hồ Thanh Đình nhấn mạnh lao động là một trong những biện pháp bắt buộc để cải tạo phạm nhân. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất của các trại giam, trại tạm giam còn nhiều khó khăn nên việc tổ chức dạy nghề và lao động cho phạm nhân còn hạn chế .

Vì thế khi được liên kết với các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất để đưa phạm nhân ra ngoài trại giam, nhiều phạm nhân từ chỗ không có nghề nghiệp trong tay vào trại giam chỉ vài tháng cho đến 1 năm đã có thể được học nghề rồi còn được trải qua thời gian lao động thực hành nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất. Đây cũng là cách để giúp các phạm nhân sau khi mãn hạn tù sớm trở về có thể kiếm được việc làm và tái hoà nhập cộng đồng.

Điều đó khẳng định rằng, đưa phạm nhân ra ngoài lao động cũng là một trong những biện pháp giáo dục, cải tạo, bởi phạm nhân bị mất quyền công dân nhưng còn quyền con người, lao động, cải tạo biện pháp để giúp họ hướng thiện.

Trong khi điều kiện về việc làm, cơ sở vật chất trong các trại giam còn nhiều  hạn chế, thì việc liên kết đưa những phạm nhân cải tạo khá, tốt ra ngoài lao động, không chỉ giúp họ có cơ hội học nghề, làm nghề mà còn giúp họ sớm được tiếp xúc với xã hội, sớm hoàn lương, làm lại cuộc đời.

Phương Thuỷ
.
.