Zimbabwe:

Tổng thống 92 tuổi vẫn muốn tái cử

Thứ Ba, 03/01/2017, 17:00
Sinh nhật lần thứ 93 của Tổng thống Robert Mugabe (27-2-2017) sẽ vui hơn các lần trước bởi ông vừa được đảng Mặt trận yêu nước thống nhất quốc gia châu Phi Zimbabwe (Zanu-PF) cầm quyền quyết định chọn làm ứng cử viên trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2018.


2 năm trước (tháng 12-2014), đảng cầm quyền từng tuyên bố, ông Robert Mugabe sẽ ra tranh cử năm 2018, cho dù khi đó Tổng thống đã 94 tuổi. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon từng hối thúc các nhà lãnh đạo châu Phi không nên tham quyền cố vị (đầu năm 2016) và Tổng thống Robert Mugabe đã đáp ngay rằng ông sẽ tại vị cho tới khi "trời gọi".

Quyết định gây tranh cãi

Quyết định của Zanu-PF đã khiến người dân và các phe phái ở Zimbabwe có phản ứng bởi Tổng thống Robert Mugabe đã 92 tuổi nhưng vẫn được chọn. Quyết định của Zanu-PF được đưa ra sau khi lãnh đạo đoàn thanh niên thuộc đảng này kêu gọi ông Robert Mugabe nên làm Tổng thống trọn đời.

Tổng thống Robert Mugabe và vợ.

Ông Kudzai Chipanga, lãnh đạo đoàn thanh niên của Zanu-PF còn gợi ý sửa tên của nhà lãnh đạo trên giấy khai sinh và thẻ căn cước là "Tổng thống Robert Mugabe". Tờ The Guardian dẫn phản ứng và tuyên bố của các đảng và phe nhóm đối lập ở Zimbabwe - thói xun xoe, nịnh nọt của những người trong Zanu-PF là dấu hiệu cho thấy, Tổng thống Robert Mugabe và những người trung thành đang xa rời hiện thực đất nước.

Bởi trong nhiều năm qua, nền kinh tế ngày càng đi xuống, tỷ lệ thất nghiệp cao, người dân di cư ồ ạt, đất nước luôn trong tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, chủ yếu do hạn hán gây ra, đặc biệt là lạm phát đã gia tăng tới mức chóng mặt. Ông Robert Mugabe lên nắm quyền kể từ khi Zimbabwe giành độc lập năm 1980.

Nhưng trong thông báo phát đi hôm 18-12, Zanu-PF cho biết, ông Robert Mugabe tiếp tục được chọn và quyết định này diễn ra sau khi Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa bác bỏ những cáo buộc cho rằng, ông muốn lật đổ Tổng thống.

Đồng thời khẳng định, luôn trung thành và ủng hộ ông Robert Mugabe. Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa đưa ra tuyên bố kể trên sau khi một số thành viên trong Chính phủ công khai cáo buộc ông đã kích động tư tưởng bè phái và tìm cách tiếm quyền của Tổng thống Robert Mugabe.

Tuy được coi vẫn còn "sung sức", nhưng sức khỏe của vị tổng thống ngoài cửu thập đang có vấn đề - suy giảm rõ rệt cả về thể chất lẫn tinh thần. Ví dụ điển hình nhất cho nhận định này chính là 2 lần đọc nhầm diễn văn tại những sự kiện chính trị quan trọng của Tổng thống Robert Mugabe. Nhưng người phát ngôn của Tổng thống Robert Mugabe lại coi đó là sơ suất của văn phòng thư ký.

Ngày 15-9-2015, Tổng thống Robert Mugabe đọc nhầm bài phát biểu tại phiên khai mạc Quốc hội, nhưng không ai dám nhắc. Và điều thú vị là trong suốt bài diễn văn của Tổng thống Robert Mugabe, đa số các đại biểu và nghị sĩ đều ngồi yên lặng, một số còn thỉnh thoảng vỗ tay.

Hơn 4 năm trước (27-8-2012), tờ The Telegraph từng dẫn lời Giáo sư Welshman Ncube cho rằng, việc Tổng thống Robert Mugabe thường xuyên ngủ gật trong lúc họp nên phải từ chức bởi "mệt thì nghỉ".

Tổng thống Zambia Michael Sata phải đánh thức ông Robert Mugabe dậy khi Tổng thống Zimbabwe ngủ ngon lành tại Hội nghị thượng đỉnh Phát triển Cộng đồng Nam Phi ở Mozambique.

Sự yếu thế của phe đối lập

Đại diện của đảng Phong trào vì Sự Thay đổi Dân chủ (MDC) Obert Gutu cho rằng, đảng cầm quyền phải cảm thấy xấu hổ khi tổ chức tiệc sinh nhật xa hoa cho ông Robert Mugabe, trong khi hơn 90% người dân Zimbabwe đang phải sống nghèo đói bởi cách cai trị tồi tệ và quản lý kém cỏi trong nhiều thập niên của Tổng thống.

Phe đối lập cho rằng, tỉ lệ thất nghiệp đã lên mức 85%, trong khi nền kinh tế èo uột, năng suất yếu kém dẫn tới khó khăn trong việc giải quyết nạn hạn hán khiến 3 triệu người rơi vào tình trạng cần trợ giúp về thực phẩm. Lực lượng đối lập chính ở Zimbabwe đã tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại Tổng thống Robert Mugabe, yêu cầu nhà lãnh đạo 92 tuổi từ chức vì thất bại trong việc ổn định nền kinh tế.

Hàng nghìn người ủng hộ MDC đã tập trung tại Bulawayo (thành phố lớn thứ hai Zimbabwe) hô khẩu hiệu và hát những bài chỉ trích Tổng thống Robert Mugabe. Trước đó, MDC từng tổ chức một cuộc tuần hành ở Thủ đô Harare và đó là cuộc biểu tình lớn nhất phản đối ông Robert Mugabe trong gần 1 thập kỷ qua.

Phó thủ lĩnh MDC Thokozani Khupe tuyên bố, cuộc biểu tình sẽ kéo dài cho tới khi Tổng thống Robert Mugabe từ bỏ quyền lực. MDC từng tham gia Chính phủ chia sẻ quyền lực với Zanu-PF theo một thỏa thuận chính trị ký năm 2009.

Hơn 3 năm trước (16-8-2013), người phát ngôn MDC Douglas Mwonzora cho biết, ông Morgan Tsvangirai (khi đó là Thủ tướng) đã rút lại đơn kháng nghị về kết quả cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi hôm 31-7-2013. Bởi theo kết quả công bố do Ủy ban bầu cử Zimbabwe đưa ra hôm 1-8-2013, đảng cầm quyền của Tổng thống Robert Mugabe giành chiến thắng với 61% số phiếu, chiếm đa số so với 34% của MDC.

Và đó là lần thứ ba ông Morgan Tsvangirai thất bại trước ông Robert Mugabe trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống. Gần 8 năm trước (11-2-2009), ông Morgan Tsvangirai tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng và tại vị cho đến khi MDC thất bại trong cuộc bầu cử ngày 31-7-2013.

Ngày 18-11-2011, ông Morgan Tsvangirai (sinh ngày 10-3-1952) lên xe hoa với bà Lorcadia Tembo, nhưng cuộc hôn nhân này chỉ tồn tại trong 12 ngày. Và ông Morgan Tsvangirai đã đổ lỗi cho sự tan vỡ này là do âm mưu xấu xa của các mật vụ trung thành với Tổng thống Robert Mugabe.

Trước khi lên xe hoa với bà Lorcadia Tembo, ông Morgan Tsvangirai đã có vợ (bà Susan) và 6 người con. Sau đó, ông Morgan Tsvangirai đã cưới bà Elizabeth Macheka, nhưng họ không ký tên vào bản đăng ký kết hôn. Và tuy mở tiệc cưới linh đình, nhưng Tổng thống Robert Mugabe và nhiều lãnh đạo quốc gia không đến dự dù đã được Thủ tướng Morgan Tsvangirai mời.

Những hệ lụy

Hiếm có quốc gia nào trên thế giới như Zimbabwe khi sử dụng tới 9 loại tiền tệ (USD, euro, đôla Australia, rand Nam Phi, pula Botswana, bảng Anh, yên Nhật, rupee Ấn Độ và nhân dân tệ Trung Quốc). Và thực tế này khiến giới doanh nghiệp ở Zimbabwe buộc phải đóng vai trò của các đại lý đổi ngoại tệ sau khi đồng nội tệ bị rút khỏi lưu thông.

Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe John Mangudya cho biết, USD là "đồng tiền dự trữ" chính thức của Zimbabwe và không có ý định bỏ USD để dùng nhân dân tệ hay đồng rand. Theo giới truyền thông, cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Zimbabwe bắt đầu từ năm 2000, sau khi Chính phủ nước này cải cách ruộng đất mạnh mẽ, dẫn đến sự lao dốc của đồng đôla Zimbabwe.

Lần đo lường chính thức tình trạng lạm phát cuối cùng của Zimbabwe là vào đầu năm 2009, cho ra kết quả tới 230 triệu phần trăm và từ đó USD được chấp nhận sử dụng hợp pháp ở nước này. Nhiều nhà kinh tế từng ngạc nhiên trước sự lạm phát tới khó tin ở Zimbabwe - năm 2007 là 66.000%, 2008 là 231.000.000%.

Hơn 2 năm trước (16-11-2014), tờ Sunday Mail đưa tin: nữ Phó Tổng thống Joice Mujuru bị cáo buộc có liên quan tới âm mưu ám sát Tổng thống Robert Mugabe. Và ông Rugare Gumbo, người phát ngôn của Zanu-PF là chủ mưu trong vụ án kể trên.

Đó là diễn biến mới nhất trong cuộc đấu đá giữa các phe nhóm của Zanu-PF trước thềm đại hội đảng cầm quyền hồi tháng 12-2014. Khi đó dư luận cho rằng, Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe rất cần chiếc ghế Phó Tổng thống của bà Joice Mujuru. Nên bà Joice Mujuru thường xuyên bị bà Grace Mugabe chỉ trích.

Tờ The Herald từng cáo buộc bà Joice Mujuru "có những giao dịch bẩn thỉu" như buôn bán kim cương bất hợp pháp, gian lận và đòi 10% cổ phần tại các công ty tư nhân. Kém chồng tới 41 tuổi và kể từ khi kết hôn với ông Robert Mugabe đến nay (năm 1996, sau khi bà Sally Mugabe qua đời vì bệnh thận), bà Grace Mugabe luôn "gây sóng" - từ quan hệ bất chính, tiêu pha ngất trời, tới tham vọng chính trị.

Theo hãng NBC News, Đệ nhất phu nhân có biệt danh Gucci Grace - thường mua sắm ở London, Paris, Singapore, Hongkong (Trung Quốc) và mỗi lần đi nước ngoài, bà Grace Mugabe chi gần 1 triệu USD.

Cựu Thủ tướng Morgan Tsvangirai từng tuyên bố (16-2-2016), giữa lúc nạn đói hoành hành, nền kinh tế đang đi trên dây, nhưng không ai chú ý tới cuộc khủng hoảng này của quốc gia. Chính phủ không phản ứng, còn đảng cầm quyền mắc kẹt với vấn đề kế vị.

Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe.

Tờ The Guardian còn dẫn lời ông Morgan Tsvangirai khi cảnh báo, Zimbabwe đang diễn ra một cuộc "đảo chính nội cung" bởi Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe đang thâu tóm quyền lực một cách "âm thầm nhưng quyết liệt". Dư luận cho rằng, sự xuất hiện của Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe ở đâu là ở đó "nổi sóng", nhất là khi bà muốn sở hữu cái gì đó, đặc biệt là bất động sản.

2 năm trước (2014), bà Grace Mugabe được bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ Zanu-PF và chức vụ này đã giúp Đệ nhất phu nhân có vị thế trong đảng cầm quyền. Tham vọng của bà Grace Mugabe được Tổng thống Robert Mugabe ủng hộ khi khẳng định, Phó Tổng thống Joice Mujuru là "kẻ ham tiền" nên sự nghiệp của bà sẽ kết thúc khi Zanu-PF tổ chức bầu tân lãnh đạo (tháng 12-2014).

Ngoài việc ủng hộ vợ trong cuộc chiến chống lại Phó Tổng thống Joice Mujuru, Tổng thống Robert Mugabe còn thể hiện tình yêu của mình bằng quyết định tẩy chay Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) với châu Phi diễn ra tại Brussels (Bỉ) sau khi Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe bị EU "cấm cửa".

Sinh nhật lần thứ 92 của Tổng thống Robert Mugabe (27-2-2016) từng tiêu tốn gần 1 triệu USD do những người ủng hộ tổ chức. Và bữa tiệc mừng sinh nhật này khiến phe đối lập bất bình bởi tiệc tùng xa hoa diễn ra trong khi hạn hán nặng nề, người dân đói khổ. Nhưng lãnh đạo trẻ tuổi Pupurai Togarepi của đảng cầm quyền tuyên bố, tiền không phải là vấn đề ở đây - không thể định giá được sự cống hiến của Tổng thống Robert Mugabe đối với lịch sử và sự phát triển của đất nước. Trước đó (27-2-2015), bà Grace Mugabe đã chi 1 triệu USD để tổ chức sinh nhật lần thứ 91 cho chồng tại khu du lịch Victoria Falls, gần thác Victoria. Giới truyền thông cho biết, tiệc sinh nhật của Tổng thống Robert Mugabe luôn được coi là cơ hội bày tỏ lòng trung thành của những người ủng hộ.

Tuệ Sỹ-Trọng Hậu
.
.
.