Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và “canh bạc” Syria

Thứ Tư, 16/10/2019, 15:32
Quyết định tấn công Syria được coi như canh bạc của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khi đối mặt với nguy cơ bị cô lập và IS bắt đầu hồi sinh, còn đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ thì đã bắt đầu giảm giá...


Gần một tuần kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” tấn công Đông Bắc Syria, cho tới lúc này tình hình Syria tiếp tục hỗn loạn khi đã có hơn 130.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa ở các khu vực nông thôn ở khu vực biên giới chạy đi lánh nạn; 800 chiến binh IS đã thoát khỏi nhà tù và Syria sẽ điều quân tới dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ theo một thỏa thuận với người Kurd. 

Quyết định tấn công Syria được coi như canh bạc của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khi đối mặt với nguy cơ bị cô lập và IS bắt đầu hồi sinh, còn đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ thì đã bắt đầu giảm giá...

Cuộc chiến khốc liệt

Ngay từ sáng sớm ngày 13-10, tiếng súng vang lên tại thị trấn Ras al-Ain, trong khi lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào thị trấn Tel Abyad cách đó khoảng 120km mà không vấp phải sự kháng cự đáng kể. 

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ còn chiếm phần lớn thị trấn Suluk nằm ở phía Đông Nam Tel Abyad và kiểm soát xa lộ M4 nằm sâu 30 - 35 km trong lãnh thổ Syria. Tổng thống Tayyip Erdogan cho biết quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân đồng minh của nước này ở Syria sẽ tiến thêm 30-35km vào lãnh thổ Syria trong cuộc tấn công Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG).

Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, đến ngày 13-10, 480 tay súng của YPG bị tiêu diệt kể từ khi bắt đầu chiến dịch. Trong khi đó, một số nguồn tin địa phương cho hay xung đột khiến 104 tay súng thuộc lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu và 30 dân thường thiệt mạng. Theo YPG, gần 200.000 người phải sơ tán do xung đột, trong khi số liệu của LHQ cho thấy hơn 130.000 người rời khỏi Ras al-Aidn và Tel Abyad. Con số này có thể tăng lên hơn 400.000.

Tuy nhiên, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hồi sinh. Ngày 13-10, Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cho biết 785 thành viên gia đình của các tay súng IS trốn thoát khỏi trại tị nạn Ain Issa của dân quân người Kurd khi Thổ Nhĩ Kỳ pháo kích cuộc đào thoát quy mô lớn diễn ra tại trại Ain Issa khi đạn pháo của Thổ Nhĩ Kỳ rơi gần đó. 

"Các phần tử Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tấn công lực lượng canh gác và mở cổng trại. Lực lượng giám sát trại tị nạn hiện rất mỏng do nhân sự được chuyển ra tiền tuyến. Chúng tôi không có đủ nhân lực phụ trách trại", đại diện SDF cho biết.  

Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), tình hình trong trại Ain Issa hiện "rất hỗn loạn". Đây là nơi SDF quản lý hàng nghìn thành viên gia đình các tay súng IS, chủ yếu là người nước ngoài, sau khi nhóm khủng bố này bị đánh bại ở Syria.

Phát biểu trên truyền hình, Redur Xelil, một quan chức cấp cao thuộc lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria cho biết: “Hành động xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ đã kích hoạt sự hồi sinh của tổ chức khủng bố IS tại các khu vực Qamishli, Hasakah và nhiều khu vực khác. Hiện tại, chúng tôi đang phải chiến đấu trên cả 2 mặt trận, một là cuộc chiến chống IS với việc duy trì hợp tác với liên quân quốc tế do Mỹ, mặt trận còn lại là cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Đại diện người Kurd cũng kêu gọi Mỹ và các nước đồng minh nhanh chóng hành động bảo vệ lực lượng này trước hành động xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ, bằng cách thiết lập vùng cấm bay tại khu vực biên giới.

Ngày 14-10, Chính phủ Syria cho biết sẽ điều quân tới dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ theo một thỏa thuận với người Kurd nhằm giúp chống lại chiến dịch quân sự của Ankara. Kênh truyền hình al-Mayadeen của Liban đưa tin trong vòng 48 giờ, quân đội Syria sẽ triển khai tới thị trấn Kobani, hiện nằm dưới sự kiểm soát của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng đầu và thị trấn Manbij gần đó. 

Việc triển khai quân sẽ giúp SDF chống lại "cuộc xâm lược từ Thổ Nhĩ Kỳ", đồng thời "giải phóng những khu vực mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh đã xâm nhập". Với việc Chính phủ Syria quyết định đưa quân tới tham chiến cùng SDF, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trên chiến trường.

Chính phủ Syria sẽ đưa quân đội tới tham chiến ở khu vực biên giới.

Nguy cơ bị cô lập

Trong khi đó, ngày qua dư luận quốc tế không ngừng đưa ra các lời chỉ trích mạnh mẽ nhất đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm 12-10, Ngoại trưởng các nước thành viên Liên đoàn Arab (AL) đã tổ chức họp khẩn ở thủ đô Cairo, Ai Cập. Cuộc họp kết thúc với việc đưa ra tuyên bố chung lên án mạnh mẽ hành động xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, dù bất kỳ lý do phát động chiến dịch của nước này là gì. 

Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit cho biết: “Hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria chỉ có 1 cách gọi duy nhất, đó là “xâm lược”. Đây là 1 sự xâm lấn lãnh thổ của 1 quốc gia Arab, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền. Hành động xâm lược này cần bị lên án và thế giới không thể làm ngơ. Bất kể Thổ Nhĩ Kỳ viện dẫn lý do như thế nào, thì hành động xâm lược vẫn mãi là xâm lược. Đó là hành động bất hợp pháp, vi phạm các quy tắc quốc tế, không ai ủng hộ và cần bị lên án”. 

Dự kiến, các nước Arab sẽ xem xét khả năng đưa ra các biện pháp đối phó, đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm việc hạ mức quan hệ ngoại giao, chấm dứt hợp tác quân sự, kinh tế, văn hóa và du lịch với Thổ Nhĩ Kỳ.

Không chỉ ở các quốc gia Arab, là sóng biểu tình phản đối Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra tại nhiều nước châu Âu. Hàng chục nghìn người dân ở Pháp, Đức, Áo, Hy Lạp, Hungary, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ba Lan, Hà Lan… đã xuống đường để thể hiện tình đoàn kết với cộng đồng người Kurd, Syria. Họ kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn trong vấn đề. Dự kiến, Hội đồng Đối ngoại Liên minh châu Âu sẽ nhóm họp tại Luxembourg, để bàn về cơ chế phối hợp, cách tiếp cận của châu Âu trước tình hình.

Hiện một loạt các nước châu Âu như Phần Lan, Na Uy đã quyết định ngừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ như 1 hành động phản đối. Mới nhất, hôm 12-10, chính phủ các nước Pháp, Đức cũng đã dừng cấp phép và đình chỉ mọi kế hoạch xuất khẩu các khí tài quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ, với những lo ngại các trang thiết bị này có thể được sử dụng cho cuộc chiến. 

Tuyên bố chung của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Pháp cho biết: "Với kỳ vọng chiến dịch quân sự này sẽ chấm dứt, Pháp đã quyết định dừng mọi kế hoạch xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ mà có thể được sử dụng cho chiến dịch này. Quyết định sẽ có hiệu lực ngay lập tức". 

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết Berlin đã cấm xuất khẩu vũ khí tới Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2018, Đức đã xuất khẩu lượng vũ khí trị giá 243 triệu euro cho Thổ Nhĩ Kỳ, tương đương gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của nước này.

Xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Tel Abyad, hướng về thị trấn Akcakale ở Sanliurfa (Syria).

Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp khó

Trước những chỉ trích gay gắt từ dư luận, Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn quyết tâm bảo vệ quan điểm của mình, cho rằng chiến dịch tại Syria là hành động bảo vệ an ninh quốc gia, là cuộc chiến chống khủng bố. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu khẳng định nước này không sợ bị thế giới cô lập, chỉ vì đã tiến hành 1 cuộc chiến chống khủng bố. 

“Còn về những lo ngại về sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Syria, thế giới nên nhớ rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết rất nhiều lần về điều này, Ankara luôn tôn trọng chủ quyền Syria. Thực tế, cam kết này đã được đưa ra trong tuyên bố chung mới đây về Syria, giữa Tổng thống 3 nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Cavusoglu nói.

Tuy nhiên, ngoài việc có thể bị cô lập, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế. Với chiến dịch "Mùa xuân hòa bình" Ankara dự định sẽ xây khu định cư với 10 thị trấn và 140 làng dọc “vùng an toàn” để đón ít nhất 1 triệu người tị nạn Syria. Hệ thống cơ sở hạ tầng gồm trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, nhà thi đấu thể thao và 200.000 ngôi nhà. 

Những gia đình sống trong các ngôi làng sẽ có đất nông nghiệp để canh tác. Kế hoạch dự kiến hoàn thành trong một năm và tiêu tốn khoảng 26,4 tỷ USD, con số được đánh giá là vượt quá khả năng tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ trong thời điểm tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đang gia tang.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin cho biết, Tổng thống Donald Trump đã cho phép các quan chức nước này thảo luận về các lệnh trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara khởi động chiến dịch tấn công quân sự ở phía Đông Bắc Syria, tuy nhiên Washington chưa “kích hoạt” các biện pháp này vào thời điểm hiện nay. Theo ông Mnuchin “Đây sẽ là các lệnh trừng phạt rất nặng nề. Chúng tôi hy vọng không phải sử dụng chúng”.

Hiện đồng lira của Thổ Nhĩ kỳ đã bắt đầu giảm giá. Năm ngoái, đồng Lira đã bị mất gần 30% giá trị một phần do lệnh trừng phạt và thuế quan của Mỹ. Tổng thống Donald Trump khi đó tung ra các biện pháp trừng phạt này để gây áp lực buộc Ankara thả Andrew Brunson, mục sư người Mỹ bị bắt với cáo buộc khủng bố. Ông này sau đó đã được trả tự do. 

Trong những tháng gần đây, đồng lira dần ổn định và lạm phát giảm cho thấy nền kinh tế trị giá 766 tỷ USD của Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như đang dần khôi phục kể từ cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong gần 20 năm qua. Tuy nhiên, tuần qua, thị trường tiền tệ lại chứng kiến giá trị đồng lira giảm hơn 3% xuống còn 5,9 lira/USD. 

Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã cắt giảm lãi suất kể từ tháng 7 để thúc đẩy cho vay, nhưng các nhà đầu tư lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể tiếp tục nới lỏng chính sách và cuộc chiến ở Syria có thể trì hoãn đà phục hồi kinh tế. Ngành du lịch cũng có thể bị ảnh hưởng nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sa lầy lâu dài trong chiến sự.

Cho tới lúc này, vẫn khó để biết kết quả của cuộc chiến ở Syria có như kế hoạch của Tổng thống Erdogan hay không, nhưng rõ ràng với “canh bạc” này, ông Erdogan sẽ còn phải đói mặt với nhiều khó khăn cả ở trong và ngoài nước.

Ngọc Trang (tổng hợp)
.
.
.