Lại thêm một vết nhơ với cảnh sát Mỹ

Thứ Ba, 09/06/2020, 16:48
Trái ngược hẳn với hình ảnh của họ trong những bộ phim Hollywood, hiện trong lực lượng cảnh sát Mỹ còn tồn tại rất nhiều vấn nạn rất đáng quan ngại. Một số vấn đề được nói đến nhiều nhất là tình trạng phân biệt chủng tộc, xu hướng bạo lực hoá, và sự thiếu công minh trong xét xử, kỷ luật sỹ quan cảnh sát, v.v...


Vậy nên khi cả ba thiếu sót nói trên đều đồng loạt  trỗi dậy trong vụ liên quan tới George Floyd xảy ra vào ngày 25-5 vừa qua, người Mỹ nhanh chóng chuyển từ ngạc nhiên và đau buồn sang thất vọng và giận dữ hơn bao giờ hết.

George Floyd là một người Mỹ da đen 46 tuổi sống tại thành phố Minneapolis bằng nghề lái xe tải và làm bảo vệ cho một nhà hàng nọ. Vào rạng sáng ngày 25-5, George đang ngồi hóng gió trên mui xe thì bất ngờ bị sỹ quan cảnh sát Derek Chauvin vật xuống đất và đè đầu gối lên cổ họng. Trước đó sở cảnh sát đã nhận được thông báo rằng, có một người da đen sử dụng tiền lẻ để mua hàng, vậy nên khi đến hiện trường, Derek cùng ba sỹ quan khác đi theo và mặc nhiên cho rằng George là kẻ khả nghi kia.

Các cuộc biểu tình ở Mỹ nổ ra sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd. (Nguồn: Business Standard)

Một người qua đường đã kịp ghi lại bằng điện thoại những gì xảy ra sau đó: George van xin sỹ quan Derek thả anh ta ra để có thể có chút cơ hội mà thở. Ngay cả những người qua đường rồi cũng hét lên như vậy vì quá bất bình chen lẫn sự giận dữ. Tuy thế, sỹ quan Derek chỉ chịu bỏ gối khỏi cổ George khi anh ta dường như đã bị bất tỉnh. George được đưa đến bệnh viện Hạt Hennepin, và hơn một giờ đồng hồ sau các bác sỹ tuyên bố anh đã tử vong vì bị ngạt.

Xét về tổng thể thì thực tế cho thấy, kỹ năng chuyên môn của cảnh sát Mỹ còn nhiều việc phản bàn, ví như hầu hết cảnh sát Mỹ chỉ có dưới một năm để học chuyên môn. Trong khoảng thời gian ngắn như vậy, không ai có thể tiếp thu hết được các kỹ năng cần thiết để làm một người cảnh sát cả.

Ngành cảnh sát Mỹ cho rằng, vấn đề này có thể giải quyết bằng cách thuê những người có sẵn kinh nghiệm để làm sỹ quan, thường là những cựu binh đã giải ngũ. Nhưng cách tiếp cận này cũng đem lại rắc rối riêng của nó. Ấy là vấn đề liên quan tới các kỹ năng, kinh nghiệm,… của một người lính khác hẳn kỹ năng, kinh nghiệm của một cảnh sát. Chính vì thế cho nên, bạo lực rất dễ xảy ra khi một cảnh sát đối xử với nghi phạm giống với cái cách anh ta đối xử với kẻ thù trong vùng chiến sự.

Sau vụ việc xảy ra hôm 25-5, ngay lập tức các phóng viên bắt đầu điều tra về nhân thân Derek Chauvin và phát hiện ra rằng, viên sỹ quan này có một tiền sử vi phạm nghiêm trọng quy định ngành cảnh sát. Đó là vào năm 2005, Derek trong lúc đuổi theo xe của đối tượng tình nghi đã đâm chết một lúc ba người. Tiếp đến, sang năm 2006, Derek và ba sỹ quan khác đã đánh đập tù nhân trong trại cải tạo bang Minnesota.

Rồi nữa, vào năm 2008, Derek lại đã bắn Ira Latrell Torres khi đó 21 tuổi vì tội giơ súng đe dọa cảnh sát, trong khi trên người Ira hoàn toàn không có một khẩu súng nào. Chưa hết, vào năm 2011, Derek lại bắn người vô cớ, lần này nạn nhân là anh Leroy Martinez, một người Mỹ gốc Da Đỏ. Đấy là chưa kể những vi phạm khác liên quan đến tác phong, đạo đức,… nhưng Derek  chỉ bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách và trừ lương.

Nhìn vào hồ sơ cá nhân của Derek, bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy viên sỹ quan này hoàn toàn không có những phẩm chất tốt đẹp tối thiểu mà một người cảnh sát cần phải có. Chắc hẳn cái chết của George Floyd hôm 25-5 sẽ giống như giọt nước tràn ly buộc Derek Chauvin phải ra trước công lý trả lời cho những tội ác của mình chăng?!

Thế nhưng câu trả lời là không. Derek Chauvin và ba sỹ quan khác có mặt tại hiện trường vụ án chỉ bị cách chức cảnh sát mà không phải chịu bất kỳ cáo buộc, đơn kiện nào. Đây là một sự xúc phạm ghê gớm đối với George Floyd, gia đình bạn bè anh ấy, và bất kỳ người Mỹ tôn trọng luật pháp nào. George đã bị giết hại một cách vô cớ, thế mà những kẻ gây ra cái chết cho anh lại vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. 

Ngay cả sau khi Thị trưởng thành phố MinnesotaJacob Frey đứng lên kêu gọi các cơ quan chức năng bắt giữ và đưa Derek Chauvin ra toà, thì sở cảnh sát vẫn cứ "án binh bất động", đồng thời từ chối cung cấp bất kỳ thông tin nào về nhân thân Derek và ba sỹ quan còn lại.


Một người đân mỹ bày tỏ sự bất bình trước cái chết của ông George Floyd tại Minneapolis, bang Minnesota. Ảnh: Reuters

Với những chứng cớ, nhân chứng rành rành như thế, vì sao toà án Mỹ lại khó kết tội sỹ quan cảnh sát đến vậy?! Đó là vì mối liên hệ chặt chẽ giữa cảnh sát, phòng công tố và toà án. Theo đúng quy tắc luật pháp thì ba cơ quan này phải giữ độc lập với nhau trong quá trình hoạt động; tuy vậy, trên thực tế ở Mỹ họ có quan hệ rất chặt chẽ với nhau theo kiểu "nhóm lợi ích".

Đã có những trường hợp sỹ quan cảnh sát, công tố viên hay thậm chí là quan toà sử dụng quyền lực của các cơ quan pháp luật khác vì mục đích tư lợi riêng của mình. Những trường hợp cảnh sát bắn người vô cớ mà không chịu sự trừng trị thích đáng cũng là nhờ các mối quan hệ này. Người ngoài cuộc cho dù có muốn cũng không đưa được những mối quan hệ mờ ám này ra trước ánh sáng vì những đối tượng trên nắm hệ thống pháp luật trong tay.

Một yếu tố khác được nhiều người nói đến sau cái chết của George Floyd là sự phân biệt chủng tộc trong lực lượng cảnh sát Mỹ. Sau hơn một thế kỷ rưỡi kể từ khi cuộc Nội chiến Mỹ kết thúc và chế độ nô lệ bị bãi bỏ, người da đen tại Mỹ vẫn bị coi như công dân hạng hai, phải chịu biết bao nhiêu sự kỳ thị, cản trở trong mọi mặt của cuộc sống. 

Cảnh sát tại Mỹ đặc biệt chú ý đến các nghi phạm người da màu, và trong tâm lý nhiều sỹ quan da trắng họ mặc định là, cứ người da đen thì gần như chắc chắn đã phạm tội. Không những quan điểm này đi ngược với quy tắc "vô tội trước khi bị kết án" của hệ thống luật pháp, mà nó còn là tiền đề cho những hành vi bạo lực của cảnh sát.

Quay trở lại vụ việc George Floyd. Như đã thành cái lệ, sau một cái chết oan uổng, nhiều người Mỹ bắt đầu xuống đường biểu tình rầm rộ phản đối cảnh sát và yêu cầu những kẻ gây án phải bị pháp luật trừng trị. Và cũng như lệ thường, chính quyền thành phố điều động cảnh sát cơ động lập thành hàng rào, quây đoàn người biểu tình vào một chỗ nhất định.

Tình hình dần dần trở nên căng thẳng hơn, một phần vì người biểu tình, phần vì những phát ngôn, hành động thiếu trách nhiệm của những người có quyền, ví dụ như Giám đốc Sở cảnh sát thành phố Minnesota thẳng thừng tuyên bố: "George Floyd chết không phải vì ngạt thở, vì nếu ngạt thở thì làm sao anh ta có thể nói rằng: "Tôi không thở được!" chứ!".

Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng đã ra lệnh cho lực lượng Vệ binh Quốc gia triển khai tại Minnesota để lập lại trật tự, và còn ẩn ý rằng: Sẵn sàng cho phép binh lính nổ súng vào người biểu tình. Đã lâu lắm rồi nước Mỹ lại đứng trước bờ vực một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như thế này.

Có dấu hiệu cho thấy hệ thống luật pháp Mỹ đang tìm cách giải quyết cuộc bạo động bằng cách sớm đưa Derek Chauvin cùng ba sỹ quan khác ra toà xét xử. Tuy vậy, kể cả khi họ nhận sự trừng phạt thích đáng thì ngọn nguồn của cuộc biểu tình của người dân vẫn chưa được giải quyết. Cách giải quyết duy nhất chỉ có thể là: Đã tới lúc ngành cảnh sát Mỹ phải nghiêm túc tự nhìn nhận lại những thiếu sót bản thân và bắt đầu sống và làm việc theo đúng những bổn phận thiêng liêng của mình trước khi quá muộn.

Lê Công Vũ (tổng hợp)
.
.
.