Khi tra tấn là một kiểu làm ăn béo bở

Thứ Tư, 02/11/2016, 11:54
Tại sao tra tấn lại là “làm ăn”, tại sao lại béo bở, tại sao đặc nhiệm Nigeria đua nhau lạm quyền tra khảo nghi phạm? Ðó là quyền đặc biệt của họ, trong lực lượng đặc nhiệm chống… trộm ở Nigeria.


Biệt đội chống trộm này có tên tắt là SARS, được lập để xử lý bạo lực, nhưng nhờ lạm quyền tra tấn lại trở thành ổ kiếm tiền bất hảo.

Theo báo Independent, thành viên SARS giàu lên bất chính, nhờ đánh nghi phạm để kiếm tiền từ gia đình họ. Đánh nhiều, đánh mạnh để gia đình nghi can phải nộp tiền mong nhẹ tay.

Các vụ việc này diễn ra nhiều, khiến các tổ chức nhân quyền quốc tế nhảy vào điều tra. Nhưng các quan chức Nigeria phủ nhận các cáo buộc này. Họ nói tất cả sĩ quan SARS đều được huấn luyện tuân thủ nhân quyền…

Nhưng theo báo cáo của AI (một tổ chức nhân quyền quốc tế), các sĩ quan SARS  “thu vén nhiều tiền chỉ trong một thời gian ngắn”, nhờ cách “tịch thu” các tài sản có giá trị của các nghi phạm, tự ý rút tiền trong tài khoản ngân hàng của họ, tống tiền gia đình nghi phạm…

Một tên cướp vũ trang bị bắt, trước các đồng phạm đã bị SARS bắn chết.

Một vụ điển hình được AI điều tra: SARS bắt nhốt một thanh niên 29 tuổi cùng 4 người khác, vì tội cướp có vũ trang, bắt cóc. Nhưng thực ra anh ta chỉ đánh lộn với hàng xóm. Các nhân chứng nói trông thấy anh ta bị các sĩ quan cảnh sát đánh đập dã man.

Khi người anh trai tìm đến đồn SARS, một sĩ quan cho biết ông ta nên “bắn” ra  1.000 Naira (tiền Nigeria, tương đương 3 bảng Anh) thì được thăm một trong những người thân là nghi phạm. Mãi đến lần thứ ba, 6 người thân mới góp đủ tiền để được “thăm nuôi”. Được vào thăm, người thân mới được cho biết: người mà họ muốn thăm đã chết khi bị giam.

Người anh kể: “Họ bảo họ không có trách nhiệm gì trước cái chết của em tôi. Chúng tôi không được phép hỏi bất kỳ câu hỏi nào, không được yêu cầu làm rõ vụ việc”.

Một vụ khác, một nam sinh viên  24 tuổi tên là Ekene bị SARS bắt ở thành phố Awka (bang Anambra). Theo luật sư của sinh  viên này, sĩ quan phụ trách vụ việc nói với mẹ Ekene: phải chi 100.000 Naira (240 bảng) thì con bà mới được thả.

“Sĩ quan điều tra nói ông ta không bảo đảm sự sống cho Ekene, nếu chúng tôi không nộp tiền vào cuối hôm đó". Mẹ của Ekene nói.

Một người thân kể lại chuyện em trai ông ta bị SARS đánh chết.

Chidi Oluchi 32 tuổi kể khi bị SARS bắt ở thành phố Enugu, anh ta bị tra tấn: “Họ bắt đầu đánh tôi bằng cán rựa và gậy. Miệng tôi đầy máu và tôi không thể nhìn thấy rõ gì nữa". Oluchi chỉ được thả sau khi đút lót số tiền 25.500 Naira (80 USD) cho các sĩ quan SARS.

Một nhân viên trạm xăng từng bị bắt, kể: “Họ giải tôi vào một căn phòng, chìa ra một tờ giấy trắng và buộc tôi ký vào. Khi tôi ký xong, họ nói: “Mày đã tự tay ký vào án tử hình rồi đấy”.

Họ đưa tôi ra phía sau đồn,trói tay ra sau lưng. Họ trói hai chân tôi vào dây thừng, kéo ngược người lên cao, đầu cắm xuống đất trong khi họ đặt một ống sắt giữa tay và chân tôi.

Ở tư thế đó, viên sĩ quan điều tra liên tục vào ra, bảo tôi khai sự thật. Tôi bất tỉnh. Khi tôi sắp chết, họ thả tôi xuống, xối nước lạnh để tôi tỉnh lại. Họ giải tôi trở lại xà lim, và bị giam suốt hai tuần”. Sau đó, người này được thả mà không bị buộc tội danh nào, sau khi luật sư nộp đơn tố đồn SARS lạm quyền.

Báo Independent đã liên lạc với Cao ủy Nigeria để tìm câu trả lời của chính phủ nước này về báo cáo của AI. Một sĩ quan cao cấp cho biết có 40 cảnh sát SARS lạm quyền với tù phạm đã “bị” luân chuyển công tác đến các đồn khác hồi tháng 4-2016. Sĩ quan này không cho biết lý do họ bị điều tra.

Damian Ugwu, nhà nghiên cứu về Nigeria của AI nói: “Các sĩ quan SARS giàu nhanh nhờ sự tàn bạo của họ. Ở Nigeria, xem ra tra tấn là một kiểu làm ăn béo bở. Đã đến lúc chính quyền phải bảo đảm các sĩ quan phải lãnh trách nhiệm vì vi phạm nhân quyền. Cũng rất cần có luật bảo đảm các hoạt động tra tấn phải là tội phạm luật hình sự của Nigeria”.

Kim Hương (theo Independent)
.
.
.