Giải mật chuyến bay định mệnh của Gagarin

Thứ Ba, 02/05/2017, 14:07
Tài liệu giải mật của Nga vừa tiết lộ một lỗi kỹ thuật suýt phá tan chuyến bay lên vũ trụ đầu tiên của loài người. Ngày 12-4-1961, nhà du hành vũ trụ Liên Xô Iu. Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ và bay quanh trái đất trong 108 phút trên con tàu Vostok 1.


Chuyến bay tự sát

Gagarin thuộc nhóm 10 nhà phi hành đầu tiên được chọn từ 3.000 phi công chiến đấu cơ của Liên Xô.

Gagarin biết rõ đây là một nhiệm vụ rất nguy hiểm, vì trước chuyến bay đã có 4 mô hình được phóng thử và một mô hình bị cháy lập tức. Thông tin này được giữ kín, nhưng ai cũng biết rõ Gagarin có thể không thể quay về.

Trước chuyến bay, không có bằng chứng con người có thể sống sót trong một chuyến bay như thế. Nhưng Gagarin thuộc thế hệ thời chiến luôn mơ ước làm được những điều vĩ đại và có tinh thần hy sinh. Cơ hội bay vào vũ trụ cho ông cơ hội biến giấc mơ thành hiện thực.

Nhưng tài liệu mật Liên Xô được giải mật cho biết, trước khi con tàu Vostok 1 cất cánh, một lỗi kỹ thuật được phát hiện nơi cánh cửa. Các kỹ sư liền lao vào tháo 32 chiếc ốc vít rồi tháo cánh cửa đem đi hàn một lỗ thủng. 

Tài liệu được công bố ngày 12-4-2011 cũng cho biết, một ngày trước chuyến bay dài 108  phút này, bộ trang phục và ghế ngồi của Gagarin nặng quá trọng lượng cho phép tới 13,6 kg.

Để giảm trọng lượng, các kỹ sư phải bỏ bớt một số thiết bị của chiếc Vostok, nhưng vì vội ngắt 2 máy đo áp suất và nhiệt độ, họ đã gây ra tình trạng… cúp điện, khiến các chuyên gia mất cả đêm để sửa chữa.

Cuốn sách còn cho biết, các quan chức Liên Xô đã cố giấu một sự thật: Gagarin hạ cánh xuống trái đất cách nơi đón anh tận 320 km.

 Nhà báo Nga Anton Pervushin là tác giả cuốn sách “Chuyến bay có người lái đầu tiên: 108 phút làm thay đổi thế giới”, viết rằng các nhà khoa học tính toán sai nơi hạ cánh, điều giải thích vì sao chẳng có ai đón hoặc kiếm anh ở nơi chiếc Vostok 1 đáp, cách Moscow 800 km về phía nam.

Pervushin viết: “Trong nhiều năm, nền văn học đã ca ngợi rằng Gagarin và chiếc Vostok hạ cánh đúng địa điểm, nhưng thông tin ấy hoàn toàn xa với sự thật… Điều đầu tiên Gagarin phải làm sau khi hạ cánh là rời khỏi tàu để tìm người và tìm cách liên lạc”.

Nhà báo Nga còn nêu các quan chức Liên Xô nói anh hạ cánh trong chiếc Vostok 1, nhưng thực tế Gagarin nhảy dù. Hôm ấy, một nữ nông dân cùng con gái đã ngạc nhiên chứng kiến cảnh Gagarin nhảy dù xuống một cánh đồng tại vùng ven thành phố Engels ở tỉnh Saratov (Liên Xô).

Tác giả nói sự khác biệt này nhằm “lách” các quy định khiến thành tích này của Liên Xô có thể không được đăng ký như một kỷ lục thế giới. Pervushin viết cuốn sách này dựa theo các tài liệu và lời kể của nhiều nhân chứng.

Chấp nhận hy sinh

Gagarin là một phi công giỏi và can đảm, tích cực rèn luyện thể lực. Ở thành phố Ngôi sao, top 10 ứng viên bay vào vũ trụ  được rèn luyện phải chịu đựng sự cô độc, mệt mỏi và đau đớn của chuyến bay.

Sức khỏe tuyệt vời là một trong những tiêu chuẩn được xét. Sau này, Gagarin kể: “Bác sĩ dùng búa gõ từng chiếc xương, kiểm tra chức năng của tất cả các bộ phận ngũ tạng của chúng tôi”.

Kèm theo đó là nhiều cuộc thí nghiệm, như các ứng viên phải đeo tai nghe để nghe một giọng nói gợi ý họ trả lời những câu hỏi sai.

Mục đích ứng viên trong hoàn cảnh ngặt nghèo, chỉ có thể trông cậy chính bản thân, theo cách huấn luyện khắt khe của tướng Nikolai Kamanin, chỉ huy chương trình đào tạo.

Nhậu giỏi cũng là kỹ năng

Theo báo Russia beyond the headlines, lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev biết người đầu tiên được chọn bay vào vũ trụ sẽ tự động trở thành “nhân vật của thế kỷ” và là “người của công chúng”.

Và Gagarin phù hợp quan điểm của Khrushchev về chuyện chọn bộ mặt của Liên Xô: một người Nga cởi mở, tự tin vào sức mạnh ý chí, chỉ là một người bình thường chứ không phải là một quan chức bóng bẩy của thị thành.

Sau chuyến bay lịch sử, Thiếu tá Gagarin liên tục đi khắp thế giới để tôn vinh thành tựu của Liên Xô. Ông hội đủ hai khả năng cần thiết cho chuyến đi này: uống rượu không hề say và giỏi nói chuyện tiếu lâm. Nhiều diễn viên, nhà văn nổi tiếng, lãnh đạo các nước và thậm chí Nữ hoàng Anh đã nhiều lần nhậu với Gagarin.

Khi chuyến đi kết thúc, Gagarin bị suy nhược, cảm thấy mình vô ích. Việc Nhà nước tặng xe con, căn hộ cùng nhiều bổng lộc không thể bù lấp việc ông không còn là trung tâm của sự chú ý cấp thế giới.

Không thể vượt qua sự suy nhược, Gagarin bắt đầu uống rượu nhiều hơn. Tin đồn ông nhậu rồi quậy tưng lan khắp Liên Xô. Nổi cộm nhất là vụ ở khu nghỉ dưỡng Foros bên Biển Đen: sau khi say be bét, ông nhảy từ lan can khách sạn xuống đất, bị rạn xương sọ, xương mặt và phải nằm viện một tháng.

Để lại là “bộ mặt của thế kỷ”, Gagarin phải chịu cuộc giải phẫu thẩm mỹ, điều ít được biết đến vào thời đó. Dù sửa được bộ mặt, nụ cười tươi của Gagarin sau chuyến bay lịch sử đã mất hẳn, những ảnh chụp nhà du hành vào giữa những năm 1960 cho thấy Gagarin âu sầu.

Gagarin được chỉ định làm chỉ huy nhóm phi hành gia, và tháng 6-1966, ông bắt đầu tập luyện cho chương trình Soyuz. Nhưng ông vẫn bị suy nhược, tiếp tục uống rượu nhiều. Ông tâm sự với bạn bè rằng ông đã hết thời.

Cái chết lúc bay tập

Trên trời, Gagarin cảm thấy thoải mái hơn ở dưới đất. Là phi công chuyên nghiệp, máy bay cho ông cảm giác ông còn có ích. Trong những năm cuối đời, ông bay liên tục. Ngày nào ông cũng đến sân bay Chkalovsky để leo vào buồng lái chiếc chiến đấu cơ MiG-15.

Tài liệu giải mật cũng tiết lộ lá thư Gagarin gởi gia đình 2 ngày trước chuyến bay lịch sử và dặn kỹ chỉ cho mở nếu ông chết, trong đó Gagarin thừa nhận với vợ, rằng không loại trừ nguy cơ xảy ra tai nạn: “Anh tin tưởng hoàn toàn vào thiết bị kỹ thuật, nhưng ngay cả trên đất bằng, người ta đôi khi cũng bị té gãy cổ”.

Gagarin viết bức thư lúc 27 tuổi, đã khuyên vợ “đừng chết vì buồn” nếu chồng không bao giờ quay lại. Người vợ chỉ đọc thư này khi Gagarin 34 tuổi, ông qua đời trong một chuyến bay tập ngày 27-3-1968, chưa đầy 7 năm sau khi bay vào vũ trụ.

Hôm ấy, Gagarin và phi công Vladimir Serygonin đang lái chiếc MiG-15 thì gặp tai nạn gần thủ đô Moscow. Chính quyền Liên Xô khi đó đã lập một ủy ban điều tra, ra kết luận chính thức: Tổ lái chiếc MiG-15 cố gắng tránh “một vật thể lạ, có thể là ngỗng hoặc khinh khí cầu đo thời tiết” nên mất kiểm soát và lao xuống đất theo hình xoắn ốc, khiến 2 phi công thiệt mạng tại chỗ.

Có tin đồn Gagarin say xỉn khi vào khoang lái, hoặc ông tự sát. Tuần san Tuyệt mật của Nga viết rằng ông không chết nhưng bị nhốt trong một nhà thương điên vì chống các chủ trương của lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev hoặc chống đảng.

Nhà tiên tri Vanga người Bungari phán Gagarin không chết, mà “được đưa về trời”. Còn có nhiều người đồn đoán Gagarin bị nước ngoài ám sát do ông là biểu tượng lớn nhất cho các thành tựu phát triển của Liên Xô.

Năm 2003, trang tin Space.com (Mỹ) dẫn một  tài liệu giải mật tiết lộ Cơ quan An ninh - Tình báo Liên Xô (KGB) nghi ngờ các nhân viên kiểm soát không lưu vô tình góp phần gây ra vụ tai nạn do cung cấp dữ liệu thời tiết sai.

Còn có một giả thiết của một đại tá không quân Liên Xô: phi công lái chiếc MiG-15 trước đó đã làm xáo trộn hoặc có thể để hở một lỗ thông hơi trong buồng lái, khiến Gagarin và Seryogin lâm vào tình trạng thiếu dưỡng khí.

Thậm chí có ý kiến cho rằng chiếc MiG của Gagarin đụng phải phi thuyền của người ngoài hành tinh hoặc bị nó tấn công.

Cứ thế, tấm màn bí ẩn bao trùm cái chết của Gagarin ngày một dày thêm….

Tiết lộ của người bạn thân

Đến năm 2013, phi công vũ trụ Alexei Leonov - người đầu tiên đi bộ ngoài không gian lịch sử năm 1965, đã tiết lộ với báo Russia Today (Nga) về cái chết của người bạn thân Gagarin.

Leonov từng là thành viên chính thức của Ủy ban điều tra vụ tai nạn của Gagarin, cho biết hôm ấy, ông đang lái một chiếc trực thăng gần nơi xảy ra tai nạn.

Leonov khẳng định: “Vật thể lạ gây ra thảm kịch không phải khinh khí cầu hay chim đâm vào chiếc MiG, mà là một chiến đấu cơ Su-15 bay sát gần chiếc MiG của Gagarin ở cự ly nguy hiểm”.

Leonov nói kết luận của Ủy ban điều tra chỉ khiến dân thường tin, chứ không thể làm các chuyên gia tâm phục khẩu phục. Chính vì thế mà có nhiều giả thuyết về cái chết của Gagarin, từ lỗi kỹ thuật đến thuyết âm mưu.

Leonov nói: “Chúng tôi biết theo lịch, một chiếc Su-15 sẽ được bay thử nghiệm vào ngày đó nhưng theo nguyên tắc, nó phải bay ở độ cao 10.000 m hoặc hơn chứ không phải 450 - 500 m.

Đó là hành động vi phạm quy định bay. Trong khi tăng tốc, chiếc Su-15 đã bay sát máy bay của Gagarin ở cự ly 10 - 15 m khiến chiếc MiG-15 lật ngược và bị cuốn vào vòng xoáy có tốc độ 750 km/giờ. Khi đó, tôi còn nghe 2 tiếng nổ lớn”.

Leonov từ chối tiết lộ tên của phi công khinh suất đã gây ra cái chết của Gagarin, chỉ nói người này nay đã 84 tuổi và sức khỏe đã yếu.

Leonov cho rằng sở dĩ chính quyền không công bố sự thật vì không muốn dư luận biết rằng sai sót nghiêm trọng như vậy lại xảy ra gần thủ đô. Leonov cũng cho biết Chính phủ Nga cho phép ông công khai những điều mà ông cho là “gần với sự thật nhất” của kết quả điều tra.

Hòn Rồng (tổng hợp)
.
.
.