Ấn Độ thất bại với các biện pháp kiềm chế tội phạm tấn công phụ nữ?

Chủ Nhật, 10/11/2019, 10:03
Theo dữ liệu từ Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia (NCRB) của Ấn Độ, Uttar Pradesh, Madhya Pradesh và Maharashtra là những bang thường xuyên xảy ra các vụ hãm hiếp và tấn công tình dục chống phụ nữ.


Chính phủ các bang này đang đưa ra các biện pháp mới để tăng sự an toàn cho phụ nữ, nhưng các chuyên gia cho rằng động thái của họ không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ và những thất bại mang tính hệ thống trong hệ thống tư pháp hình sự của Ấn Độ.

Ấn Độ có tới 38.947 vụ hãm hiếp được báo cáo trong năm 2016, tăng 12% so với năm 2015. Số vụ được báo cáo dưới tiêu đề "tấn công tình dục, quấy rối và gạ gẫm" là 84.746 trên toàn quốc. Đây là tội ác phổ biến thứ hai đối với phụ nữ sau các vụ "bạo lực trong gia đình".

Người dân Ấn Độ biểu tình chống tội phạm cưỡng dâm phụ nữ.

Khi Ajay Singh Bisht nắm quyền lãnh đạo bang Uttar Pradesh vào năm 2017, ông quyết định giải quyết vấn đề an toàn cho phụ nữ bằng cách tạo ra "Đội chống Romeo" gây tranh cãi, với cảnh sát trong trang phục dân sự để giám sát không gian công cộng kiểm tra những kẻ quấy rối trên đường phố (còn được gọi là các Romeo bên lề đường).

Đội hình cuối cùng đã tan rã. Nhưng sau một loạt các vụ hãm hiếp trẻ vị thành niên, Bisht chỉ đạo cảnh sát hồi sinh "Đội chống Romeo" với sức mạnh mới đưa ra cảnh báo "thẻ đỏ" đối với "nghi phạm quấy rối". Nếu một người bị bắt hai lần thực hiện một hành vi tương tự, anh ta sẽ phải đối mặt với các thủ tục tố tụng hình sự.

Vaibhav Krishna, Giám đốc lực lượng cảnh sát bang Uttar Pradesh cho biết các sĩ quan cảnh sát trong 23 "Đội chống Romeo" nhận được các chương trình huấn luyện về giới tính để giúp họ xử lý các vụ việc tốt hơn.

Tại bang Rajasthan láng giềng, tội ác đối với phụ nữ đã tăng khoảng 40% và các vụ hiếp dâm tăng 30% trong 5 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này vẫn xảy ra mặc dù chính phủ thành lập phiên bản riêng của "Đội chống Romeo" vào năm 2018 với các nữ cảnh sát tuần tra trên mô tô. Hiện nay, chính quyền bang Rajasthan kế hoạch thành lập các đơn vị điều tra đặc biệt về tội ác chống lại phụ nữ.

Trong khi đó, bang Delhi có ít nhất 5 vụ hãm hiếp được báo cáo mỗi ngày vào năm 2018, theo dữ liệu của NCRB. Vì vậy, chính phủ bang muốn tăng cường an toàn bằng cách khuyến khích phụ nữ sử dụng không gian công cộng thông qua tàu điện ngầm và xe buýt miễn phí, đồng thời lắp đặt 300.000 camera quan sát.

Lực lượng cảnh sát bang Delhi cũng thành lập một đội cảnh sát nữ đi mô tô tuần tra trên đường phố có tên gọi là Raftar. Dữ liệu từ cảnh sát Delhi cho thấy bạo lực tình dục đối với phụ nữ chỉ giảm nhẹ trong thời gian gần đây.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, các trường hợp hiếp dâm được báo cáo là 973, giảm so với 1.005 trường hợp trong cùng kỳ năm 2018; trong khi các trường hợp tấn công phụ nữ với ý định xúc phạm giảm xuống còn 172. Madhya Pradesh là bang đầu tiên đề xuất án tử hình đối với những người đàn ông cưỡng hiếp các bé gái dưới 12 tuổi.

Nhưng tình trạng bạo lực chống phụ nữ vẫn chưa giảm với hàng loạt vụ cưỡng dâm trẻ gái vị thành niên trong bang trở thành tiêu đề nóng trong suốt tháng 6-2019. Do đó, chính quyền bang có một sáng kiến sử dụng các thiết bị theo dõi GPS và tạo các "nút hoảng loạn khẩn cấp" trên các phương tiện công cộng như xe buýt và taxi.

Nhưng cuộc khảo sát của các tổ chức phi chính phủ như Akshara và Safetipin cho thấy 44% các khu vực ở thành phố Mumbai là không an toàn. Cuộc khảo sát cũng tuyên bố phụ nữ chỉ an toàn khi đi bộ trên 22% đường phố Mumbai. Năm 2019, chính quyền bang Maharashtra đề xuất một số biện pháp an toàn như thiết lập các điểm truy cập SOS, theo dõi các ứng dụng và lắp đặt thêm camera quan sát.

Tuy nhiên, các nhà nữ quyền không tin rằng giám sát dẫn đến sự an toàn hơn cho phụ nữ. Các báo cáo gần đây tiết lộ rằng từ năm 2015 đến 2018, các bang và vùng lãnh thổ của Ấn Độ sử dụng chưa đến 20% ngân sách trị giá 8,5 tỷ rupee (124 triệu USD) được phân bổ cho họ từ Quỹ Nirbhaya (hỗ trợ các chương trình bảo vệ an toàn cho phụ nữ).

Quỹ Nirbhaya được thành lập sau hậu quả của một vụ hãm hiếp tập thể tàn bạo một nữ sinh viên y tế ở New Delhi vào tháng 12-2012. Delhi, nơi có tỷ lệ tội phạm cao nhất đối với phụ nữ, chỉ sử dụng 0,84% trong số 350 triệu rupee mà bang nhận được.

Một rào cản lớn khác ngăn nạn nhân của bạo lực tình dục có được công lý là tỷ lệ kết án thấp ở Ấn Độ, chỉ chiếm 25,5% đối với tội cưỡng dâm và chỉ dưới 22% đối với các vụ tấn công và quấy rối tình dục - theo dữ liệu của NCRB.

Duy Minh
.
.
.